Những đứa trẻ mang khối u khổng lồ khi còn trong bụng mẹ
Mang bầu được 19 tuần tuổi, người phụ nữ ở Phú Yên đi khám thai và khóc òa khi các bác sĩ thông báo phát hiện em bé có khối u lớn nằm ở cằm và cổ. Không đành bỏ con, chị quyết định chờ sinh nhưng lòng đầy lo lắng. May mắn, các bác sĩ BV. Nhi Đồng 1 đã phối hợp cùng bác sĩ BV. Từ Dũ giúp em bé chào đời an toàn.
Khối u được xác định lúc 19 tuần tuổi là loại u lành, tuy nhiên theo các bác sĩ, tốc độ phát triển khối u là rất nhanh. Không ngoài quan ngại ban đầu, khi bé được 25 tuần tuổi, kết quả chụp MRI đã cho thấy khối bướu đã bắt đầu chèn ép khí quản. Tuy nhiên do thai nhi còn quá nhỏ, các bác sĩ BV. Từ Dũ đành phải làm mọi cách để kéo dài tuổi thai.
Căng thẳng từng ngày, cuối cùng các bác sĩ cũng đã nuôi thành công bào thai trong bụng mẹ đến 38 tuần tuổi. Tiên lượng khi chào đời nguy cơ tử vong cao nếu phổi không nở. Chính vì thế các bác sĩ BV. Từ Dũ đã yêu cầu sự hỗ trợ từ các bác sĩ BV. Nhi Đồng 1.
Sau nhiều lần hội chẩn và đưa phương án cấp cứu, các bác sĩ quyết định dùng phẫu thuật EXIT để cứu cả mẹ lẫn con. Đây là kỹ thuật xử trí ngoài tử cung trong lúc sinh chuyên dành cho những thai bị bướu chèn ép đường thở. Cụ thể, các bác sĩ phải tạo đường thở cho em bé ngay khi vừa ra khỏi tử cung của mẹ.
Một em bé mang bướu khổng lồ từ trong bụng mẹ vừa được các bác sĩ cứu sống
Thủ thuật này phải được thực hiện thật nhanh, thời gian phải chạy đua trước lúc tử cung co lại và nhau bong ra. Thông thường ở trường hợp thai nhi mang khối bướu chèn đường thở, nếu không can thiệp ngay, em bé chắc chắn tử vong sau sinh hoặc bà mẹ trước đó vì quá lo lắng nên đã quyết định hủy thai.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, các bác sĩ của hai bệnh viện này đã phối hợp phẫu thuật. Người mẹ được mổ bắt con bằng phương pháp gây tê. Khi đứa bé vừa nhô đầu và vai ra khỏi tử cung, êkíp bác sĩ ngoại khoa của BV. Nhi Đồng 1 đã lập tức đặt đường thở cho bé. Em bé khi đó có tư thế nửa trong nửa ngoài bụng mẹ. Các bác sĩ đã tiến hành mọi việc chỉ trong 8 phút. Sau mổ, cả bé và mẹ đều khỏe mạnh. Bệnh nhi dự kiến được mổ cắt bướu trong khoảng một tuần sau khi chào đời.
Một trường hợp khác, bé sơ sinh con của một thai phụ sống ở TP.HCM vừa chào đời trên mặt đã mang một khối bướu khổng lồ. Không những thế, khối bướu còn chèn đường thở khiến bé bị ngạt. Các bác sĩ sau đó đã phải tiến hành phẫu thuật khẩn cấp.
ThS.BS. Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV. Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, bé gái sơ sinh nặng 3,6kg, con của một phụ nữ quê ở Hà Nam, sống tại TP.HCM. Bé chào đời tại BV. Từ Dũ và khi sinh, các bác sĩ phát hiện mặt bé có khối bướu lớn (kích thước 10 cm x 15 cm), ăn sâu vào các lớp cơ và mạch máu vùng cổ, chèn đường thở.
Tại BV. Nhi Đồng 1, kết quả thăm khám cho thấy bé đối diện với nguy cơ ngạt và tử vong do khối bướu to chèn ép. Ca phẫu thuật phối hợp giữa hai bệnh viện đã được tiến hành và sau 4 tiếng đồng hồ phẫu thuật bóc tách, khối bướu khổng lồ bác sĩ đưa ra ngoài. Sau ca mổ sức khỏe bệnh nhi ổn định, dấu hiệu sinh tồn hoàn toàn bình thường.
ThS.BS. Đào Trung Hiếu cho hay, nguyên nhân gây ra khối bướu nói trên có thể trong quá trình thai nhi phát triển, một mạch máu bị tắc nên cơ thể bé phình lên. Loại bướu u nang bạch mạch ở bệnh nhi không phải là hiếm. Mỗi năm, bệnh viện phẫu thuật 10 - 20 trường hợp tương tự, nhưng khối bướu to như của bé gái này khá hiếm gặp.
Mới đây nhất và cũng là trường hợp thai nhi mang bướu có hình thù to nhất (chiếm hơn nửa trọng lượng cơ thể thai nhi) đã được các bác sĩ BV. Nhi đồng Thành phố phối hợp cùng với BV. Từ Dũ phẫu thuật bóc tách.
Bệnh nhi chào đời tại BV. Từ Dũ với khối u khổng lồ vùng cùng cụt hậu môn chứa da, ruột, chân, tóc... Sản phụ cho biết, chị phát hiện con mình có khối u lúc thai được 7 tháng nhưng quyết định giữ con. Khi bé được 37 tuần tuổi, các bác sĩ của hai bệnh viện quyết định mổ chủ động, sau đó cắt khối u khi bé được 6 ngày tuổi.
Khi chào đời, cả em bé và khối u nặng 3,8kg (trong đó khối u nặng khoảng 1,8kg). Bé được chuyển đến BV. Nhi đồng Thành phố ngay sau đó để chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Tại bệnh viện, do khối u to, có chỗ bị loét, vỡ, chảy dịch nguy cơ nhiễm trùng rất cao nên các bác sĩ đã phải lập tức mổ cấp cứu.
Sau 3 giờ đồng hồ căng thẳng, các bác sĩ đã cắt được trọn vẹn khối bướu khỏi cơ thể của bé. Sau phẫu thuật, toàn trạng bệnh nhi ổn định, tuy nhiên khối u khổng lồ vùng cùng cụt có thể gây ảnh hưởng tới chức năng đại tiểu tiện của trẻ về sau.
Sự phối hợp sản nhi mở ra cơ hội sống cho trẻ dị bẩm sinh
Mỗi năm, thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời bị mắc ít nhất một dị tật bẩm sinh. Ở Việt Nam, con số này khoảng 6.000 trong tổng số 1,5 triệu trẻ được sinh ra. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa, tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm giảm trong khi các bệnh không lây nhiễm lại gia tăng, nhất là những bất thường trong sinh sản. Đây là tình trạng giảm cơ hội sinh ra một trẻ khỏe mạnh, bao gồm các bất thường như vô sinh, sảy thai sớm hoặc muộn, thai lưu, thai trứng, chửa ngoài tử cung, đẻ non, già tháng, thai chậm phát triển, sơ sinh nhẹ cân, dị tật bẩm sinh…
Bác sĩ 2 BV. Từ Dũ và Nhi Đồng 1 phối hợp phẫu thuật cho một em bé dị tật bẩm sinh ngay khi chào đời
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%, tức mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời bị mắc ít nhất một dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ được sinh ra, trong đó: khoảng 1.400 - 1.800 trẻ mắc hội chứng Down (Trisomy 21); 200 - 250 trẻ mắc hội chứng Edwards (Trisomy 18); 1.000 - 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh; khoảng 2.200 trẻ mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thể nặng và còn nhiều bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Nguyên nhân dẫn tới các tình trạng trên như bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gen, rối loạn chuyển hóa…
Riêng các dị tật bẩm sinh như các khối u bạch mạch, u quái ở trẻ sơ sinh là một loại u phát triển do còn tồn tại của tổ chức bào thai trong thời kỳ mang thai và có thể phát triển ở nhiều nơi trong cơ thể. Các khối u thai nhi có thể phát hiện bằng cách siêu âm trong thời kỳ mang thai và phải chủ động mổ đẻ, sau đó đưa trẻ tới những trung tâm phẫu thuật nhi chuyên sâu sớm để chuẩn bị phẫu thuật.
Tại TP.HCM, các bệnh viện sản như Từ Dũ, Hùng Vương thường xuyên có sự phối hợp điều trị với các bệnh viện như BV. Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng Thành phố. Sự kết hợp nhằm mục đích tầm soát trước sinh và điều trị sau sinh cho những trẻ sinh non, trẻ bị dị tật bẩm sinh.
TS.BS. Hồ Tấn Thanh Bình, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh, BV. Nhi Đồng Thành phố cho biết, tỷ lệ tử vong sơ sinh tại Việt Nam giảm tuy nhiên vẫn ở mức cao 13/1000 trẻ sinh sống trong đó sinh non và dị tật bẩm sinh là chủ yếu.
Công trình nghiên cứu của BV. Nhi Đồng Thành phố cho thấy nhóm trẻ được chẩn đoán trước sinh sẽ được điều trị sớm, giảm tỷ lệ tử vong. “Chính vì thế BV. Nhi Đồng Thành phố phối hợp với hai bệnh viện sản lớn nhất TP.HCM nhằm mục đích chẩn đoán trước sinh và những tiên lượng sau sinh để các gia đình sản phụ chuẩn bị kỹ trước khi trẻ chào đời”, BS. Bình nói.
BV. Nhi Đồng Thành phố đã điều trị một số ca sơ sinh bất thường từ BV. Hùng Vương và BV. Từ Dũ như trẻ sinh cực non, trẻ thoát vị cuống rốn, hở thành bụng, teo ruột gây viêm phúc mạc, trẻ mắc khối u vùng cùng cụt…
TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV. Hùng Vương, cho rằng, sự phối hợp sản nhi là vô cùng cần thiết bởi sẽ làm giảm tử vong sơ sinh và tăng tỷ lệ mẹ tròn con vuông. Còn theo PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh, BV. Hùng Vương, đây là kết quả tích lũy của quá trình làm việc cùng nhau của ngành sản nhi thành phố từ bao năm nay.
“Tử vong sơ sinh do sinh non và bệnh lý sơ sinh bấy lâu nay là nỗi trăn trở của các bác sĩ bệnh viện sản. Chính vì thế sự liên kết sản nhi tương lai có thể còn hướng đến việc các thai phụ dọa sinh non hoặc thai phụ có thai mắc tim bẩm sinh sẽ được sinh luôn tại bệnh viện nhi để tiện chăm sóc”, BS. Trang nói.