“Ung thư biểu mô tuyến vú thể ống không xâm lấn” (DCIS) là tình trạng tế bào trong lòng ống dẫn sữa bị chuyển thành tế bào ung thư nhưng chúng vẫn khu trú mà chưa di chuyển sang các vùng khác của vú. Rất ít bệnh nhân mắc DCIS bị tiến triển thành dạng ung thư xâm lấn và hiện nay chưa có cách dự đoán trường hợp nào DCIS sẽ tiến triển nên DCIS được điều trị giống như điều trị ung thư xâm lấn.
TS. Maartje van Seijen, thuộc Viện Ung bướu Hà Lan và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu ở Hà Lan trên 10.045 phụ nữ có chấn đoán DCIS trong giai đoạn 1989-2004 để đánh giá hiệu quả lâu dài của những phương pháp điều trị hiện có. Các bệnh nhân được chia thành 3 nhóm: (1)Phẫu thuật loại bỏ DCIS bảo tồn vú, (2) phẫu thuật loại bỏ DCIS bảo tồn vú kèm xạ trị, hoặc (3) phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú. Ngoài ra, họ cũng ghi nhận xem bệnh nhân có được chẩn đoán tái phát DCIS hoặc phát triển thành ung thư xâm lấn ở cùng bên vú đã thực hiện can thiệp hay không.
Các giai đoạn của ung thư vú.
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy: Bệnh nhân nhóm (1) có 13% nguy cơ tái phát DCIS và 13,9% nguy cơ tiến triển thành ung thư xâm lấn. Con số này ở nhóm (2) lần lượt là 4.6% và 5.2%. Tuy nhiên, lợi ích của việc xạ trị chỉ rõ rệt trong vòng 10 năm đầu tiên. Cụ thể, sau 10 năm, nguy cơ tái phát DCIS ở hai nhóm lần lượt là 1.2% và 2.8%; nguy cơ tiến triển thành dạng xâm lấn lần lượt là 11.8% và 13.2%.
TS. van Seijen nhận định: “Một cách tổng thể thì việc kết hợp xạ trị là lựa chọn tốt hơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, theo thời gian lợi ích sẽ giảm dần. Chưa kể với một số nhỏ bệnh nhân thì việc xạ trị sẽ chính là nguyên nhân dẫn tới ung thư vú mới sau khi kết thúc xạ trị.” Bà cũng nhận xét thêm là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú sẽ có nguy cơ tiến triển thấp nhất, tuy nhiên không phải ai cũng nên lựa chọn phương án này.