Hà Nội

Phối hợp công tư nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin

10-10-2016 08:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Việt Nam được bắt đầu chính thức từ năm 1985, thực tế và kinh nghiệm của chương trình TCMR ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Việt Nam được bắt đầu chính thức từ năm 1985, thực tế và kinh nghiệm của chương trình TCMR ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua và ở các nước trên thế giới cho thấy rõ là tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Thành công của công tác TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần phải hoàn thiện làm tốt hơn. Bên lề Hội nghị phối hợp công tư trong nâng cao tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam, phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã trao đổi với các đại biểu để làm rõ hơn vấn đề này.

TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng: Làm sao để cân bằng lợi ích các bên

tran van tuan

Nhiều năm qua, một bộ phận khá lớn người dân chưa được trang bị đủ kiến thức liên quan tới vắc-xin và tiêm chủng, dẫn tới các làn sóng tâm lý biến động kiểu “đám đông” theo chiều hướng tiêu cực, thái quá. Một số sự cố sau tiêm xảy ra dẫn đến tình trạng người dân không tin cậy vào tính an toàn tiêm chủng, từ đó không cho trẻ đi tiêm nhưng khi nguy cơ dịch bệnh xảy ra lại đổ dồn đi tiêm chủng bằng mọi cách, gây nên tình trạng quá tải ở một số cơ sở tiêm chủng thời gian qua. Việc lựa chọn dịch vụ của người dân còn thiếu cơ sở khoa học như bài xích thiếu căn cứ một số vắc-xin, chỉ chọn vắc-xin ngoại, không chọn vắc-xin thay thế phù hợp. Các thảo luận tại hội thảo chủ yếu là tập trung nâng cao chất lượng của dịch vụ tiêm chủng. Dịch vụ tiêm chủng ở đây bao gồm cả 2 mảng có thu phí và không thu phí, và khi nói rằng phối hợp công tư phải nói đến hành lang pháp lý để làm rõ ràng minh bạch vai trò và trách nhiệm của mỗi bên. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng của vắc-xin và lòng tin của người dân đối với tiêm chủng. Một khi tai biến trong tiêm chủng xảy ra thì trách nhiệm của mỗi bên ra sao? Tôi cho rằng, khi có tai biến xảy ra, cần một sự giám sát sao cho rõ ràng, minh bạch và mang tính độc lập có chuyên môn, đánh giá làm sao để cân bằng lợi ích các bên.

ThS. Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục YTDP: Không có phân biệt trong tiêm chủng công tư

nguyen minh hang

Phải nói rằng tiêm vắc-xin là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh nhiễm trùng. Không giống như các can thiệp y tế khác, vắc-xin giúp dự phòng và bảo vệ sức khỏe con người, qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực. Gần đây, việc một số người, vì những lý do chủ quan, khách quan khác nhau, đã chấp nhận và chuyển từ mũi tiêm của chương trình TCMR sang sử dụng dịch vụ tiêm chủng ngoài công lập, còn gọi là tiêm chủng dịch vụ. Sự đa dạng các loại hình dịch vụ tiêm chủng giúp người dân tiếp cận được với thành tựu tiến bộ của nhân loại. Trong thực tế, những quy định của ngành không có phân biệt đối với TCMR hay tiêm chủng dịch vụ, cũng như phân biệt công hay tư. Cơ sở y tế của Nhà nước hay tư nhân đều thực hiện các quy định như nhau, tất cả về quy trình kỹ thuật chuyên môn, giám sát, báo cáo đều có những hướng dẫn đầy đủ và biểu mẫu báo cáo như nhau, có chăng chỉ khác nhau về hình thức tổ chức về mô hình và cơ cấu tổ chức, TCMR hoặc tiêm chủng chống dịch thì Nhà nước chịu hoàn toàn kinh phí còn tiêm chủng dịch vụ thì cơ sở tiêm chủng này người ta phải bỏ tiền ra để đảm bảo các hoạt động của họ.

BS. Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Quảng Ninh: Làm sao để chính sách đi vào cuộc sống

ninh van chu

Có thể nói, chương trình TCMR nói chung và công tác tiêm chủng nói riêng là một chủ trương quyết sách lớn và hiệu quả của Đảng và Nhà nước trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, công tác tiêm chủng hiện vẫn đang còn nhiều khó khăn từ cách thực hiện, cách tổ chức, nhiều vấn đề lớn xảy ra dẫn đến một hệ lụy là bản thân một lượng lớn cán bộ làm công tác tiêm chủng không muốn làm. Người dân thì hoang mang khi cho con em đi tiêm chủng. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách phải làm sao để chính sách đi vào cuộc sống để người làm công tác tiêm chủng đỡ lo lắng, sợ hãi; người dân thấy được rằng công tác tiêm chủng vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mình thì mới thành công.

Bên cạnh đó, hiện nay các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác tiêm chủng ban hành chưa kịp thời, lệch pha về mặt thời gian làm cho cơ sở lúng túng. Phải làm sao cho người làm công tác tiêm chủng ở cơ sở cảm thấy vui vẻ khi thực hiện nhiệm vụ, có thể thấy nếu phỏng vấn 10 người ở cơ sở xã, phường thì tôi tin sẽ có đến 9 người không muốn làm, như vậy rõ ràng chính sách của mình chưa được.

Trong khi hệ thống cung ứng vắc-xin và dịch vụ TCMR đã bao phủ rộng khắp cả nước với khả năng cung cấp vắc-xin đều đặn, tỷ lệ tiêm chủng cao, chất lượng bảo đảm, thì hệ thống tiêm chủng dịch vụ chủ yếu mới tới tuyến tỉnh với số điểm tiêm còn hạn chế; mô hình tổ chức và cung cấp dịch vụ chưa thống nhất; trang thiết bị thiết yếu (dây chuyền lạnh, dụng cụ tiêm chủng an toàn, công cụ đăng ký, quản lý...) còn thiếu thốn.


Trần Lâm (thực hiện)
Ý kiến của bạn