Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 6/2017, cả nước đã ghi nhận 45.074 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước và 13 trường hợp đã tử vong. Số bệnh nhân tử vong chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Đồng Tháp, Tiền Giang, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, An Giang… Cá biệt, tại Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
Tại hội nghị tập huấn công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue, viêm não virut và bệnh ho gà do Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức tại Hà Nội từ ngày 6-7/7, ThS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, hiện nay, diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố của phía Nam, phía Bắc, trong đó có Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa. Riêng tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Theo ông Khoa, liên tục trong những năm gần đây, so với thế giới, tỷ lệ tử vong/tỷ lệ ca mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam luôn thấp hơn các nước trong khu vực, tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan. Do đó, vấn đề đặt ra cho y tế các địa phương là cần chú trọng tăng cường cả công tác dự phòng và điều trị để không làm dịch bệnh này gia tăng thêm và hạn chế tối đa số ca tử vong.
Trên thực tế, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay cho thấy trong khi ngành y tế đang rất quyết liệt, nỗ lực để triển khai các giải pháp truyền thông, dự phòng và điều trị nhằm làm cho tỷ lệ mắc và số trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết hạn chế nhất thì tại nhiều địa phương, chính quyền cơ sở vẫn chưa thực sự quan tâm quyết liệt đến công tác phòng chống dịch, bên cạnh đó là ý thức của người dân về bảo vệ mình trước dịch bệnh vẫn không cao.
Đơn cử tại Hà Nội, TS. Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, mặc dù ngành y tế đã có rất nhiều cố gắng nhưng dịch bệnh vẫn có xu hướng gia tăng mạnh. Tính đến ngày 20/6, toàn TP. Hà Nội đã ghi nhận 2.222 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt. Bệnh nhân có ở 261/584 xã, phường, thị trấn tại 30 quận, huyện, thị xã. Nguyên nhân làm cho dịch bệnh này gia tăng tại Hà Nội thì có nhiều, song ông Cảm cho rằng công tác điều tra xử lý ổ dịch nhỏ hiện chưa triệt để và chất lượng chiến dịch diệt bọ gậy còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa lập được danh sách hộ gia đình trong khu vực ổ dịch; số hộ gia đình tham gia phun hóa chất chưa đạt tỷ lệ mong muốn là trên 90%. Chiến dịch diệt bọ gậy ở một số xã, phường còn nặng về hình thức mà chưa làm quyết liệt, triệt để dẫn đến vẫn còn những ổ bọ gậy ngay sau chiến dịch. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn tỏ ra không hợp tác với cán bộ vệ sinh phòng dịch khi họ đi phun muỗi tại các ổ dịch…
Thực tế này cho thấy, dù ngành y tế nỗ lực đến đâu nhưng thiếu sự phối hợp của chính quyền cơ sở và người dân thì công cuộc phòng chống dịch còn nhiều gian nan…