Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh điều này tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Nhiệm kỳ IV (2022-2027) nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cho các hội viên là những nhà sản xuất, kinh doanh Thực phẩm chức năng tại Việt Nam.
Bộ Y tế đánh giá cao vai trò của Hiệp hội trong việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc định hướng phát triển của ngành, cũng như việc tham gia phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến các quy định trong sản xuất, kinh doanh, ghi nhãn, quảng cáo… đối với thực phẩm chức năng.
"Đồng thời chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của Hiệp hội trong việc tham gia với cơ quan quản lý của Bộ Y tế để xây dựng các chính sách, đặc biệt là các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thực phẩm chức năng…"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Từ khi thành lập vào năm 2007, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã có chiến lược truyền thông về thực phẩm chức năng để toàn xã hội "Hiểu đúng, làm đúng, dùng đúng", cùng với cơ quan quản lý tạo ra một thị trường thực phẩm chức năng lành mạnh ở nước ta.
Với 13 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng vào năm 2000, đến năm 2021, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đã có hơn 3.100 cơ sở, cung cấp ra thị trường gần 12.000 sản phẩm chăm sóc sức khỏe người dân. Các mặt hàng trong nước chiếm ưu thế trên thị trường (khoảng 60-80%). Tỷ lệ người sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng đã tăng lên 58,5% dân số trên 18 tuổi.
Trong 15 năm phát triển, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Hiệp hội tham gia tư vấn, phản biện cho Quốc hội và Chính phủ về việc ban hành Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm và Nghị định xử phạt hành chính về An toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Hiệp hội thường xuyên giám sát, giáo dục các Hội viên của Hiệp hội chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật trong sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng. Trong 219 hội viên pháp nhân, trong 5 năm qua chưa có thành viên vi phạm bị nhắc nhở.
Hiệp hội còn là thành viên thường trực của Hiệp hội thực phẩm chức năng ASEAN và Hiệp hội thực phẩm chức năng Quốc tế. Đây là lợi thế giúp Hiệp hội không ngừng hội nhập và hợp tác quốc tế, hỗ trợ các công ty trong việc quảng bá các sản phẩm ở trong và ngoài nước, xúc tiến thương mại.
Bước vào nhiệm kỳ IV (2022-2027), Ban chấp hành Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam với 37 thành viên tiếp tục tập trung vào mục tiêu phát triển thực phẩm chức năng thành một ngành kinh tế y tế mang tính dân tộc, khoa học, hiện đại, hội nhập phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tại Đại hội diễn ra chiều ngày 10/12, các đại biểu thống nhất bầu PGS.TS Trần Đáng tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, BS.LG Phạm Hưng Củng là Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch, DS. Nguyễn Xuân Hoàng là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội.