Phối hợp cấp cứu thành công bệnh nhi 4 tuổi đứt phế quản nguy kịch

10-06-2019 21:31 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Một cháu bé 4 tuổi bị đứt phế quản vô cùng nguy kịch đã được các bác sĩ phẫu thuật cứu sống thành công nhờ sự phối hợp hỗ trợ từ xa kịp thời giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và bệnh viện lớn tuyến trung ương.

Bệnh nhi là T.H.T. (4 tuổi) trú tại xã Quảng Long, huyện Hải Hà bị cây gỗ lớn đè vào người được gia đình đưa vào Trung tâm y tế Hải Hà xử trí cấp cứu ban đầu, đặt ống nội khí quản, dẫn lưu khí màng phổi hai bên và lập tức chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Cháu bé vào viện tối 8/6 trong tình trạng tím tái, khó thở nhiều, chảy máu mũi miệng, sưng nề nhiều vùng đầu mặt và ngực. Bác sĩ kiểm tra thấy dẫn lưu ngực hai bên ra khí liên tục, tràn khí dưới da nhiều vùng ngực, bụng, cổ, mất nhiều máu qua dẫn lưu màng phổi. Kết quả kiểm tra chụp CT cho thấy cháu T. bị đa chấn thương, nghiêm trọng nhất là phần phế quản gốc phải bị đứt gây suy hô hấp nhanh, chèn ép phổi tim.

Nhận thấy đây là trường hợp chấn thương vô cùng phức tạp, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã chỉ định phẫu thuật khẩn cấp cùng với hội chẩn từ xa qua điện thoại cùng với chuyên gia đầu ngành của tuyến trung ương để đưa ra phác đồ xử trí kịp thời, chính xác, đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhi.

Hiện tình trạng bệnh nhi sau mổ ổn định, đang được bác sĩ theo dõi tích cực

Kíp cấp cứu xuyên đêm do Ths.Bs Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh làm kíp trưởng phối hợp chặt chẽ với tất cả chuyên khoa Nhi, Hồi sức tích cực và Gây mê để thực hiện mở cấp cứu lồng ngực, kiểm tra thấy phế quản gốc phải bị đứt rời khỏi ngã ba khí phế quản gây tình trạng suy hô hấp do không khí không vào được hai phổi, nồng độ oxy trong máu sụt nghiêm trọng dần xuống 0, nhịp tim chậm dần, rời rạc.

Qua vết mổ ngực bên phải, phẫu thuật viên đã nhanh chóng tìm đoạn phế quản phải bị đứt cũng như phế quản gốc bên trái để đưa ống nội khí quản vào, tái lập thông khí hai phổi.Sau khi hồi sức tích cực tim phổi bằng hệ thống nhân tạo này,tim bệnh nhi đập đều trở lại, nồng độ oxy máu được duy trì >90% đủ để thực hiện khâu nối lại phế quản phải vào ngã ba khí phế quản. Sau 3 tiếng phẫu thuật căng thẳng, tình trạng cháu T. tiến triển tích cực, không còn tràn khí màng phổi, cải thiện tình trạng suy hô hấp, dấu hiệu sinh tồn ổn định, duy trì an thần thở máy và tiếp tục được đội ngũ bác sĩ hồi sức theo dõi chặt chẽ.

Ths.Bs Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Trường hợp của cháu T. là một tổn thương rất nặng nề vì không khí từ đường thở qua mũi miệng sẽ không vào phổi mà tràn ra hai lồng ngực gây chèn ép tim phổi cấp. Khi đã đặt nội khí quản và thở máy thì tình trạng này càng nặng thêm do tăng áp lực đường thở nếu không xử trí kịp thời bệnh nhi sẽ suy hô hấp nhanh chóng và có thể tử vong ngay lập tức. Chúng tôi mở ngực ngay và trong thời rất ngắn đã thông khí trở lại bằng phương pháp đặt ống nội khí quản trực tiếp qua chỗ vỡ vào hai phổi nên đã cứu được tính mạng cháu.Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện phương pháp này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Vì tuổi cháu còn nhỏ nên để bảo tồn các cơ quan quan trọng trong lồng ngực tốt nhất cũng như tránh các di chứng về sau cho cháu, chúng tôi đã phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện TƯ Quân đội 108 để đảm bảo nối lại phế quản gốc không bị hẹp cũng như áp dụng các phương pháp gây mê hồi sức, chăm sóc hậu phẫu tốt nhất”.

Để có thể cứu sống thành công bệnh nhi nhỏ tuổi bị tai nạn nghiêm trọng từ tuyến dưới chuyển lên, không chỉ bằng hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng quá trình đánh giá, chẩn đoán tổn thương chính xác và sự tự tin, bản lĩnh về chuyên môn, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện phẫu thuật của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà còn nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa tuyến huyện, tuyến tỉnh và trung ương. Nhất là với sự hỗ trợchuyên môn từ xa của đội ngũ chuyên gia đầu ngành cả nước đã giúp cứu sống bệnh nhân khỏi “lưỡi hái tử thần”, mang lại hy vọng sống cho người bệnh khi được cấp cứu tại chỗ trong khoảng “thời gian vàng”.

Không chỉ có cháu T. mà trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống Telemedicine và nhận được sự hỗ trợ cấp cứu kịp thời từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm tuyến trên cho nhiều ca bệnh nặng nguy kịch khác, nhờ đó mang lại niềm tin, hy vọng cho người dân trên địa bàn tỉnh không may gặp phải tai nạn nguy kịch được cứu chữa kịp thời, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh xuyên suốt từ các cơ sở y tế tuyến dưới cho đến bệnh viện tuyến trên.


Hà Trang
Ý kiến của bạn