Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong phòng chống dịch sốt xuất huyết

28-07-2017 18:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước diễn biến gia tăng của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, 15h chiều ngày 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bất ngờ thị sát, kiểm tra trực tiếp tại 2 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) trọng điểm trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội).

Công nhân sinh sống dưới hầm ẩm thấp, ứ nước đọng

Địa điểm đầu tiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đến kiểm tra là Khu công trường xây dựng tòa nhà căn hộ cao cấp Hồng Kông Tower ở 243 Đê La Thành, ngay cạnh Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế đã xuống thẳng tầng hầm công trường, là nơi công nhân xây dựng công trường này đang ăn ở, sinh hoạt.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế, đại diện Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, trước đó khi kiểm tra tại tầng hầm này, do tầng hầm ẩm thấp, đọng nhiều vũng nước nên mật độ bọ gậy dày đặc, rất nhiều muỗi, là môi trường lý tưởng để lây truyền, bùng phát SXH. Vì thế, ngành y tế đã yêu cầu các công nhân phải chuyển lên trên sân công trường để sinh sống nhằm phòng tránh SXH, đồng thời rắc vôi bột, phun hóa chất diệt muỗi, khử bọ gậy tại tầng hầm tòa nhà.

Kiểm tra phía trên tòa nhà, khu lán mà công nhân thi công công trường mới chuyển từ dưới hầm tòa nhà lên sinh sống, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trèo lên kiểm tra bể chứa chứa nước sinh hoạt của công nhân.

Tại đây, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu trung tâm y tế dự phòng Quận Đống Đa phải phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc phòng chống dịch tại các công trường xây dựng trên địa bàn và đẩy mạnh tuyên truyền người dân không để nước ứ đọng, ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.

Tiếp sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác tiếp tục đến kiểm tra một khu nhà trọ của công nhân, sinh viên ở ngõ 112 chùa Láng. Trên đường vào khu nhà trọ này, khi qua khu nghĩa trang của phường Láng Thượng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp đổ nước ứ đọng trong lọ cắm hoa trên một số khu mộ.

Tại khu nhà trọ rất đông người ngoại tỉnh thuê ở, điều kiện vệ sinh còn rất hạn chế, xong nói chuyện với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế, một hộ dân đang thuê trọ ở đây cho biết, bà ở Nam Định lên Hà Nội trông cháu cho vợ chồng con trai và thường xuyên được nghe tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Khi được hỏi có biết nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết là gì không, bà đã trả lời Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế là do con muỗi gây ra. Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế đã vào kiểm tra trực tiếp khu vực chứa nước sinh hoạt và khu bếp của gia đình, tuy nhiên không phát hiện có nước ứ đọng dù diện tích của phòng trọ này chỉ gần 20m2 và có 5 người đang sinh sống.

Nhiều hộ gia đình ở Hà Nội chưa hợp tác trong phòng chống dịch

Ngay sau khi đi thị sát trực tiếp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và quận Đống Đa về công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, TS Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 10 năm trở lại đây dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại Hà Nội tăng cao vào năm 2009 với 16.090 ca mắc, 4 tử vong; năm 2015 với 15.412 ca mắc; còn lại trung bình mỗi năm ghi nhận từ 5.000 đến 6.000 trường hợp mắc.

Riêng năm năm 2017, tính đến hiện tại, theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước. Đến nay tại Hà Nội ghi nhận gần 8.000 bệnh nhân mắc SXHD (trong đó gần 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện còn 879 trường hợp đang điều trị), 4 trường hợp tử vong.

“Hàng năm số mắc ghi nhận rải rác từ đầu năm và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, tháng 8, sau đó tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 11. Tuy nhiên năm 2017, tại Hà Nội, dịch SXH đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6 và tháng 7”-  Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

Cũng tại buổi làm việc, TS Nguyễn Khắc Hiền cho hay, tuy Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, nhưng cho đến thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn gia tăng và ghi nhận các trường hợp tử vong do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm, hiện nay có tới 14 loại chủ yếu là ở các bể xi măng chứa nước không có nắp chiếm trên 40%, tiếp đó là các xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu, phế thải, chậu hoa cảnh…tăng 3 loại so với năm 2016.

Ông Hiền cũng bày tỏ lo ngại khi các năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận hai tuýp gây bệnh là D1 và D2, hiện nay đã phát hiện thêm tuýp D vì vậy nguy cơ sẽ làm tăng số trường hợp mắc bệnh.

“Một trong những khó khăn của Hà Nội trong phòng chống dịch SXH hiện nay là diệt bọ gậy. Trước đây, ngành y tế chỉ tập trung tiêu diệt bọ gậy ở các hộ gia đình nay thì mở rộng tất cả các bãi đất trống, nghĩa trang, đình chùa- cốc nến thắp hết vứt ra, lá cây to rụng xuống mưa liên tục đều có thể là ổ chứa… Nhiều hộ gia đình khi đến phun thì đi vắng hoặc không hợp tác”- ông Hiền nói.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch trong dân cư và tại các công trường xây dựng

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, tôi thấy sốt ruột vì không có biện pháp kiên quyết thì dịch sẽ phát triển nữa. Giữa Hà Nội mà trở thành vấn đề để mọi người quan tâm vì bùng phát dịch thì rất không nên. “Quan trọng nhất hiện nay là 2 giải pháp là y tế dự phòng mà mọi người cùng phải tham gia. Chính quyền phải làm bền vững. Về phía người dân vẫn còn nhiều người coi nhẹ dịch bệnh hoặc đi làm suốt nên không thể vào nhà phun hoá chất diệt muỗi"- Phó Thủ tướng nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao về mặt chuyên môn Hà Nội làm rất quyết liệt để phòng chống dịch. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về vai trò của công tác truyền thông trong phòng chống dịch SXH. Truyền thông phải đa dạng, đặc biệt đẩy mạnh trên hệ thống loa phường và tuyên truyền đúng về con muỗi gây bệnh SXH.

“Quan trọng là truyền thông đại chúng và truyền thông y tế. Để “hạ hoả” các phường mắc tăng cao phải phun muỗi hạ hoả sau đó diệt loăng quăng trong 2 tuần. Hoạt động khác là diệt côn trùng. Diệt muỗi phải lật úp vật dụng có thể chứa nước từ chiếc lá đến các dụng cụ khác. Sau 1 chiến dịch diệt loăng quăng thì dịch hạ hẳn vì đã làm trong miền Nam. Diệt thuốc chỉ là một phần, quan trọng là diệt loăng quăng”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói

Về công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hà Nội thực hiện nghiêm việc phân tuyến điều trị. Theo Bộ trưởng, Bệnh viện Đống Đa là bệnh viện đầu ngành của Hà Nội về phòng chống bệnh truyền nhiễm, do đó chỉ nhận các trường hợp bệnh nhân nặng và phân tuyến điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, để tránh gây quá tải không cần thiết..

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng cho biết, tôi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới thì họ đánh giá Việt Nam thuộc tỷ lệ mắc SXH và tỷ lệ tử vong thấp nhất khu vực, điều này cho thấy chúng ta làm công tác dự phòng bệnh tốt và điều trị cũng tốt. Tuy nhiên do nhiều yếu tổ tác nhân khác nhau nên vẫn có những dịch bệnh bùng phát. Do đó chúng ta cần làm tốt công tác phòng chống dịch để tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh.

Về dịch bệnh SXH, do hiện nay do chưa có vắc xin nên việc phòng bệnh chính vẫn là do ý thức của người dân trong diệt loăng quăng, bọ gậy và loại bỏ tác nhân tồn tại của loăng quăng, bọ gậy. Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch

“Chúng ta có hệ thống đoàn thể từ trung ương đến địa phương nên cần huy động tập thể để phòng chống dịch hiệu quả và bền vững”- Phó Thủ tướng nói

Cũng theo Phó Thủ tướng, vai trò của công tác điều trị rất quan trọng, vì thế ngay từ tuyến y tế cơ sở và các tuyến trên cần thực hiện theo đúng chỉ đạo chuyên môn về điều trị dịch bệnh này, đồng thời hướng dẫn người dân để họ tránh dùng thuốc không đúng.

Từ thực tiễn kiểm tra công trình xây dựng ở Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tại tất các các công trường xây dựng trong cả nước và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

“ Việc tuyên truyền nhiều rồi giờ phải xử nghiêm. Kể cả những nơi chưa có dịch cũng phải kiểm tra các công trình xây dựng để phòng ngừa”- phó Thủ tướng nói


Thái Bình
Ý kiến của bạn