Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội ngày 13/6.
“Chúng ta như trong cánh đồng trũng, nước ở ngoài sông lại cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa nên buộc phải giữ thật chặt. Nhưng chúng ta cũng không thể đóng cửa cực đoan mà phải thực hiện “mục tiêu kép”, song cần đảm bảo an toàn trước hết”, Phó Thủ tướng nói.
Tại sao Việt Nam chiến thắng dịch COVID-19?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dân số Việt Nam đông nhưng cả nước ghi nhận 333 ca nhiễm (tính đến hết sáng 13/6), chưa có ca tử vong, chỉ còn 10 người đang điều trị. Đã qua 58 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chừng ấy ngày thì thế giới đã thêm 5,6 triệu ca mắc và thêm gần 300.000 ca tử vong.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng chống dịch COVID -19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời!”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, chúng ta đạt được thành công đó là do ngay từ ban đầu khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh - lúc đó còn chưa biết tên virus, chưa đặt tên dịch bệnh thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế, từ tháng 12/2019 tham vấn với các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch để chống dịch rất căn cơ, bài bản theo đúng nguyên lý chống dịch đã được đúc kết kinh nghiệm từ các đợt chống dịch trước đây. Việt Nam là nước đưa ra các giải pháp sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. Các tổ chức, bạn bè quốc tế sau này đã đánh giá những biện pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất kiên quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất, bởi tổng chi phí cho chống dịch chúng ta đến ngày hôm nay là rất thấp so với nhiều nước trên thế giới.
BN91 là phi công người Anh hồi sinh ngoạn mục nhờ trí tuệ và nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ Việt Nam.
Chữa trị cho bệnh nhân nước ngoài: Đạo đức ngành y và truyền thống Việt Nam
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã có những hành động thiết thực để chữa trị cho các bệnh nhân người nước ngoài. Đã có 49/50 người nước ngoài đã được chữa khỏi, hiện chỉ còn BN 91 là phi công người Anh.
Việc Việt Nam tập trung cứu chữa cho các bệnh nhân, nhất là BN 91 không chỉ thể hiện tinh thần của người thầy thuốc là tất cả bệnh nhân đều được cứu chữa như nhau, mà còn thể hiện đạo lý của người Việt Nam như câu nói “nhịn miệng đãi khách đường xa”.
“Chúng ta rất may mắn là chưa phải vào thế lựa chọn là ưu tiên chữa cho ai hơn, vì Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh. Nhưng giả sử đặt ra trường hợp đó thì Việt Nam nhất định không vì người Việt Nam mà không chăm lo tốt cho người nước ngoài. Tất cả những giá trị đó, tôi cho rằng, chúng ta tiếp tục khơi dậy và phát huy để Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế tin yêu hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Nhân dân Việt Nam - hai chữ tuyệt vời!
Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19 là nhờ những người dân mà như đánh giá của bạn bè quốc tế là rất tuyệt vời. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn tới tất cả các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Ekip các y bác sĩ thực hiện rút ECMO cho BN19 khi sức khỏe BN có nhiều khả quan.
Đó là hàng ngàn thầy thuốc không quản ngày đêm, trong đó có những người thì lội rừng đi chống dịch, xa vợ mới cưới, xa con mới sinh, hay những cặp vợ chồng cùng ở trong bệnh viện nhưng cả tháng không gặp mặt nhau.
Hàng ngàn chiến sĩ đã nằm rừng, canh lối mòn dọc tuyến biên giới, nhường doanh trại cho người dân cách ly, từ những ngày Tết mưa dầm, gió rét đến những ngày hè nắng như đổ lửa.
Còn có biết bao cụ già, em nhỏ, người dân mang rau, mang gạo, lấy tiền tiết kiệm gửi vào quỹ chống dịch.
Rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, thiết bị, kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch.
Nhân viên y tế lặn lội vào thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn giúp đỡ bà con phòng chống dịch.
Lực lượng biên phòng kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, đường mòn, lối mở.
Hình ảnh được CNN đăng tải, người dân đang nhận gạo từ chiếc máy ATM gạo.
Hình ảnh cụ già lưng còng tại điểm tiếp nhận những tấm lòng hảo tâm cho cuộc chiến chống COVID-19 tại huyện Nam Sách, Hải Dương đã mang lại nhiều cảm xúc cho những người có mặt, cùng sự cảm phục tấm lòng thơm thảo, tinh thần trách nghiệm, thực sự là "tuổi cao gương sáng".
Em Hoàng Khắc Đồng (11 tuổi, xã Hoằng Thắng, Hoằng Hoá, Thanh Hoá), học sinh trường Tiểu học Hoằng Thắng quyết định dồn hết số tiền đã dành dụm, tiết kiệm trong con lợn đất nhỏ để ủng hộ phòng chống dịch COVID – 19.
Hàng nghìn nhà báo không quản khó khăn, nguy hiểm, vào tận những ổ dịch, nơi đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 để phản ánh đầy đủ tình hình dịch bệnh, góp phần quan trọng để toàn dân đồng lòng, cùng toàn Đảng, toàn quân chống dịch.
Có rất nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, người thì nghiên cứu, người thì sáng tác, kể cả các cụ lão thành cách mạng, các em nhỏ...
“Chúng ta càng thấy rõ một điều là mỗi một khi đất nước đứng trước thử thách lớn thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cùng những giá trị tốt đẹp nhất của mấy nghìn năm văn hiến lại bừng lên... Chúng ta không thể gửi lời cảm ơn đến từng người, nhưng lời cảm ơn tốt nhất đó là cùng nhau quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch. Đến giờ phút này, chúng ta đã giữ được rất tốt”, Phó Thủ tướng nói.