Xem thêm: Những điểm nhấn y tế nổi bật năm 2018
“Ngoài số bác sĩ, số giường bệnh vượt chỉ tiêu Quốc hội giao thì ngay báo cáo của Cục Quản lý Dược cho thấy nhờ sự kiên trì tiếp tục công tác quản lý đấu thầu thuốc, giá thuốc biệt dược trung bình hàng năm giảm trên 10% giá thuốc và hiện nay giá thuốc của Việt Nam trong khu vực chỉ cao hơn Malaysia một chút, tới đây phải kéo xuống thấp nhất ASEAN. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam hiện là 1,4% trong khi mức trung bình ASEAN là 7%. Việc đánh giá chất lượng bệnh viện (BV) hiện nay được đo lường bằng số liệu cụ thể, lấy ý kiến từ người bệnh, người nhà bệnh nhân và xã hội”- Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, có những lĩnh vực đạt được kết quả không chỉ rõ mà bắt đầu có biểu hiện bền vững như phát triển bảo hiểm y tế (BHYT). Cách đây 5 năm, tỷ lệ bao phủ BHYT trên 60% và Quốc hội ra chỉ tiêu đến năm 2020 là 80% nhưng đến nay tỷ lệ BHYT đã đạt 88%. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng đều hàng năm. Tất cả cấp uỷ, chính quyền đã coi đây là nhiệm vụ chính trị.
Nói về nhiệm vụ của ngành y tế trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng lưu ý các giải pháp, “đầu việc”, lộ trình, bước đi đã được xác định rất rõ trong hai Nghị quyết của Trung ương. Để đạt được kết quả tốt hơn năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phải bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã được đề ra cho năm 2019; quản lý được số liệu về 16 triệu hợp đồng BHYT của 30 công ty bảo hiểm ngoài nhà nước. Ngành y tế phải thống nhất với BHXH để có cơ chế thanh toán BHYT đúng với tinh thần “y tế phòng là chính”, “y tế cơ sở là nền tảng”.
“Cơ sở vật chất, nhà cửa nhiều trạm y tế cơ sở rất khang trang nhưng quan trọng nhất là tủ thuốc trạm y tế phải nhiều lên, chất lượng thuốc không kém bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh thì người dân mới đến. Y tế xã đã trở thành ‘cánh tay nối dài’ của y tế huyện nhưng cơ chế tài chính vẫn phân biệt hai cấp với mức chênh lệch lớn là không hợp lý”- Phó Thủ tướng nói.
Khẳng định đẩy mạnh tự chủ BV là chủ trương rất quan trọng để tăng cường chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến nhưng Phó Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt quan điểm y tế công cộng không được chạy theo lợi nhuận, tự chủ không có nghĩa buông cho các BV chạy theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu. Làm sao để người Việt Nam không mất hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng không phải cứ tự chủ là tìm mọi cách tăng nguồn thu, nếu như vậy là không còn định hướng y tế công cộng là phục vụ toàn dân.
Bên cạnh đó phải củng cố hệ thống y tế cấp huyện, bao gồm mô hình quản trị, quản lý, phương thức thanh toán để y tế cơ sở thực sự là nền tảng của hệ thống y tế, bảo đảm cân đối giữa hệ dự phòng và điều trị.
Trong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế, Phó Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh y học từ xa (Telemedcine), một lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, nên mới ở mức độ tự phát chứ chưa có chương trình trọng điểm để tập trung chỉ đạo. Đây là cách tốt nhất để cán bộ y tế các cấp được đào tạo, hướng dẫn khi được tham gia vào các ca mổ từ xa, hội chẩn từ xa do các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần chỉ đạo các đơn vị, BV, cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc… triển khai nghiêm túc việc kết nối, cập nhật dữ liệu đối với hệ thống quản lý thông tin y tế như hệ thống thanh toán bảo hiểm y tế, hệ thống các nhà thuốc..
“Đơn cử việc kết nối hệ thống các nhà thuốc phải được coi là một điều kiện bắt buộc để người dân khi mua thuốc ở đâu đều biết được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và khắc phục không quản lý được giá thuốc. Chúng ta phải làm nghiêm, vì nhân dân. Nơi nào không làm tích cực thì phải xem xét trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu thực tế nhiều địa phương vướng khi triển khai các chương trình quản lý thông tin y tế cơ sở như tiêm chủng, hồ sơ sức khoẻ, Phó Thủ tướng yêu cầu huỷ bỏ ngay những văn bản làm chậm quá trình triển khai, khiến nhiều địa phương đang phải đợi hướng dẫn. “Chúng ta triển khai Telemedicine thì từ trên xuống còn hệ thống quản lý, quản trị thông tin y tế thì phải từ dưới lên, đồng loạt, đồng bộ từ y tế cơ sở”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc đội ngũ cán bộ ngành y tế tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2019, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng tốt hơn.
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và cho biết, trong năm 2019 ngành y tế sẽ nỗ lực hơn nữa để khắc phục những tồn tại và đạt kết quả tốt hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Cờ thi đua của Chính phủ và Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho tập thể, cá nhân tại Bộ Y tế.
Hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội giao
Báo cáo Tổng kết công tác y tế năm 2018, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; toàn ngành y tế từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu và cơ bản hoàn thành toàn diện các lĩnh vực y tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
"Ngành y tế đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao là: Số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5 (giao 26,0); Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,7% (giao 85,2%). Đạt và vượt 9/11 các chỉ tiêu y tế cơ bản năm 2018"- Bộ trưởng nói.
Triển khai thực hiện và đã hoàn thành một số nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW và 21-NQ/TW về công tác y tế, dân số. Chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, xây dựng mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật. Mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế ngày càng tăng. Đẩy mạnh thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện, giảm số biên chế hưởng lương từ ngân sách, tăng số đơn vị tự bảo đảm toàn bộ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (ngồi giữa) tham dự và chủ trì hội nghị.
Quản lý chất lượng, giá thuốc, đẩy mạnh đấu thầu tập trung theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích người bệnh; triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc. Công tác quản lý an toàn thực phẩm có nhiều tiến bộ, tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm; đơn giản hóa thủ tục hành chính phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế. Tiếp tục sắp xếp, tinh giản bộ máy các đơn vị sự nghiệp y tế.
Lần đầu tiên xây dựng mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình
Theo Bộ trưởng, trong năm 2018, ngành y tế đã đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế xã có bác y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm (0,3% phải nhờ cơ sở khác), 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Số lượng các dịch vụ thực hiện theo phân tuyến kỹ thuật của trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã ngày càng tăng, một số đơn vị đã thực hiện được một số kỹ thuật của tuyến trên. Trên 70% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở. Gần 90% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở chiếm khoảng 70% (xã khoảng 20%, huyện khoảng 50%).
Cũng theo Bộ trưởng, ngành y tế đã xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP. Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh… đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa (telemedicine) của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.
Chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho các bệnh viện vệ tinh
Năm 2018, số lần khám bệnh đạt gần 230 triệu lượt, trong đó khoảng 178 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, số lần khám bệnh bình quân đạt 2,4 lần/người dân.
Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; thực hiện nghĩa vụ luân phiên; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong khám chữa bệnh. Đến nay đã hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh (tăng 1 bệnh viện hạt nhân và 21 bệnh viện vệ tinh so với năm 2017); các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho các bệnh viện vệ tinh; khoảng 85% số bệnh viện vệ tinh có xu hưởng gỉảm chuyển tuyến.
"Tỉ lệ chuyển tuyến đã giảm, đặc biệt có những nơi tỉ lệ chuyển tuyến giảm gần 100%"- Bộ trưởng cho biết.
Chất lượng khám, chữa bệnh trong thời gian gần đây đã có sự tiến bộ rõ rệt. Bộ mặt chung của nhiều bệnh viện đã thay đổi, chỉ dẫn, đón tiếp tốt hơn, môi trường bệnh viện đang xanh hơn, nhà vệ sinh, cảnh quan sạch hơn, đẹp hơn. Chất lượng lâm sàng đang dần được nâng lên. Mức chất lượng trung bình toàn quốc năm 2017 đạt 2.81/5, trong đó nhóm các tiêu chí phần Hướng đến người bệnh cao nhất đạt mức 3,18/5.
"Trung bình các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã đạt mức 3,49/5 và kết quả đánh giá năm 2018 đã có một số bệnh viện đã có bước tiến vượt bậc đạt mức 4/5. Kết quả khảo sát cho thấy có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ hài lòng của người bệnh, đạt khoảng 80% ở các loại khảo sát khác nhau"- Bộ trưởng cho hay.
Theo thống kê năm 2018, có khoảng 300.000 lượt người nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam. Nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới được thực hiện, trình độ tiên tiến trên thế giới. Ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc,.. năm 2018 thực hiện thành công ghép phổi, nhiều ca ghép thành công từ đa tạng của người cho chết não cho nhiều bệnh nhân và lưu trữ vào ngân hàng mô: lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não và đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở thành phố Hồ Chí Minh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; phẫu thuật mở lồng ngực sử dụng máy tim phổi nhân tạo do Bệnh viện Phổi TƯ phối hợp với Bệnh viện E thực hiện…
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ghép tạng cho bệnh nhân.
Kết nối các cơ sở cung ứng thuốc
Hiện tất cả 63 tỉnh, thành phố đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản phần mềm cho 17.635 cơ sở bán lẻ thuốc; đã có 9.604 cơ sở kết nối liên thông với cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống giúp quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ; kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý, kê tập trung vào một số nhà cung cấp; truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tình trạng thuốc tại các cơ sở và trên thị trường, đảm bảo công tác thu hồi thuốc đúng đủ theo quy định.
Nhiều thuốc sản xuất trong nước đòi hỏi trình độ công nghệ, yêu cầu kỹ thuật cao đã được thẩm định, cấp phép. Vắc xin cúm đầu tiên - cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1 - do Việt Nam sản xuất đã được công bố thử nghiệm thành công ngày 25/9/2018. Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắc xin sởi, vắc xin phối hợp Sởi - Rubella đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Thị trường thuốc tiếp tục bình ổn, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Số lượt mặt hàng thuốc đã kê khai, kê khai lại giá thuốc là 5.561 lượt, trong đó 4.558 lượt đã được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược, 1.003 lượt có giá kê khai chưa hợp ký đã có văn bản trả lời doanh nghiệp...
Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, ngành y tế cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; Tiếp tục đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế, bảo đảm nguồn nhân lực; Đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân....
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại đó là tình trạng người dân chưa tin tưởng tuyến dưới, vượt tuyến không cần thiết; quản lý bệnh không lây nhiễm còn hạn chế. Tình trạng quá tải xảy ra cục bộ một số bệnh viện, đấu thầu thuốc tập trung còn gặp khó khăn...
Bộ trưởng cho biết, trong năm 2019, ngành y tế đề ra mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã có các tham luận về kết quả triển khai các giải pháp tăng cường y tế cơ sở, quản lý bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ sức khoẻ cá nhân tại trạm y tế xã. Tham luận về triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chi trả; Tổ chức bộ máy, mạng lưới y tế địa phương; Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dân số; Triển khai các nội dung Luật Dược....