Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thanh toán bệnh lao, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống

23-03-2019 14:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mặc dù, Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá hiệu quả trong phòng chống lao, nhưng đến nay vẫn còn 120.000 người mắc lao mới và 12.000 người chết vì bệnh lao, bằng 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bệnh lao tuy lây nhiễm nhưng không đáng sợ, để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ngày 23/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Chương trình chống lao Quốc gia tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3), sơ kết 5 năm triển khai Chiến lược Quốc gia phòng , chống lao và Phát động chương trình hành động quốc gia chấm dứt  bệnh lao đến năm 2030.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cùng hàng trăm đại biểu đại diện cho Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND, Sở Y tế, Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đối tác trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Tại Việt Nam chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay là “ Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”, với mục tiêu cụ thể là vào năm 2030, với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao mỗi năm.

19% số người mắc lao chưa được phát hiện

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mỗi năm có 10 triệu người mới nhiễm bệnh, 1,6 triệu người chết vì bệnh lao. Mặc dù, Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá hiệu quả trong phòng chống lao, nhưng đến nay vẫn còn 120.000 người mắc lao mới và 12.000 người chết vì bệnh lao, bằng 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông.

Trên thế giới, cứ 100 người nhiễm bệnh lao  thì chỉ có 61 người được phát hiện, ở Việt Nam tỷ lệ này cao hơn, cứ 100 người nhiễm bệnh thì có tới 81 người được phát hiện. Tuy nhiên, hiện  vẫn còn tới 19% số người mắc bệnh lao chưa được phát hiện. Việc phát hiện và điều trị sớm vô cùng quan trọng và có tính quyết định.

Phó Thủ tướng nhận định, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong phòng chống bệnh lao, đã hình thành một hệ thống phòng chống căn bệnh này với sự tham gia không chỉ của ngành y tế mà sự tham gia của các tổ chức xã hội.  Phó Thủ tướng chỉ rõ, thực tế là trước đây, nhiều người cho rằng, bệnh lao là bệnh lây nhiễm, thường giấu bệnh.  Thậm chí  có những cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức  khi có nhân viên bị bệnh lao đã cách ly, hoặc không cho người lao động tiếp tục công việc. Nhưng đến nay, sự phân biệt, e ngại đó đã giảm đi nhiều.

“Điều mà chúng ta làm được là chuyển biến được nhận thức của cộng đồng… Bệnh lao lây nhiễm nhưng không đáng sợ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.  Với người bệnh, không chỉ cần sự quan tâm của nhân viên y tế mà cần sự hỗ trợ của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị, làm sao người dân nhận thức, thấy mình bị bệnh phải đi  khám, được điều trị theo lộ trình liên tục để không bị kháng, nhờn thuốc, đặc biệt cần sự hỗ trợ của cộng đồng, nơi làm việc, nơi sống của người bệnh.

Bộ trưởng Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Y tế cần có bước phát triển đột phá đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Việt Nam đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam cần duy trì bền vững tất cả những điều kiện hiện nay. Đồng thời, thách thức vô cùng quan trọng trong đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.

Các đại biểu tham dự sự kiện Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao 24/3

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và cho rằng, cần củng cố mạng lưới hệ thống  y tế từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã  để giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh lao. Bên cạnh đó, mặc dù cán bộ làm công tác phòng chống lao đã phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nên cần tăng cường y tế cơ sở.

Bộ trưởng Y tế cho hay, hiện nay bệnh lao đã có thuốc đặc trị, nhưng tỷ lệ phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ, theo dõi kháng lao …. cần có bước phát triển đột phá để sớm đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Hiện nay, bệnh lao vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày, khoảng 4.500 người tử vong vì căn bệnh trên, và có đến gần 30.000 người nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, nước ta vẫn nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình.

Nhân dịp này, nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát động nhắn tin ủng hộ “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao”. Qua cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400, mỗi tin nhắn của quý thính giả sẽ ủng hộ 18 nghìn đồng giúp hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao.

 

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn