Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sớm ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản để có lợi cho người dân

01-03-2017 22:00 | Tin nóng y tế

SKĐS - Ngày 1/3, phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 để nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Giám đốc BHXH cùng các cơ quan có liên quan giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám, chữa bệnh BHYT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế sớm ban hành được gói dịch vụ y tế cơ bản để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thuận lợi.

Ngày 1/3, phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 để nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Giám đốc BHXH cùng các cơ quan có liên quan giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám, chữa bệnh BHYT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế sớm ban hành được gói dịch vụ y tế cơ bản để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thuận lợi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong phiên họp sáng ngày 1/3


Người dân được hưởng lợi từ gói dịch vụ y tế cơ bản

Gói dịch vụ y tế cơ bản là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ y tế dự phòng được cung ứng bởi Trung tâm y tế quận, huyện, trạm y tế xã phường, phòng khám bác sĩ gia đình.

Gói dịch vụ y tế cơ bản sẽ được xây dựng trên nguyên tắc tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng và đảm bảo để có thể tiếp cận được các dịch vụ cơ bản này một cách đầy đủ và có chất lượng.

Gói dịch vụ này sẽ do Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả. Ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho các dịch vụ dự phòng cơ bản thông qua các chương trình y tế quốc gia. Mọi người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã, phường sẽ được hưởng 100% chi phí.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các Bộ Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, thúc đẩy nhanh việc ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản.

Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện quản lý sức khỏe người dân để mọi người dân đều được theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu; được tư vấn sức khỏe; được điều trị hoặc được tư vấn điều trị phù hợp khi có bệnh là chủ trương rất lớn, rất nhân văn mà Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các địa phương thực hiện.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Việc này không chỉ giúp phát huy tối đa hiệu quả phòng chống bệnh dịch từ tuyến y tế cơ sở mà còn tạo điều kiện cho mọi người thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, là giải pháp lâu dài giảm chi phí về y tế cho mỗi người và toàn xã hội".

Quang cảnh phiên họp sáng ngày 1/3

Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã “xin” xuống hạng để thông tuyến

Tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Minh, TGĐ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thừa nhận, việc thực hiện quy định thông tuyến đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở KCB tuyến xã, làm ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước là hướng về y tế cơ sở, làm gia tăng chi phí KCB (do tăng số lượt KCB ở tuyến trên, trong khi chi phí tại tuyến xã không giảm), làm lãng phí về nguồn lực của xã hội.

Bên cạnh đó là tăng người đến khám dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở KCB tuyến huyện. Việc quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT của các cơ sở KCB có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu gặp khó khăn do không quản lý được số lượng bệnh nhân đi KCB tại cơ sở khác.

Bà Minh cũng nêu hiện tượng đáng suy nghĩ là một số bệnh viện tuyến tỉnh trong năm 2015 nhưng trong năm 2016 đã “xin” xuống hạng III, tuyến huyện để được áp dụng quy định thông tuyến. Điều này bộc lộ vấn đề không bình thường và rất đáng suy nghĩ.

Bên cạnh đó là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở KCB tư nhân như khuyến mại, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu khám, chữa bệnh tăng “ảo”, làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Phó Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta không nên vì một số thông tin về tiêu cực hay một số nơi khám vượt tuyến nhiều mà đặt lại vấn đề về chủ trương này.

"Thông tuyến sớm ngày nào lợi cho dân ngày đó"

Liên quan đến trường hợp bệnh viện tuyến tỉnh lại xin xuống hạng thấp hơn để hưởng thông tuyến, ĐBQH Đặng Thuần Phong cho rằng, đây là nghịch lý “vô tiền khoáng hậu” và không biết hậu quả sắp tới sẽ thế nào.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, vừa qua rất nhiều ý kiến cử tri hỏi về bảo hiểm y tế và đề nghị đẩy mạnh thông tuyến nhanh nhất, vì quyền lợi của người dân là được khám ở nơi có dịch vụ tốt nhất.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về các giải pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giải pháp đột phá chính là tăng cường cho y tế cơ sở. Vấn đề này hiện nay, Bộ Y tế đang quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện.

Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ: có ý kiến đề nghị đẩy mạnh thông tuyến để người dân được tiếp cận với những nơi có dịch vụ tốt nhất. Đây là yêu cầu chính đáng và là điều chúng ta phải trăn trở để quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần phải có lộ trình.

Người dân tại Hà Nội được khám sức khỏe để lập hồ sơ quản lý cá nhân trong ngày triển khai đầu tiên 1/3

Hà Nội ngày đầu tiên triển khai khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân
Sáng nay, 1-3, Hà Nội đã chính thức triển khai khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân trên địa bàn, với mục tiêu mọi người dân đều được khám sức khỏe lần đầu và có hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe của mình trong suốt cuộc đời.

Trong sáng 1-3, Trạm Y tế phường Phúc Đồng (quận Long Biên) và xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) là 2 phường, xã đầu tiên trên toàn thành phố triển khai.

Từ nay đến 10-3, có 10 xã phường tại 5 quận huyện của thành phố sẽ triển khai thí điểm trước, sau đó Hà Nội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai diện rộng ra toàn thành phố.

Mục tiêu đặt ra là đến trước tháng 9 năm nay, Hà Nội sẽ hoàn thành việc khám sức khỏe lần đầu và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho tất cả người dân.

Hầu hết người dân tỏ ra rất phấn khởi với việc được khám sức khỏe lần đầu miễn phí và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, lượng người đến khám ngay trong buổi sáng đầu tiên triển khai rất đông.

Theo đó, trong mẫu phiếu quản lý sức khỏe cá nhân điện tử mà cán bộ y tế nhập dữ liệu vào máy tính để kết nối vào hệ thống dùng chung, ngoài các thông tin về tình trạng sức khỏe, bệnh thông thường của bệnh nhân còn có cả nhóm máu, tên bố mẹ bệnh nhân, tên người chăm sóc chính, mã số khám chữa bệnh và cả số điện thoại di động của người nhận kết quả khám chữa bệnh. Theo đó, sau khi khám bệnh lần đầu, người dân có thể về ngay chứ không cần chờ kết quả, kết quả sẽ được thông báo qua tin nhắn điện thoại.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn
Tags: