Phó Thủ tướng: Tuyệt đối không chủ quan trong phòng, chống thiên tai

24-01-2024 17:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 24/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Hơn 5.000 sự cố thiên tai trong năm 2023

Báo cáo tại hội nghị chỉ rõ, năm 2023, thế giới và khu vực đã xảy ra nhiều sự cố, thiên tai lớn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, như: Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ; vỡ đập tại Libya; mưa lũ lịch sử ở Bắc Kinh, Trung Quốc; nắng nóng bất thường ở miền Nam nước Mỹ, Địa Trung Hải, Bắc Phi, Trung Đông và một số nước châu Á.

Tại Việt Nam, tình hình thời tiết, khí hậu xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 21/22 loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Thống kê từ đầu năm 2023 đến ngày 10/1/2024, trên cả nước xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai, làm chết 924 người, mất tích 205 người, bị thương 977 người; chìm, cháy, hỏng 555 phương tiện; cháy 1.740 nhà, xưởng, ki-ốt chợ, 1.346 ha rừng và thảm thực vật.

Phó Thủ tướng: Tuyệt đối không chủ quan trong phòng, chống thiên tai- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Sự cố, thiên tai cũng đã làm hư hỏng 15.977 nhà; 115,56 km đê, kè, kênh mương, 711 công trình thủy lợi, cuốn trôi 179 cầu tạm; hư hại 151.279 ha lúa, hoa màu, 3.547 ha nuôi trồng thủy sản, 104 lồng bè; chết 75.357 con gia súc, gia cầm. Tổng thiệt hại về kinh tế do sự cố, thiên tai ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng.

Cũng trong khoảng thời gian trên, các bộ, ngành, địa phương điều động 204.507 lượt người và 23.132 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 4.336 sự cố, thiên tai, cứu được 3.968 người và 207 phương tiện. Các bộ, ngành, địa phương cũng hướng dẫn, hỗ trợ di dời hơn 962.000 người và hơn 201.000 phương tiện từ nơi nguy hiểm về nơi an toàn; kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 328.227 tàu/1.608.015 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Năm 2024, bão có thể hình thành nhiều hơn ngay trên Biển Đông

Tổng Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, năm 2023 Việt Nam đã có tới 21/22 loại hình thiên tai đã xuất hiện, trong đó đáng chú ý là xuất hiện nhiều trận mưa cực đoan thời đoạn ngắn với lượng mưa 24 giờ có nơi đạt trên 800 mm. Các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại Sa Pa và Bát Xát, tỉnh Lào Cai; sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc và TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nắng nóng với nhiệt độ vượt kỷ lục được ghi nhận tại Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C, đây cũng là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo hiện tượng El Nino (pha nóng) sẽ còn tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024 và đạt đỉnh, nên năm 2024 có thể là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao nhất và thiên tai sẽ bất thường hơn.

Phó Thủ tướng: Tuyệt đối không chủ quan trong phòng, chống thiên tai- Ảnh 2.

Lực lượng CNCH tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng hồi tháng 7/2023.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn cảnh báo nguy cơ thiếu nước ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong nửa đầu năm, ở Trung Bộ trong các tháng 6, 7, 8. Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Hiện tượng El Nino sẽ chuyển sang trạng thái trung tính vào giữa năm, sau đó xuất hiện hiện tượng La Nina, do đó hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối năm.

Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông sẽ nhiều hơn, dự báo cơ cấu bão ở Biển Đông sẽ chiếm 1/3 so với toàn bộ số cơn bão. Điều đó đồng nghĩa với việc phòng, chống bão sẽ phải thực hiện nhanh hơn, gấp hơn vì bão trên Biển Đông sẽ tác động rất nhanh đến đất liền.

Cùng với đó, mưa dông và mưa lớn thời đoạn ngắn xuất hiện thường xuyên hơn, gây lở đất vùng núi, ngập lụt đô thị. Không khí lạnh hoạt động không nhiều nhưng lại xuất hiện những đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, mưa tuyết ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Phó Thủ tướng: Tuyệt đối không chủ quan trong phòng, chống thiên tai- Ảnh 3.

Băng tuyết xuất hiện trên đỉnh Mẫu Sơn ngày 23/1/2024. Ảnh: NLĐ.

Do ảnh hưởng của khối không khi lạnh có cường độ mạnh nhất mùa Đông 2023-2024, hiện ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ đã xảy ra rét hại trên diện rộng, với nhiệt độ trung bình ngày thấp hơn 13 độ C, nhiều nơi ở vùng núi phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh đã xảy ra băng giá.

Dự báo đợt rét đậm, rét hại này có thể kéo dài đến khoảng ngày 28/1, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 8-100C, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 9-11 độ C; khu vực Trung Trung Bộ từ 12-15 độ C.

Ngoài ra do ảnh hưởng của không khí lạnh, các vùng biển trên khu vực Biển Đông có gió Đông mạnh cấp 6-7, có nơi cấp 8, giật cấp 9; sóng cao từ 2-5 m, biển động mạnh kéo dài trong nhiều ngày.

Tuyệt đối không được chủ quan

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành tập trung nêu những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, Ủy ban quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia, và các thành viên chủ động triển khai nhiệm vụ chỉ đạo điều hành hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo trong năm 2024, Phó Thủ tướng một lần nữa quán triệt quan điểm tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai do tình hình thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục thay đổi bất thường, nắng nóng vào đầu năm, mưa bão vào cuối năm.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị tập trung rà soát những vướng mắc về thể chế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để kịp thời sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Các bộ, ngành, địa phương phải giữ nguyên tắc phòng hơn chống, muốn vậy phải cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời cho người dân, kể cả bằng tin nhắn điện thoại, để người dân tự bảo vệ được chính mình và từng bước xây dựng ý thức cùng tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…

Thủ tướng yêu cầu chủ động phòng, chống rét đậm rét hại kéo dàiThủ tướng yêu cầu chủ động phòng, chống rét đậm rét hại kéo dài

SKĐS - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 08/CĐ-TTg về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn