Tính đến sáng 25/3, 11 nạn nhân trong vụ cháy và 1 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang điều trị đang điều trị tại BV Chợ Rẫy. Trong đó, 2 trường hợp nặng là Lê Phan Trọng Nhân(30 tuổi) và chị Trần Yến Minh (34 tuổi) vẫn đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực, BV Chợ Rẫy.
Trong chuyến đến thăm, Phó thủ tướng đã được nghe báo cáo tình hình điều trị các bệnh nhân trong vụ cháy. BS. Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực cho biết các nạn nhân đang có sự hồi phục tốt. Nạn nhân Lê Phan Trọng Nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu nhưng hiện tại đã tỉnh. Bệnh nhân này chưa phát hiện bị tổn thương não nên có thể phục hồi mà không để lại di chứng về sau.
“Nạn nhân nặng thứ 2 là Trần Yến Minh hiện đang tỉnh, phải thở máy vì tình trạng trở nặng đột ngột. Nạn nhân bị phù nề đường thở dẫn đến suy hô hấp. 4 nạn nhân nằm tại Khoa Hồi sức Tích cực đều bị tổn thương đường hô hấp do hít phải một lượng lớn khói bụi, khí độc. Nạn nhân Lê Phan Trọng Nhân do hít phải nhiều khói bụi nên dù được nội soi hút khói bụi nhưng tổn thương vẫn ảnh hưởng đến phổi. Trong 4 nạn nhân nằm tại khoa Hồi sức tích cực, có 2 mẹ con cùng một nhà, bà cụ khoảng trên 60 tuổi và con trai khoảng 40 tuổi,” BS. Xuân báo cáo.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đến khoa Nội Hô hấp thăm hỏi 7 nạn nhân, đến khoa Bỏng – Phẫu thuật tạo hình thăm hỏi một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị bỏng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường vụ cháy chung cư Carina, quận 8, TP.HCM. Báo cáo của khoa Nội hô hấp cho biết vào đầu tuần tới, 2 bệnh nhân trong vụ cháy có thể sẽ được xuất viện. Các nạn nhân đều có diễn tiến tốt.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình sau khi lắng nghe tình hình sức khỏe các nạn nhân đã động viên các nạn nhân cố gắng hồi phục sức khỏe và yêu cầu y bác sĩ BV Chợ Rẫy toàn tâm toàn lực cứu chữa cho các nạn nhân vụ cháy Carina.
Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, từ báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn thành phố về diễn biến bệnh của các nạn nhân sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, hiện hầu hết nạn nhân đều ổn định và diễn biến tốt, không có trường hợp nào tử vong thêm ngoài số nạn nhân tử vong tại hiện trường là 13 trường hợp.
Tại BV Chợ Rẫy, hiện còn 11 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị, trong đó 2 bệnh nhân đang thở máy và đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Tại BV Nhi Đồng 1, 2 bé 10 tuổi và 3 tuổi (2 anh em ruột) đang điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực đều có diễn tiến tốt, tình trạng ổn định, tỉnh táo, bớt thở nhanh, đang tiếp tục được thở NCPAP (oxy cao áp). Tại BV Nguyễn Tri Phương, 14 bệnh nhân đều ổn định, chỉ còn một bệnh nhân thở Oxy, không có trường hợp nào diễn tiến xấu. Còn tại BV Quốc tế City, 2 bệnh nhân trong khoa Hồi sức diễn biến tốt.
250 lính cứu hỏa đã được huy động trong vụ cháy Carina (Quận 8). Lực lượng chữa cháy đã tổ chức thoát nạn cho khoảng 1.000 người, trực tiếp cứu được trên 150 người, bảo vệ được khoảng 21.700m2 phần diện tích còn lại của chung cư (gồm một phần Block A, toàn bộ Block B, Block C) và hơn 400 xe ô tô, 800 xe gắn máy, ngăn chặn không để cháy lan sang các Block nhà khác.
Đại úy Châu Ngọc Quang, Đội trưởng đội Phòng cháy Chữa cháy Quận 8, khi tới nơi, khói tầng trệt bao trùm hết toàn bộ tầng trệt, hành lang. Khói tỏa lên các tầng cao. Người dân kêu cứu bằng mọi cách như rọi đèn pin, vẫy khăn hoặc bất kể vật dụng gì để người bên dưới có thể nhìn thấy và cứu họ. Ngay tại thời điểm đó, người dân thật sự rất hoảng sợ và hoảng loạn. Lực lượng cứu hỏa đã phải trấn an và khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, gõ từng phòng một để xem trong phòng còn ai không.
Theo lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, rất nhiều loại khí độc vô cùng nguy hiểm được sinh ra trong khói của đám cháy như CO, CO2, amoniac, axit hữu cơ... trong đó CO và CO2 là nguyên nhân chính gây tử vong. Trong nhiều vụ hỏa hoạn, nạn nhân tử vong do ngộ độc khí dẫn đến suy hô hấp. Các triệu chứng tổn thương do bị ngạt khí là khó thở, mất định hướng, mất tri giác, bị bỏng, cháy da,… Nặng hơn, nạn nhân cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu; nặng sẽ bị ngất, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong. Những trường hợp tử vong do ngạt khí thường diễn ra rất từ từ, như một giấc ngủ sâu, không lường trước được, không gây đau đớn. Đến khi bị sốc do thiếu oxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong.
Các loại khí này còn khiến thể lực cơ thể bị tiêu hao vì thiếu oxy, do đó nạn nhân chết trong các vụ cháy phần nhiều là do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn. Khói khí độc sinh ra trong đám cháy gây cản trở tầm nhìn, gây kích ứng mắt làm nạn nhân mất phương hướng rất khó khăn cho việc thoát nạn. Một số kỹ năng phòng tránh ngộ độc khí cơ bản trong đám cháy như sau:
- Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng không khí, cần di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt.
- Để chống hít phải khói khí độc cần sử dụng khăn thấm nước che kín miệng và mũi lọc không khí khi hít thở. Có thể sử dụng mặt nạ chống khói nếu được trang bị trước.
- Khói sinh ra luôn có xu hướng bay lên trên, khu vực khói và không khí sạch luôn được ngăn cách bằng một mặt phẳng gọi là mặt phẳng cân bằng áp suất. Khi lượng khói phát sinh nhiều, người thoát nạn phải cúi khom người, quỳ, bò hoặc trườn ra khỏi đám cháy.
- Muốn thoát ra khỏi đám cháy, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng mũi, nạn nhân phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh qua đám lửa ra ngoài, tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.
2. Gọi hỗ trợ: báo cháy 114, cấp cứu 115.