Phó Thủ tướng: Tổng hội Y học VN cần tích cực tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội

29-03-2018 10:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tổng hội Y học Việt Nam cần tích cực tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội thông qua việc góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách liên quan đến ngành y tế, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tập trung tư vấn, phản biện việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế tự chủ của bệnh viện (trước mắt là cơ chế tự chủ của các bệnh viện lớn); phát triển các chuỗi bệnh viện; đào tạo nhân lực ngành y tế theo xu thế quốc tế…

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Tổng hội Y học Việt Nam.

Thông báo nêu rõ, với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Tổng hội Y học Việt Nam đã tập hợp, quy tụ được nhiều Hội chuyên ngành thành viên với sự tham gia ngày càng đông đảo của các cán bộ, trí thức ngành y tế, trong đó có nhiều người có uy tín, giàu kiến thức, kinh nghiệm trong chuyên môn y khoa và quản lý ngành y tế. Trong thời gian qua. Tổng hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các Bộ, ngành, địa phương liên quan và có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân như: tham gia xây dựng cơ chế chính sách, nghiên cứu khoa học y học, giám sát việc sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, đánh giá chất lượng bệnh viện, tổ chức các lớp tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng về y nghiệp, y đức, tuyên truyền giáo dục phổ biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Tổng hội Y học VN.

Trong thời gian tới, Tổng hội Y học Việt Nam cần tiếp tục phát huy, khẳng định vị thế, vai trò là tổ chức đại diện của những trí thức tiêu biểu của ngành y, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ pháp luật đã quy định.

Trong đó, tích cực tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội thông qua việc góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách liên quan đến ngành y tế, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tập trung tư vấn, phản biện việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế tự chủ của bệnh viện (trước mắt là cơ chế tự chủ của các bệnh viện lớn); phát triển các chuỗi bệnh viện; đào tạo nhân lực ngành y tế theo xu thế quốc tế… Tham gia cùng Bộ Y tế trong xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Tích cực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc xây dựng lộ trình và đẩy mạnh thực hiện việc đánh giá, công bố chất lượng, xếp hạng bệnh viện đối với các các bệnh viện nhà nước và các bệnh viện tư nhân theo tiêu chí của Bộ Y tế. Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chuyển dần từng bước việc đánh giá, công bố chất lượng bệnh viện cho Tổng hội Y học Việt Nam và các Hội thành viên của Tổng hội thực hiện như thông lệ, xu thế quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục thành lập Hội đồng chuyên gia đánh giá việc quản lý, sử dụng, từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp để quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội thực hiện việc này; quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng của Tạp chí Y học Việt Nam đạt tầm tạp chí khoa học quốc tế; phấn đấu hoàn thành Từ điển Bách khoa y học Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tổ chức tốt Hội nghị lần thứ XVIII Hội Y học các nước Đông Nam Á; tăng cường hợp tác của các Hội chuyên ngành thành viên của Tổng hội và thúc đẩy hợp tác chuyên sâu trong các chuyên ngành; tiếp tục phát triển hội viên, Tổng hội phải thực sự là tổ chức đại diện cho những người đang công tác trong ngành Y tế, góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp của người thầy thuốc Việt Nam, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của các y bác sĩ, thực sự là “lương y như từ mẫu”.


D.Hải
Ý kiến của bạn