"Chúng ta đã và đang kiểm soát tốt các điểm được tạm gọi là ổ dịch"
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết theo thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca nhiễm COVID-19 từ 100 lên 1.000 là 7 ngày (riêng Nhật Bản là 28 ngày), nên tính chung là khoảng trên 9 ngày.
Đối với Việt Nam nếu suy luận theo logic đó, ngày 22/3 Việt Nam đã ghi nhận 100 ca nhiễm mới (không tính 16 ca trong giai đoạn 1) thì hết ngày 31/3 chúng ta có khả năng có 1.000 ca nhiễm. Nhưng Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không có 1.000 ca nhiễm vào thời điểm ngày 31/3 bởi vì chúng ta có các giải pháp chống dịch và đến giờ phút này các giải pháp đó là rất hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và khuyến cáo của cơ quan y tế thì chắc chắn cũng sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tính từ ngày 7/3, khi chúng ta ghi nhận ca nhiễm số 17 thì đến nay chúng ta có 137 ca nhiễm mới, trong đó 86 ca đã cách ly ngay từ khi đến Việt Nam, còn 51 ca đã vào cộng đồng.
Trong đó, chỉ riêng chuyến bay VN 0054 vào Việt Nam từ 2/3 đã có 20 ca nhiễm, rồi trường hợp bệnh nhân số 34 (F0) tại Bình Thuận lây cho 11 người nhiễm, gồm cả 8 ca F1, 3 ca F2 nhưng đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nào lây đến F2.
Nếu tính từ cột mốc 100 ca vào ngày 22/3, đến hôm nay đạt 137 ca mắc COVID-19, thì chỉ có 19 người bị phát hiện ở trong cộng đồng, chưa có trường hợp nào F2 lây nhiễm. Kết quả này là nhờ sự kiểm soát rất tốt của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Như vậy, để tăng từ mốc 100 lên 1.000 còn tùy thuộc vào cách thức mỗi nước ứng phó với tình hình dịch bệnh ra sao.
“Chúng ta đã và đang kiểm soát tốt các điểm được tạm gọi là ổ dịch, thậm chí tiếp cận những điểm bị coi là ổ dịch tiềm năng để khoanh vùng, dập dịch ngay. Tôi tin nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và khuyến cáo của cơ quan y tế thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Công an quản lý khu cách ly tập trung dân sự
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận một số vấn đề trọng tâm: Tình hình xuất nhập cảnh tại biên giới; công tác quản lý các khu cách ly tập trung dân sự; kiểm soát các ổ dịch; công tác điều trị, bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế cho các lực lượng làm nhiệm vụ…
Nhận định trong giai đoạn này, việc cách ly tập trung dân sự tại địa phương sẽ dần trở nên phổ biến, Ban Chỉ đạo thảo luận và thống nhất giao cho lực lượng Công an điều hành các khu cách ly dân sự; chỉ đạo là Chủ tịch UBND địa phương; cơ quan y tế chịu trách nhiệm bảo đảm về y tế; bảo đảm hậu cần cũng giao công an chủ trì, cơ chế ngân sách cũng thực hiện như quân đội.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành quy chế mẫu quản lý các khu cách ly tập trung dân sự, trong xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, lực lượng y tế, Công an.
Ban Chỉ đạo cũng thống nhất giao chính quyền các địa phương ưu tiên tổ chức khu cách ly dân sự riêng cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ khi cần thiết (y tế, công an, dân phòng,…). Bảo đảm vật tư, trang thiết bị phòng hộ cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch. Đồng thời, có biện pháp động viên kịp thời những trường hợp khó khăn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương quán triệt, thực hiện quyết liệt yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài, đến bệnh viện; chỉ đạo công an phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở để theo dõi sức khoẻ của người dân trên địa bàn.
Việt Nam chưa sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh
Về tổ chức xét nghiệm phát hiện các trường hợp nghi ngờ, đến giờ phút này, Việt Nam chưa sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh mà đang sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm (test kit) do Học viện Quân y sản xuất, đã được các cơ quan quản lý, khoa học trong nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận.
Trên cơ sở tham khảo WHO và các nước trên thế giới và thực tiễn trong nước, ngành y tế đã cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị COVID-19. Chúng ta cũng đảm bảo đủ thuốc điều trị.
Các ca bệnh nặng đều được các chuyên gia y tế đầu ngành tập trung hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn, hỗ trợ chữa bệnh. Bộ Y tế cũng đang tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho các y bác sĩ tuyến dưới để sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân; chỉ đạo chuyển những bệnh nhân không nặng về điều trị tại các bệnh viện địa phương để bác sỹ các tuyến có thêm kinh nghiệm. Ngày 27/3, Bộ Y tế đã triển khai lớp tập huấn tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Ban Chỉ đạo thống nhất giao lực lượng Công an làm đầu mối điều hành các khu cách ly tập trung dân sự. Ảnh: VGP/Đình Nam
Ban Chỉ đạo giao lực lượng y tế cơ sở tiếp tục nắm bắt trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn phân loại những người mắc bệnh nền, người già yếu, yếu thế,… để theo dõi giám sát sức khoẻ tại nhà,…
2 bệnh nhân nặng đã tiến triển sức khoẻ
Tính đến sáng ngày 27/3, Việt Nam đã ghi nhận 153 trường hợp mắc COVID-19, trong đó Hà Nội có 53 trường hợp, TPHCM 42 trường hợp, Vĩnh Phúc 11 trường hợp, Bình Thuận 9 trường hợp, Quảng Ninh 7 trường hợp,…
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ (cách ly) là 57.104 người, trong đó có 1678 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 26.962 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 28.464 người cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Hiện có 136 bệnh nhân đang được điều trị tại 18 cơ sở khám chữa bệnh (101 người Việt Nam, 35 người nước ngoài). Trong đó, 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 2 bệnh nhân trong số này đã có tiến triển sức khoẻ; 37 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1; 13 bệnh nhân kết thúc điều trị (8 bệnh nhân âm tính lần 2, 5 bệnh nhân âm tính lần 3).