Phó Thủ tướng: Phải làm nghiêm, không thể vì một vài cá nhân mà gây thiệt hại cho toàn xã hội nếu dịch lan ra

26-03-2021 19:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới cũng như các nước trong khu vực diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, phải tăng cường kiểm soát nhập cảnh tại các tỉnh biên giới. Các trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý thật nghiêm. Không thể vì một vài cá nhân mà gây thiệt hại rất lớn cho toàn xã hội nếu dịch lan ra

Chiều 26/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, thảo luận về tình hình dịch bệnh trong khu vực, trên thế giới, siết chặt các biện pháp ứng phó khi ghi nhận 2 trường hợp nhập cảnh trái phép đã mắc COVID-19; công tác chuẩn bị chủ trương “hộ chiếu vắc xin”; bảo đảm nguồn cung vắc xin.

DDN_2998

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều ngày 26/3   Ảnh: VGP/Đình Nam

Hầu như các địa phương khi xảy ra dịch vẫn còn luống cuống

Liên quan đến việc ghi nhận các ca nhập cảnh trái phép dương tính với virus SARS-CoV-2, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình biên giới Tây Nam khá phức tạp bởi có cả đường bộ và đường biển; do đó, vấn đề nhập cảnh trái phép ở khu vực này đáng quan ngại. “Nguy cơ có thể xảy ra đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động tăng cường giám sát sàng lọc, giám sát trọng điểm để phát hiện càng nhanh càng tốt các ca bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương phải chuẩn bị kỹ kịch bản về xét nghiệm, cách ly và điều trị cho các nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.

“Hầu như các địa phương khi xảy ra dịch vẫn còn luống cuống. Ngay trong thời gian ngắn phải nâng công suất xét nghiệm lên nhiều. Phải có trao đổi, hiệp đồng trước, trong trường hợp đó, ngay lập tức dồn quân về làm nhanh. Xét nghiệm càng nhanh trên diện rộng, phong tỏa hẹp lại sẽ ít tác động với kinh tế-xã hội và người dân”- Bộ trưởng nêu Bộ Y tế rõ.

Những người đi cùng trên thuyền nhập cảnh trái phép với hai bệnh nhân nhiễm COVID-19 cần ra trình diện ngay lập tức

Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới và nhất là các nước trong khu vực diễn biến rất phức tạp. Hai ngày qua, mỗi ngày thế giới ghi nhận trên nửa triệu ca mắc mới. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường kiểm soát nhập cảnh tại các tỉnh biên giới.

Một mặt các địa phương quản lý thật chặt, không cho nhập cảnh trái phép, mặt khác khẩn trương thực hiện theo đề nghị của Bộ Ngoại giao là có các giải pháp hỗ trợ khuyến khích các tỉnh biên giới hợp tác với các tỉnh giáp biên nước bạn, hỗ trợ bà con người Việt Nam cố gắng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của nước bạn.

Trong trường hợp cần thiết phải về nước thì cần tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhập cảnh bằng con đường hợp pháp. Các trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý thật nghiêm.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh trên toàn quốc tham mưu chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc công tác nắm thông tin, tuyên truyền, vận động những người dân có người thân ở nước ngoài và cam kết nếu về thì bằng đường hợp pháp. Mọi người dân cần thông báo cơ quan chức năng khi phát hiện người từ nước ngoài về hay người về từ vùng dịch không khai báo.

Riêng những người đi cùng trên thuyền nhập cảnh trái phép với hai bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ đường biển, các cơ quan chức năng yêu cầu những người này trình diện ngay lập tức, nếu không khi bị phát hiện ra dứt khoát xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

“Chúng ta phải làm rất nghiêm. Không thể vì một vài cá nhân mà gây thiệt hại rất lớn cho toàn xã hội nếu dịch lan ra”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Thực hiện “hộ chiếu vắc xin” trên hết phải an toàn

Ban Chỉ đạo cũng phân tích rõ sau khi làn sóng dịch thứ ba ở Hải Dương đã được kiểm soát thì tâm lý xã hội sau một hồi căng thẳng sẽ có lúc nơi lỏng là rất bình thường.

Vì vậy, các bộ ngành, địa phương phải tiếp tục kiểm tra, đôn đốc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 căn cơ. Cụ thể, mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên Bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, trong tình hình hiện nay, các địa phương cần có giải pháp hạn chế tối đa những sự kiện tập trung đông người, đặc biệt liên quan đến ăn uống theo phong tục của người Việt Nam như đám cưới, đám hiếu, vì thực tế cho thấy ở những nơi này nếu có người nhiễm thì sẽ lây nhiễm cho những người khác.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng bàn và đôn đốc các bộ ngành tiếp tục các giải pháp kỹ thuật để sẵn sàng tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam sau khi đã được tiêm vắc xin, hay còn gọi là “hộ chiếu vắc xin”.

Theo đó, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế có phương án báo cáo vào lần họp sau của Ban Chỉ đạo về cơ chế, địa điểm, thời gian cách ly, xét nghiệm, theo dõi y tế đối với: Các chuyên gia, thương nhân đã tiêm vắc xin hai lần, được hệ thống của Việt Nam xác nhận là loại vắc xin đó đã được cấp phép hợp pháp, được tiêm bởi hệ thống cơ sở y tế đảm bảo theo quy định y tế; người Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam đã được tiêm vắc xin và có nhu cầu về nước; đồng thời chuẩn bị về dài hạn là những người nước ngoài muốn vào Việt Nam với mục đích giao lưu, và một mức là du lịch.

“Chúng ta từng bước chuẩn bị những phương án phải rất chi tiết với tinh thần thuận lợi nhưng trên hết phải an toàn. Nếu tạo thuận lợi mà để dịch bùng phát thì mọi nỗ lực, công sức sẽ trở thành vô nghĩa. Do vậy chúng ta phải làm chắc chắn từng bước một”- Phó Thủ tướng nói.

Thiếu hụt nguồn cung vắc xin 

DDN_2957

Các đại biểu tham dự cuộc họp của Ban Chỉ đạo chiều ngày 26/3   Ảnh:Đình Nam/VGP

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng lưu ý những vắc xin phòng COVID-19 nhập khẩu về Việt Nam phải là những vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Chỉ những doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin mới được thực hiện nhập khẩu các loại vắc xin này. Việc tiêm vắc xin phải được thực hiện tại các cơ sở y tế thuộc ngành y tế.

Hiện nay, các công ty sản xuất vắc xin phòng COVID-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế và Bộ Y tế mong muốn bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có quan hệ đối tác với những công ty sản xuất vắc xin trên thế giới tăng cường tiếp cận tăng cường nguồn vắc xin dồi dào cho Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Y tế đã có phương án tiêm vắc xin phòng COVID-19 đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như Nghị quyết 21/NQ-CP đã nêu, trong đó có các lực lượng phòng chống dịch, hay phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau như hàng không, vận tải, ngân hàng…

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thử nghiệm các vắc xin nghiên cứu, phát triển trong nước theo tinh thần tiến hành các bước thử nghiệm khẩn trương nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thử nghiệm và thực hành quốc tế về thử nghiệm vắc xin.

Đến nay dù loại vắc xin đang thử nghiệm ở giai đoạn 2, hay giai đoạn 1, hoặc chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1, thì các kết quả cho đến giờ phút này đều rất khả quan.

Ban Chỉ đạo lưu ý, từ trước khi có vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam vẫn chống dịch tốt. Hơn nữa, để tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì còn là một câu chuyện dài. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, ở mức cao nhất các biện  pháp phòng chống dịch hiệu quả như đã thực hiện từ trước.

Cũng trong sáng nay (26/3), Bộ Y tế đã tập huấn toàn quốc để tăng cường an toàn công tác tiêm chủng cao 1 mức so với thế giới từ tiến hành sàng lọc trước tiêm, theo dõi sau tiêm đến xử lý các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng, để bảo đảm an toàn tối đa. Sau khi tiêm 42.000 liều thì không ghi nhận trường hợp xuất hiện huyết khối.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc thiếu hụt nguồn cung vắc xin COVID-19 đang là vấn đề. Thậm chí ngay khi vắc xin đang nghiên cứu, chưa phát triển, nhiều nước đã đặt mua. Thời gian qua, Việt Nam cố gắng đàm phán với các hãng, nhà sản xuất vắc xin trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam. Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vắc xin trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin lô vắc xin COVID-19 của AstraZececa được cung cấp qua COVAX Facility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng ba tuần. Điều này có nghĩa là ba tuần đầu tháng 4 sẽ không có liều vắc xin nào về Việt Nam. Thực tế việc khan hiếm vắc xin là hiện hữu và là thách thức với các nước, nhất là nước đang phát triển như Việt Nam và không phải là nước ưu tiên về vắc xin vì đang kiểm soát dịch rất tốt.


Thái Bình
Ý kiến của bạn