Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Bộ Y tế: Tăng tuổi làm việc - Góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành y tế

15-02-2011 19:25 | Thời sự

Ngày 15/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong năm 2010 và công tác triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2011.

Ngày 15/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong năm 2010 và  công tác triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2011.

Báo cáo tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2010, ngành y tế tiếp tục đạt và vượt mức toàn bộ 4 chỉ tiêu của Quốc hội và 15 chỉ tiêu của Chính phủ giao, đưa Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam đã cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình tính đến năm 2010 đã đạt 73 tuổi, cao hơn so với nhiều quốc gia có trình độ phát triển kinh tế tương đương.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện  Nhân trong buổi làm việc với Bộ Y tế. Ảnh: TM

Mạng lưới y tế Việt Nam đã phát triển rộng khắp từ Trung ương đến thôn, bản với hơn 100% xã và 90% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động; tỷ lệ xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế đạt 80%. Số giường bệnh công lập đến năm 2010 đã đạt mức 20,5 giường/1 vạn dân. Đặc biệt Đề án 1816 thực hiện luân phiên cán bộ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới đã góp phần giảm 30% bệnh nhân chuyển tuyến. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai ở các bệnh viện như ghép tim, ghép thận, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc, ghép gan, phẫu thuật nội soi…

Nguồn nhân lực y tế đã tăng cả về số lượng và chất lượng. Công tác DS- KHHGĐ năm qua đã duy trì được mức sinh thay thế, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được củng cố và phát triển, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện...

Công tác dược cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tỷ lệ bao phủ BHYT trong dân số được tăng lên, ước đạt khoảng trên 60%, tổng số người nghèo được cấp thẻ BHYT ước đạt trên 16 triệu người.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, bên cạnh những thuận lợi thì cũng tồn tại những khó khăn như: mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, chi phí y tế tăng nhanh; cơ chế hoạt động ngành y tế vẫn còn mang tính bao cấp; chính sách viện phí còn chậm đổi mới, chưa thực hiện tính đúng và thu đủ chi phí nên không đảm bảo cân đối thu chi của đơn vị. Chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ (phụ cấp) chưa phù hợp tương xứng với thời gian học tập và công sức lao động của cán bộ y tế... Bộ trưởng đề nghị Chính phủ tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho y tế, dành ít nhất 30% ngân sách y tế chi cho y tế dự phòng, chương trình mục tiêu y tế quốc gia; phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu; thay đổi mô hình tổ chức quản lý bảo hiểm y tế, tập trung đầu mối quản lý nhà nước về BHYT, bao gồm cả quỹ BHYT; thành lập Hội đồng quản lý BHYT, giao Bộ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch; tăng tuổi làm việc của cán bộ nữ lên 60 tuổi và nam lên 65 tuổi để tận dụng đội ngũ cán bộ y tế giàu kinh nghiệm; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Trường đại học Y Huế và Đại học Y Thái Nguyên được chuyển cơ quan chủ quản từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Y tế.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo công tác y tế năm 2011. Ảnh: TM

Tiếp tục làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành y tế cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Luật Bảo hiểm y tế để đến năm 2015, trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Liên quan đến vấn đề nhân lực, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục rà soát lại công tác quy hoạch nhân lực và quy hoạch mạng lưới của ngành y tế. Cùng với Bộ Nội vụ bàn việc tăng tuổi làm việc đối với cán bộ ngành y tế (nam sẽ là 65 tuổi, nữ là 60 tuổi) để tận dụng tối đa đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực của ngành.

Năm 2011, ngành y tế cần tập trung phát triển hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên tất cả các tuyến với các giải pháp tích cực như triển khai Đề án 1816, đổi mới cơ chế quản lý tài chính bệnh viện. Ưu tiên phát triển y tế dự phòng với việc phát triển hệ thống cảnh báo sớm dịch bệnh; đẩy mạnh công tác DS- KHHGĐ và phát triển ngành dược, chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về y tế theo đúng tiến độ đã đề ra và cũng cần đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện bộ đo chỉ số hài lòng của người bệnh.  

TS-CT


Ý kiến của bạn