Phó Thủ tướng dự, chỉ đạo hội nghị thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản

01-12-2020 17:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 1/12, tại TP Vinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn; Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung; Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh từ năm 1990, sau khi Việt Nam giải quyết căn bản vấn đề lương thực đã dồn sức cho công tác chăm lo phát triển rừng nói riêng, hệ sinh thái kinh tế lâm nghiệp nói chung. Từ đó đến nay, chúng ta đã chăm lo phát triển, hình thành một hệ sinh thái kinh tế rừng khá căn bản. Đến nay chúng ta đã có trên 600 nghìn ha rừng. Đây là một cố gắng vượt bậc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát biểu khai mạc Hội nghị

Bên cạnh đó, thể chế pháp luật, chiến lược cho phát triển công tác rừng và kinh tế rừng, từ 1972 được chỉ đạo hoạt động bằng Pháp lệnh, đến năm 1991 được nâng lên thành Luật, 2004 sửa Luật và đến năm 2017, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Luật Lâm nghiệp, thể hiện tầm nhìn đầy đủ hơn, khái quát một ngành hàng phát triển kinh tế rừng, tập trung công tác chế biến cho đến tổ chức thương mại, hình thành ngành kinh tế khép kín. Đến năm 2018 Việt Nam hợp tác Liên minh châu Âu, thể hiện sự chủ động trong ngành kinh tế lâm nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết: Ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam bắt đầu từ con số 0, đến nay có 5.600 doanh nghiệp tập trung công tác chế biến. Năm 2000, Việt Nam bắt đầu bước chân vào thương trường thế giới, xuất khẩu 200 triệu đô. Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 3,7 tỷ USD gỗ và đồ gỗ. Gần 10 năm sau, Việt Nam xuất khẩu 11,3 tỷ USD gỗ và đồ gỗ cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của các doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động, mỗi gia đình HTX không chỉ chăm lo rừng mà còn chế biến gỗ.

Năm nay, ảnh hưởng dịch COVID-19 làm đứt gãy cung - cầu, trong đó có ngành chế biến gỗ, nhưng Việt Nam khắc phục khó khăn, năm nay kim ngạch xuất khẩu lâm sản khả năng vẫn cán đích 12,6 tỷ USD, tăng 11,5%  so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp; giá trị xuất khẩu lâm sản nước ta tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham quan gian hàng sản phẩm được sản xuất bằng các loại thảo dược tụ nhiên

'Ngành gỗ Việt Nam phấn đấu năm 2021 quyết tâm cao với mục tiêu chế biến xuất khẩu gỗ trị giá 14 tỷ USD, đến năm 2025 phấn đấu đạt 20 tỷ USD. Đây cũng chính là nội dung tổ chức hội nghị hôm nay để bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản giai đoạn 2021 - 2025" - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tại Hội nghị các bộ ngành liên quan, các tỉnh có tiềm năng, lợi thế về rừng đã tham luận, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, đồng thời đề xuất các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản giai đoạn 2021 – 2025.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những cố gắng vượt bậc, sớm ổn định sản xuất, thích nghi nhanh và vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong năm 2020. Qua đó, tiếp tục duy trì mạch tăng trưởng cao, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước, đứng đầu khu vực ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản được Chính phủ xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhắc lại mục tiêu phát triển của ngành là đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt từ 14-14,5 tỷ USD và đến năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án kiểm kê rừng, đánh giá đúng thực trạng của rừng Việt Nam. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến lâm nghiệp, nhất là đầu tư, bảo vệ, phát triển rừng, chế biến lâm sản; các chính sách về thuế, đất đai, khoa học công nghệ.

Cùng với đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng 2045, các chương trình đề án, liên quan. Trong đó, chú ý quy hoạch phát triển ngành lâm nghiệp phải trên cơ sở tái cấu trúc ngành lâm nghiệp và phải quy hoạch các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Xác định cơ cấu hợp lý giữa nguyên liệu gỗ nhập khẩu và nguyên liệu gỗ trong nước; Phát triển các cơ sở chế biến sâu để đáp ứng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sự cạnh tranh trong khâu chế biến.

Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có quy mô và tiềm lực tài chính, công nghệ với vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tạo ra lực lượng doanh nghiệp chế biến lâm sản Việt Nam phát triển, có chất lượng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng xem các sản phấm chế biến từ nông, lâm sản được công nhận đạt tiêu chuẩn OCCOP.

Tập trung cơ sở hạ tầng chế biến gỗ, xây dựng trung tâm triển lãm, thiết kế sản phẩm gỗ có tầm khu vực; xây dựng một số khu lâm nghiệp công nghệ cao gắn vùng nguyên liệu; phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm; khuyến khích tạo điều kiện doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đây là điều sống còn của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo các địa phương phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn, phấn đấu đến 2025 đạt 1 triệu ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đáp ứng 80% nguyên liệu gỗ trong nước; Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là từ đây đến năm 2025 cả nước trồng 1 tỷ cây xanh; kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ bất hợp pháp, xử lý nghiêm tình trạng gian lận thương mại.


Từ Thành
Ý kiến của bạn