Sáng 8/5, Ban tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp quốc 2025 đã tổ chức lễ bế mạc tại Học viện Phật giáo Việt Nam (TPHCM).
Phát biểu bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, cảm ơn và đánh giá cao những nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICDV), Ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 cùng các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương đã dành nhiều tâm huyết, công sức, góp phần quan trọng vào thành công của Đại lễ Vesak năm nay.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: Việt Dũng.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: "Đại lễ Vesak năm nay đã được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, thể hiện tầm vóc của một sự kiện văn hóa – tôn giáo quốc tế. Đại lễ diễn ra trong thời khắc đặc biệt, khi toàn dân tộc Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới 80 năm Ngày Quốc khánh và chuẩn bị hành trang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên của một Việt Nam hùng cường và hạnh phúc.
Trong không khí hân hoan, tràn đầy tự hào ấy, ngọn cờ của Vesak - biểu tượng của tư tưởng nhân văn cao đẹp, của hòa bình, hữu nghị và hợp tác quốc tế, lại một lần nữa được giương cao, tung bay trên bầu trời đất nước Việt Nam, đất nước yêu chuộng hòa bình".
Việc đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại TPHCM càng khẳng định vai trò ngày càng nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế. Đồng thời, sự kiện cũng thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy đối thoại toàn cầu, ngăn ngừa xung đột, hướng đến công bằng xã hội, phát triển bền vững và là minh chứng sinh động cho cam kết của Việt Nam trong việc phổ biến giáo pháp của đức Phật.
Sự thành công của Đại lễ cũng khẳng định truyền thống văn hóa hòa hiếu, từ bi, hướng thiện, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam; khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và sự thực thi hiệu quả trên thực tế; khẳng định kết quả rõ rệt trong chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đã được thể hiện bằng sự tham gia của hàng triệu lượt người trong các sự kiện của Đại lễ với tâm thế hoan hỉ, tin tưởng, linh thiêng và trật tự; khẳng định vị thế, uy tín quốc tế và trách nhiệm chủ động của Việt Nam trong tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Các đại biểu tham dự lễ bế mạc. Ảnh: Việt Dũng.
Bên cạnh đó, Đại lễ Vesak là nguồn cảm hứng lớn lao, đánh thức niềm tin và khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người; khẳng định các giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức, có khả năng chỉ rõ con đường hiệu quả, bền vững để giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay, từ phát triển con người toàn diện, bảo vệ môi trường, cho đến xây dựng nền hòa bình vững chắc; là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại.
Hòa thượng GS.TS. Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Ngày Vesak quốc tế (ICDV), Chủ tịch Hiệp hội các Đại học Phật giáo quốc tế (IABU) cho biết, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại TPHCM thành công rất rực rỡ, đem lại niềm tin, sự lạc quan vào tương lai tươi sáng của nhân loại.
"Lần thứ 4 Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam, chúng tôi thấy rõ hơn thực tiễn đời sống tôn giáo phong phú, đa dạng và tự do tại Việt Nam. Chúng tôi thấy rõ những cam kết mạnh mẽ và thực thi trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân", Chủ tịch Hiệp hội các Đại học Phật giáo quốc tế (IABU) nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội các Đại học Phật giáo quốc tế (IABU) chia sẻ: "Chúng tôi bày tỏ lòng tri ân và đánh giá rất cao Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đặc biệt là chính quyền TPHCM vì lòng hiếu khách, sự tận tâm, tận lực ủng hộ cho kỳ Vesak thành công và tầm nhìn của họ trong việc tổ chức sự kiện lịch sử này. Đồng thời, chúng tôi tái khẳng định vai trò của Việt Nam là một trong những trung tâm của Phật giáo thế giới, trung tâm của nền Phật giáo nhập thế gắn với các hoạt động ngoại giao văn hóa, thúc đẩy sự đoàn kết, hòa hợp vì hòa bình, an lạc cho con người".