Hà Nội

Phó Thủ tướng: Có thể ở nhà xấu hơn, đi xe xấu hơn nhưng thuốc thì không ai chấp nhận kém hơn

28-10-2022 19:58 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước khi kết thúc phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình những ý kiến mà ĐBQH nêu trong 2 ngày qua liên quan đến lĩnh vực giáo dục và y tế.

Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế không hoàn toàn do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám đấu thầuThiếu thuốc, trang thiết bị y tế không hoàn toàn do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám đấu thầu

SKĐS - ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế nguyên nhân chính không hoàn toàn do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám đấu thầu...

Dù nhiều khó khăn nhưng vẫn lo rất tốt cho bà con

Cuối giờ chiều nay (28/10) trước khi kết thúc phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình những ý kiến mà ĐBQH nêu trong 2 ngày qua liên quan đến lĩnh vực giáo dục và y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hơn một năm trước, từ lúc tình hình rất căng thẳng, chúng ta đã có nghị quyết và chuyển sang một tâm thế mới, mạnh dạn nhưng có cơ sở khoa học, thực hiện thích ứng linh hoạt. Khi đó Việt Nam chưa tiếp cận được nguồn vaccine.

Theo Phó Thủ tướng, ngay sau đó Việt Nam đạt được những kết quả rất toàn diện, thể hiện rõ qua tốc độ tăng và các cân đối vĩ mô. Đặc biệt, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội, không chỉ lĩnh vực y tế, giáo dục mà còn về an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giãi bày tâm tư trước những khó khăn, vướng mắc ngành y tế, giáo dục - Ảnh 2.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Nhấn mạnh việc Việt Nam có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nhiều mặt, đặc biệt là về vaccine nên có một tâm thế tự tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vui mừng: "Đến giờ phút này Việt Nam đã tiêm hơn 260 triệu liều. Nếu so với thế giới, Việt Nam là một trong những nước ở top tiêm tốt nhất".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không riêng gì y tế, giáo dục, an sinh xã hội đều có những khó khăn, bất cập tích tụ từ nhiều năm. Có những việc nhận diện ra thì nay nhận diện rõ hơn; có những bất cập, tồn tại tích tụ thì lại bộc lộ sau đại dịch.

Lấy ví dụ về tình hình trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, kể cả những nước phát triển cũng rất khó khăn như việc thiếu trầm trọng nguồn nhân lực y tế đến mức thay thế chính sách nhập cư để có được nhân lực y tế trong tương lai; hay có những nước phát triển phải cắt khẩu phần ăn tập thể trong các bữa ăn của học sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giãi bày tâm tư trước những khó khăn, vướng mắc ngành y tế, giáo dục - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm.

"Ở Việt Nam mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn lo rất tốt cho bà con, không chỉ ở vùng đô thị, đặc biệt là cả các vùng núi, vùng dân tộc", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Một lãnh đạo bệnh viện có nói với tôi rằng: Em vẫn đang trực, theo dõi rất sát Quốc hội. Mặc dù rất khó khăn và rất mệt mỏi cả về sức lực và tâm lý nhưng nghe phản ánh và đọc bản tin thì thấy rất mừng vì Quốc hội, tức là toàn dân đã chia sẻ được những khó khăn, vất vả của những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Người bác sĩ đó cũng nói với tôi rằng, rất nhiều vấn đề chắc chắn bọn em biết chưa thể giải quyết được ngay, nhưng ít nhất sự thấu hiểu, chia sẻ cũng mang lại một sức động viên rất tốt cho toàn ngành trong lúc này".

Có thể ở nhà xấu hơn, đi xe xấu hơn nhưng thuốc thì không ai chấp nhận thuốc kém hơn

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, y tế và giáo dục cũng như lĩnh vực văn hóa, xã hội là những lĩnh vực trước mắt không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền. Đây là những lĩnh vực chuyên đi xin tiền, thành tích cũng như hạn chế không thấy được ngay. Muốn có thành tích cũng phải nhiều năm, những bất cập thì cũng nhiều năm mới bộc lộ, khi bộc lộ thì thường cũng mất nhiều năm mới khắc phục được.

Về vấn đề bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục y tế ở tất cả các nước đều là vấn đề rất lớn, kể cả những nước phát triển nhất, mặc dù người ta đã có các cơ chế như học bổng, bảo hiểm y tế tiến bộ hơn ta rất nhiều nhưng không thể nào đảm bảo được bình đẳng tuyệt đối.

Về vấn đề tự chủ, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đi theo đường lối chủ nghĩa xã hội nên có những nền tảng từ trước, cùng với đó là kỳ vọng và đòi hỏi sự công bằng cao hơn nhiều. Dân tộc ta hiếu học, rất nhân nghĩa nên đòi hỏi chất lượng giáo dục và y tế cũng cao hơn. Chúng ta phát huy tinh thần làm chủ của người dân, cho nên cũng góp ý nhiều.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giãi bày tâm tư trước những khó khăn, vướng mắc ngành y tế, giáo dục - Ảnh 4.

ĐBQH lắng nghe giải trình của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Bên cạnh đó, các nước tiên tiến trên thế giới thu ngân sách nhưng không phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Việt Nam hàng năm vẫn dành 30% để chi cho hạ tầng. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Mọi người ở thế giới đều nói, có thể ở nhà xấu hơn, đi xe xấu hơn nhưng thuốc thì không ai chấp nhận thuốc kém hơn".

Tại Việt Nam có biên chế sử dụng ngân sách nhà nước lớn. Hiện nay có khoảng 2 triệu biên chế (giáo dục khoảng 1.150.000, y tế khoảng 250.000). Tất cả những vấn đề trên theo Phó Thủ tướng khiến ngành giáo dục và y tế luôn luôn căng thẳng và "có nói gì thì vấn đề căng thẳng không thể được giải quyết trong 1,2 năm mà phải tính bằng hàng chục năm. Đây là điều rất bình thường trên thế giới".

Về biên chế, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay chuyên môn của bác sĩ không hề thua kém các nước phát triển. Nhưng ở các nước một bác sĩ sẽ có đến 3, 4 điều dưỡng viên để chăm sóc người bệnh, ở Việt Nam 1 bác sĩ mới có chưa đến 1,5 người điều dưỡng viên. Có những nước như Nhật Bản 1 bác sĩ 9 điều dưỡng viên và nếu để đảm bảo mức bằng trung bình thế giới, chúng ta phải tăng gấp đôi biên chế ngành y tế như hiện nay, trong khi hiện nay chúng ta vẫn yêu cầu phải giảm.

Mệnh giá BHYT thấp nhưng máy móc phải như các nước phát triển

Đối với vấn đề học phí, viện phí Phó Thủ tướng cho rằng: "Chúng ta đã rất cố gắng, nỗ lực và phải nói rằng các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao bởi với nguồn kinh phí như vậy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục và y tế tốt hơn rất nhiều so với những nước có cùng mức chi".


Khéo nằm thì no, kéo co thì ấm. Chỉ có từng đấy tiền thôi, chúng ta buộc phải tăng mệnh giá BHYT. Muốn thế thì người dân đóng góp thêm 1 phần, nhưng ngân sách Nhà nước phải dành thêm. Hiện nay, BHYT mệnh giá chỉ bằng 1/10 đến 1/30 của các nước phát triển, trong khi thuốc và máy móc thì phải như các nước phát triển.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Về tự chủ y tế và giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất khó khăn. Chúng ta đã có kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, sau 30 năm đã giảm từ 10.000 doanh nghiệp Nhà nước xuống còn dưới 1.000, và có đến hơn 700.000 doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp về cơ bản không giảm về biên chế. Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề đặt ra là phải quản trị tốt các đơn vị sự nghiệp này, trong đó chủ yếu là trường học, bệnh viện.

Hiện nay, chúng ta đang có cách làm khác so với thế giới, và thực tế đã chỉ ra rằng, cách làm của thế giới là đáng học tập: quản trị bệnh viện và trường học là xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, phát huy tính chủ động, sáng tạo từ cơ sở, từ đó được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư, về thu chi. Vì chúng ta thiếu kinh phí, nên đã lấy tài chính làm yếu tố đầu tiên, nếu lo hết được chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ.

Phó Thủ tướng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu đầy đủ, rà soát lại hệ thống pháp luật để có sự đổi mới căn bản hơn, giải quyết dứt điểm các vấn đề trong dài hạn, tạo tiền đề phát triển lâu dài.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều bệnh viện thành 'con nợ' vì bị chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnhBộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều bệnh viện thành "con nợ" vì bị chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnh

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nhiều cơ sở y tế bị nợ đọng do thanh toán theo tổng mức: "Không được thanh toán là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong mua sắm, đấu thầu".


Lê Bảo
Ý kiến của bạn