Nếu sàn TMĐT Temu không nộp thuế sẽ thanh tra, xử lý
Để nắm thông tin cụ thể hơn về công tác quản lý nhà nước với sàn TMĐT này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã gọi điện cho lãnh đạo Tổng cục Thuế, yêu cầu kiểm tra ngay việc lập hồ sơ thu thuế đối với sàn TMĐT Temu đang được thực hiện như thế nào, khẩn trương đôn đốc, yêu cầu kê khai nộp thuế.
Sau khi gọi điện chỉ đạo Tổng cục Thuế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sàn TMĐT Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook… "Tổng Cục thuế đang cho kiểm tra dữ liệu và yêu cầu đến kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Trước nguy cơ hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam qua kênh TMĐT sẽ gây khó khăn cho các ngành sản xuất trong nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, đứng trước xu hướng phát triển của công nghệ, chúng ta phải thích ứng nhanh để không bị "bỏ lại phía sau".
Về băn khoăn khi hàng giá rẻ tràn vào, các ngành hàng trong nước sẽ gặp bất lợi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ, từ năm 1996, ông đã có bài viết đăng trên báo, thể hiện quan điểm cần ban hành luật về chống bán phá giá, để chống phá giá và độc quyền.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng dẫn chứng có một số cửa hàng kinh doanh, buôn bán xi măng trên cùng một tuyến phố, nhưng trong đó chỉ có một cửa hàng với tiềm lực tài chính mạnh hơn, bán xi xăng dưới giá thành; còn các cửa hàng còn lại do ít vốn, phải vay ngân hàng để kinh doanh, phát sinh chi phí nên bán xi xăng giá cao hơn, dẫn tới người mua hạn chế. Lúc này, cửa hàng bán rẻ sẽ thâu tóm thị trường, độc quyền và tăng giá mà không bị cạnh tranh.
Do đó trước bối cảnh này, theo Phó Thủ tướng, trước hết doanh nghiệp trong nước cũng phải tìm cách thích nghi và vươn lên. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cần có các chính sách trợ lực để ngành sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cần có biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết
Thảo luận tại Tổ 10, ĐBQH Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQT tỉnh Thái Bình nêu ý kiến, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam rất quan ngại với hàng giá rẻ được bán qua sàn TMĐT toàn cầu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần rà soát hoạt động này để có biện pháp phù hợp về thuế, quy tắc xuất xứ,… nhằm đảm bảo thương mại công bằng, thậm chí cần có biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng về sửa đổi các nội dung liên quan tới thuế, đồng thời kiến nghị cần có lộ trình tăng phù hợp; kiến nghị Chính phủ có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong kiện chống bán phá giá;…
Tại Tổ 18, ĐBQH Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho hay, kinh doanh qua MXH, sàn giao dịch TMĐT ở nước ta đang tăng rất nhanh. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, doanh thu TMĐT ước đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 36%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới….
"Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng hóa kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT là hàng hóa gì? Nguồn gốc xuất xứ ở đâu? Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong số 28 tỷ USD đó? Hay chúng ta phải chi trả phần lớn số tiền ấy cho nước láng giềng, do chúng ta mua hàng hóa với giá cực rẻ của họ để kinh doanh trên sàn TMĐT trong nước. Đây là vấn đề mà tôi cùng nhiều ĐBQH ngồi đây đang rất lo lắng…", đại biểu Trần Quốc Tuấn trăn trở.
Với xu hướng này, theo đại biểu sẽ có nhiều tiện lợi với người dân, bởi họ muốn mua món đồ gì cũng có, chỉ cần thực hiện vài thao tác trên điện thoại thông minh, món hàng sẽ được giao hàng nhanh chóng, với phương thức thanh toán dễ dàng.
"Tuy nhiên, tình trạng này đang "giết chết dần, chết mòn" các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước … Lý do là vì hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh về giá cả, mẫu mã với hàng hóa nước láng giềng ngay trong thời điểm này. Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo kiên quyết, dứt khoát, hiệu quả để khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nước… nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng", đại biểu nêu quan điểm.