Phố Lê Thánh Tông ở Hà Nội có vinh dự và cũng xứng đáng mang tên vị vua là nguyên soái Hội thơ Tao Đàn. Phố văn hoá ở khu sang trọng, yên tĩnh, nhà cửa khang trang, có vườn hoa, nhất là có Trường đại học Dược trông rất bề thế, lại là nơi mấy đại lộ lớn của thành phố song song đổ về.
Thời Pháp thuộc, phố Lê Thánh Tông là boulevard Bobillot (đại lộ Bôbiô). Quả thực tôi và các bạn sinh viên Đại học thời đó không hề biết, mà cũng chẳng cần biết Bobillot là ai.
Mãi gần đây, qua anh bạn sử học Pháp A. Ruscio, tôi mới biết là ở Paris cũng có phố Bobillot. Phố này ở Paris dài 1 km, có tượng bán thân, ghi dòng chữ Jules Bobillot (1860-1885), trung sĩ công binh, chết ở Bắc Kỳ. Theo điều tra thì dân khu phố cũng chẳng biết Bobillot thực sự vì sao chết ở Bắc Kỳ, có người còn không biết Bắc Kỳ là đâu?
Một góc phố Lê Thánh Tông. |
A.Ruscio cho biết: Bobillot chết trong chiến dịch bình định Bắc Kỳ 1883 – 1884. Năm 1882, Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai. Triều đình Huế cầu viện quân Cờ Đen ở Trung Quốc sang giúp và giết được tên chỉ huy Pháp H. Rivière. Sau đó, Pháp chiếm nhiều tỉnh ở Bắc kỳ. Bobillot tham gia trận đánh với quân Cờ Đen ở Tuyên Quang bị thương, đưa về Hà Nội và chết ngày 19/5/1885. Tin y chết được thông báo ở Paris và phút chốc, y được nổi tiếng, coi là anh hùng xả thân vì nước Đại Pháp. Ngày 20/5, một ủy viên hội đồng thành phố đề nghị lấy tên Bobillot đặt cho một phố ở thủ đô Pháp và điều đó được thực hiện.
Một câu hỏi được đặt ra. Tại sao trong khi hàng nghìn binh sĩ Pháp chết trong các trận đánh ở thuộc địa, ngay trong trận Tuyên Quang, có đến 55 đồng đội của Bobillot chết trận, một mình Bobillot lại được vinh quang?
A.Ruscio trả lời: Là vì vào thời điểm ấy, cần dẹp yên dư luận ngày một tăng: không ủng hộ chiến dịch đánh Bắc Kỳ. Đặc biệt, trận đánh ở Lạng Sơn khiến ở Pháp, nội các J. Ferry bị đổ vào tháng 3/1885. Các chính khách Pháp cần tuyên truyền mạnh để tiếp tục chiếm đóng Việt Nam, nhất là sau khi triều đình Huế đã ký hiệp định 1884 nhận sự bảo hộ của Pháp. Cần nặn ra một hình tượng anh hùng nhân dân, một người lính thường đã hy sinh vì tổ quốc để gây ấn tượng với người dân Pháp. Chọn Bobillot còn vì cái tên rất Pháp mà lại ngồ ngộ. Lại chết ở tuổi 25 dễ mủi lòng người. Học trò đọc truyện Bobillot trong sách sử sẽ tự hào về anh thanh niên đã hy sinh vì nước Pháp.
Nữ GS. Gillon kể lại thời nhỏ đi học: “Đầu thập kỷ 40, tôi học trong sách địa lý tiểu học, học một cách chăm chỉ, là loài người có ba giống: da trắng, da đen, da vàng. Người da trắng là chủng tộc thượng đẳng, có nhiệm vụ đưa văn minh đến cho hai chủng tộc kia. Đó là điều mà những người Pháp anh dũng đang làm cho dân An Nam khốn khổ, sách sử dạy như vậy!”.
Trong thư viết cho tôi, bà Gillon cho là vào thời phi thực dân hoá ngày nay, cần phải dạy về sự thật cho hậu duệ những người Pháp thực dân trước đây. Theo ý bà, không cần phải hạ tượng Francis Garnier ở Paris với dòng chữ người chinh phục Bắc Kỳ hay xoá tên phố Bobillot. Phải để lại những vết nhơ ấy trong bản sắc dân tộc Pháp, nhưng phải giải thích để nhân dân hiểu các chính khách đã lừa bịp họ như thế nào khi nhân danh tổ quốc mà thực hiện những điều vô nhân đạo. Bà mong ước Paris có nhiều nơi công cộng mang tên các danh nhân thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân như hiện đã có cho Abd d. Kader (Angiêri), Bourghiba (Tuynidi). Tại sao không có một quảng trường Hồ Chí Minh yên tĩnh, có cây có hoa phù hợp với tính cách Hồ Chí Minh?
Ở Việt Nam ta, xoá tên Bobillot là cần thiết, nhưng cũng cần nhớ đến cái thời kỳ phải mang tên Bobillot suốt bao thập kỷ. Phố này nguyên là ranh giới của khu nhượng địa (concession), khu Pháp ép ta đổi lấy thành Hà Nội chúng chiếm năm 1873. Phố này song song với phố Phạm Ngũ Lão (trước mang tên Phố Khu nhượng địa) và đê sông Hồng. Khu này (có bệnh viện Đồn Thủy, nay là đất của hai bệnh viện Hữu Nghị và 108) là bàn đạp để Pháp lấn ra, chiếm cả thành phố và cả Bắc Kỳ và xây dựng khu phố Tây.
Hữu Ngọc