Phố Hàng Đào

07-03-2010 10:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

Rue de la soie (phố Hàng Đào), một nhà văn Pháp đã đặt tên cuốn tiểu thuyết của mình bằng tên phố ấy để câu khách, dù truyện của ông không có gì dính líu đến nó.

Rue de la soie (phố Hàng Đào), một nhà văn Pháp đã đặt tên cuốn tiểu thuyết của mình bằng tên phố ấy để câu khách, dù truyện của ông không có gì dính líu đến nó. Ấy chẳng qua vì khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam dạo chơi phố cổ Hà Nội, thế nào cũng qua phố Hàng Đào. Vả lại, đối với người phưong Tây, cụm từ rue de la soie có âm hưởng lãng mạn, như route de la soie (con đường tơ lụa) với bao kỳ tích phiêu lưu "xa lạ" (exotique).

Phố Hàng Đào, phía bắc Hồ Gươm là đường trục của ba mươi sáu phố phường. Sở dĩ có tên Hàng Đào vì xưa bán vải lụa nhuộm hồng. Ngay từ thế kỷ 15,16 dân nhiều làng, đặc biệt từ Hải Dương, đã đến đây lập phường Đại Lợi buôn bán khiến phố Hàng Đào thành một trung tâm chuyên về lụa với nhiễu. Hiện ở ngôi đình số nhà 90A còn có bia năm 1706 ghi rõ tên cụ tổ sư nghề nhuộm là người của phường và là thành hoàng làng.

Theo Địa dư chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ 15), thì Hàng Đào thuộc một con đê ngăn cách hồ Thái Cực (nay không còn) và Hồ Gươm. Hai hồ thông nhau bằng một con lạch trên có cầu gỗ, nay là phố Cầu Gỗ.

Trong Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ (thế kỷ 16) phác họa rất sinh động những cảnh sa hoa và lừa đảo diễn ra ở hai phố Hàng Đào và Hàng Bạc vào một thời nhiễu nhương. Hai lần Pháp tấn công và cướp bóc Hà Nội năm 1873 và 1882 khiến cho phố Hàng Đào mất hết sự thịnh vượng của nơi được coi là giầu nhất nước. Mãi đến cuối thế kỷ 19, phố mới khởi sắc lại.

 Phố Hàng Đào (năm 2010) trong chiều mưa.

Sang thời hiện đại, bộ mặt Hàng Đào thay đổi nhiều lần. Đầu thế kỷ 20 còn nguyên những nét truyền thống: buôn bán tơ lụa, nghề nhuộm chuyển sang các phố lân cận, đặc biệt là Cầu Gỗ. Phố nổi tiếng vì có nhiều nho sĩ và quan lại, con gái thanh lịch lại giỏi buôn bán khiến những chàng trai tốt nghiệp cao đẳng (trường Đại học Pháp mới mở) ngây ngất. Thiếu nữ Hàng Đào kén chồng đã có câu "Phi cao đẳng bất thành phu phụ".

Hai bên con đường rải đá mấp mô dài độ 250 mét, khoảng một trăm của hàng thấp và hẹp chen lấn nhau một cách ngoạn mục, khi vỉa hè chưa có. Nhà nào cũng có hai gian, gian ngoài là cửa hàng, có tủ kính con đựng khuy áo. Một cô ả thường ở quê ra luôn mồm mời khách vãng lai vào mua hàng. Phía trong, trên sập là bà chủ hoặc cô con gái ngồi chễm chệ giữa những tủ kính to chất đầy gấm, vóc, the, lụa... Tơ sống cũng là loại hàng đặc biệt. Mặc cả là thói quen, nhà hàng bao giờ cũng nói giá vống lên, đôi bên có khi phải mất hàng giờ để thương lượng. Mỗi tháng, vào phiên chợ mùng 1,6,11,21,26, phố đông người gấp bội. Người các làng dệt lũ lượt kéo đến bán hàng: the La Cả, La Khê, đũi Đại Mỗ, lĩnh Bưởi, gấm Vạn Phúc. Họ cũng đến để mua tơ sống. Còn thợ nhuộm ở phố Cầu Gỗ, phố Hàng Bông Nhuộm, hoặc từ Đình Bảng, Hồ Tây đến nhận hàng về nhuộm.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phố Hàng Đào có ít nhiều dáng vẻ hiện đại. Một số người Ấn Độ ở 5 thành phố nhượng địa của Pháp ở Ấn Độ đến mở cửa hàng vải cát bá trắng, kaki của các hãng Pháp Dumarest, Denis Frères... Bọn học trò trẻ con chúng tôi có đứa tinh nghịch trêu Tây đen gọi họ là "oẳn tà là bà" có lẽ do tiếng họ nói; lấy khăn tay tết hình tai lợn chìa ra rồi té chạy (người đạo Hồi kiêng ăn thịt lợn). Có những người Ấn Độ gọi là "set-ti" cho vay nặng lãi, cứa cổ, khiến nhiều nhà buôn Việt Nam sạt nghiệp. Do bị cạnh tranh, số cửa hàng tơ lụa của ta ít hơn. Số còn lại bắt chước người Ấn, có tủ kính lớn, quầy to và dài, biển hiệu hay màn kẻ chữ Pháp, chữ quốc ngữ thay cho chữ nho. Cửa hàng tạp hoá đầu tiên xuất hiện năm 1917.

Đến những năm 1930, phố đầy cửa hàng tạp hoá bán đồ Paris sang trọng: nước hoa, mỹ phẩm, mũ dạ, cà vạt, mùi xoa, phu-la... Sau Cách mạng 1945, từ khi thủ đô giải phóng, trong mấy chục năm, hàng Đào sống im lìm vì buôn bán tư nhân không được Quốc doanh khuyến khích. Mãi đến những năm sau đổi mới, Hàng Đào mới bừng dậy với không biết bao nhiêu cửa hàng đồng hồ, tạp hoá, quần áo may sẵn, nhiều nhà gác cao bằng bê tông làm thay đổi diện mạo phố cổ Hàng Đào thành phố chuyên bán cho khách du lịch nước ngoài.

Có điều lạ là chính phố buôn bán này đã là một cái nôi của văn hoá và phong trào yêu nước kháng Pháp năm 1907, ở số nhà 10 và 63 ngày nay, cụ Lương Văn Can cùng các bạn sĩ phu đã mở Đông Kinh Nghĩa Thục. Họ nhà tôi có một chi gọi là Bà Cả Hàng Đào. Khi tôi còn bé, trong nhà vẫn nói với nhau một cách thành kính đến cụ Cử Can bị đày đi Côn Đảo và con cụ là Lương Ngọc Quyến hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (1917) của Đội Cấn, vang bóng một thời!...            

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn