Được phong hàm Phó Giáo sư (PGS) ở tuổi 35 năm 2014, Hoàng Anh Tiến, Phó Trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế, cũng là một trong những PGS trẻ nhất của Đại học Huế và cũng là PGS trẻ nhất của ngành Y từ trước đến nay.
Hoàng Anh Tiến đỗ thủ khoa (đầu vào) khối B Trường đại học Y Dược Huế năm 1997. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa loại giỏi năm 2003, được chuyển thẳng và tốt nghiệp cao học năm 2006. Năm 2011, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với kết quả xuất sắc.
Hoàng Anh Tiến đã vinh dự đạt những giải thưởng có ý nghĩa: “Mười gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2007”, “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu Việt Nam 2011”, “Quả cầu vàng” về khoa học công nghệ 2012, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 2013”.
Cảm giác của Tiến thế nào khi được công nhận chức danh PGS và vinh dự là PGS trẻ nhất của Đại học Huế và cũng là PGS trẻ nhất của ngành Y?
Tôi chọn ngành y vì hồi nhỏ hay theo ba là bác sĩ đi vào bệnh viện và chứng kiến những bệnh nhân mắc bệnh nặng. Từ ngày đó, trong tôi đã nuôi suy nghĩ làm thế nào để giảm bớt gánh nặng bệnh tật và góp phần trả lại cuộc sống bình thường cho bệnh nhân. Bản thân tôi cũng đã trải qua những trận đau nặng nên nhận thấy vai trò quan trọng của y học đối với sức khỏe con người. Cũng vì tò mò và thích thú với những cuốn sách về y học trong phòng đọc của ba với những hình ảnh chi tiết về quả tim con người và cơ chế hoạt động nên từ lúc đó tôi đã có hứng thú đối với chuyên ngành tim mạch.
Trao bằng công nhận chức danh PGS Hoàng Anh Tiến (giữa) trong lễ trao bằng công nhận chức danh
Đối với tôi, khoảng thời gian từ lúc bắt đầu học đại học đến nay là sự nỗ lực không ngừng trong học tập, nghiên cứu khoa học và trau dồi chuyên môn. Cảm giác khi nhận được học hàm PGS ở tuổi 35 với cảm giác vinh dự xen lẫn lo lắng về trách nhiệm khoa học của PGS trẻ. Tôi đăng ký xét chức danh PGS năm nay là có sự động viên rất lớn của các thầy cô Trường đại học Y Dược - Đại học Huế, đặc biệt là GS.TS. Cao Ngọc Thành và các thầy cô trong bộ môn Nội. Tôi biết mình vẫn còn phải cố gắng nhiều trong trau dồi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ thầy cô đi trước mà cuối cùng vẫn là hướng đến nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng chăm sóc bệnh nhân và cống hiến khoa học.
Đã đạt được nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học có ý nghĩa phục vụ công tác giảng dạy và điều trị bệnh nhân, giải thưởng nào có ý nghĩa nhất với anh?
Mỗi giải thưởng đều có ý nghĩa quan trọng đối với tôi, bởi xuyên suốt qua các giải thưởng trên chính là sự cố gắng không ngừng trong nghiên cứu khoa học để tìm ra những giá trị mới, đóng góp cho công tác giảng dạy, điều trị và phong trào học tập và nghiên cứu khoa học ở trường và Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế. Theo tôi, giá trị không hoàn toàn nằm ở giải thưởng mà là những hoạt động, những ứng dụng thực tiễn song hành cùng giải thưởng đó.
Vừa là Phó Trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện trường, đồng thời là Phó Bí thư Đoàn trường và là Chủ tịch CLB tiếng Anh Trường đại học Y Dược Huế, để đảm đương và làm tốt các “vai” này hẳn là điều không dễ?
Tôi đang ở giai đoạn tuổi trẻ, lòng vẫn đầy nhiệt huyết và nhiều dự định trong tương lai. Tôi dự định sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cũng như công tác Đoàn để các thế hệ trẻ hơn tôi có những đóng góp và thành tích xuất sắc hơn, như vậy chắc hẳn khoa học và y học sẽ ngày càng phát triển nhanh và bắt kịp sự phát triển của các nước trên thế giới. Hiện tại, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy áp lực cao về thời gian, công việc và cuộc sống nhưng tôi nghĩ, ai cũng có vấn đề cần giải quyết để đạt được thành công, càng khó khăn thì thành công càng vinh quang.
Nếu có thể “bật mí”một chút về những mong muốn và con đường phía trước của mình, anh sẽ nói gì?
Một số dự định sắp tới của tôi là sẽ đăng được nhiều bài báo quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ, hướng dẫn và tiến hành nhiều đề tài chất lượng tốt, thực hiện được các kỹ thuật cao trong tim mạch can thiệp và một số dự định bất ngờ khác…
Chúc anh sẽ thành công hơn nữa với những dự định của mình.
Ngọc Hà
(Theo bao Thua Thien Hue)