Phó Giám đốc Bệnh viện K chỉ rõ các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư

PGS.TS Lê Văn Quảng

PGS.TS Lê Văn Quảng

Giám đốc Bệnh viện K, Phó trưởng Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội.

20-04-2018 13:30 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - PGS.TS Lê Văn Quảng – Phó Giám đốc BV K Trung ương, Chủ nhiệm Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội đã chỉ rõ các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư, người dân cần hết sức chú ý để đi khám và được điều trị kịp thời.

Theo PGS. Quảng, các dấu hiệu đó bao gồm:

- Ho kéo dài (gợi ý ung thư phổi)

- Tiết dịch bất thường (ung thư vú, ung thư cổ tử cung)

- Đi ngoài ra máu (ung thư đại trực tràng)

- Rối loạn tiêu hóa kéo dài, thay đổi thói quen đại tiện (ung thư đường tiêu hóa và ung thư tiết niệu)

- Đau nửa đầu, ù tai (ung thư vòm)

- Nói khó, nuốt vướng (ung thư thanh quản thực quản)

- Nổi u cục bất thường (ung thư phần mềm)

- Nổi hạch bất thường (ung thư hạch)

- Thay đổi tính chất nốt ruồi (ung thư sắc tố)

PGS.TS Lê Văn Quảng.

Từ thực tế điều trị, PGS. Quảng cho biết, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ung thư đến khám sức khỏe ở giai đoạn muộn khá phổ biến. Hiện nay có các chương trình mục tiêu phòng chống ung thư quốc gia, các hướng dẫn của bệnh viện nên ý thức chú ý phát hiện bệnh sớm của người dân cũng được nâng lên một chút. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đi khám sàng lọc ung thư vẫn còn khá khiêm tốn.

Trong khi đó, theo các bác sĩ, bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì có trên 50% là có thể chữa khỏi. Đặc biệt với các bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi rất cao.

Nên khám sức khoẻ định kỳ, tầm soát ung thư

Phòng bệnh hơn chữa bệnh - khám sức khoẻ định kỳ được coi là việc làm vô cùng quan trọng giúp mỗi người phòng và phát hiện bệnh sớm, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là dịp để có được cái nhìn tổng quát về sức khỏe bản thân, tránh được các lo lắng không cần thiết. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện nay rất ít người quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Theo các bác sĩ, ngay cả khi bản thân cảm thấy khoẻ mạnh, chưa có các triệu chứng khó chịu thì nhiều bệnh đã có thể đang âm thầm phát triển mà chúng ta không hề hay biết. Chỉ đến khi phải nhập viện cấp cứu thì bệnh đã diễn biến nặng, thậm chí đã đi vào giai đoạn cuối có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Việc điều trị bệnh muộn cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí điều trị, kéo dài ngày nằm viện....

Đặc biệt, với bệnh ung thư, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả, thậm chí khỏi bệnh. Song đáng chú ý là có đến 71,4% trường hợp ung thư tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị vô cùng khó khăn.

“Không cần phải chờ có dấu hiệu mới đi khám mà cần khám sàng lọc phát hiện sớm để đánh giá mỗi cá thể hay cộng đồng khỏe mạnh về mặt lâm sàng nhằm phát hiện ung thư tiềm ẩn hoặc tình trạng tiền ung thư. Nếu bản thân có tiền căn hoặc trong gia đình có người bị ung thư thì cần đi khám sớm hơn chứ không phải chờ đợi các dấu hiệu. Hoặc bản thân có thói quen sinh hoạt chưa đúng như hút thuốc nhiều...”- PGS.TS Lê Văn Quảng khuyến cáo.

GS.TS. Nguyễn Thị Dụ.


Thầy thuốc nhân dân, GS.TS. Nguyễn Thị Dụ - Nguyên Chủ tịch Hội chống độc Việt Nam; Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai; Nguyên Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu A9 BV Bạch Mai cho biết, hiện nay, các đơn vị nhà nước, các bộ phận công nhân viên chức hầu như đã ý thức được việc Khám sức khỏe định kỳ rồi. Hàng năm, 6 tháng 1 lần cho cán bộ đi khám sức khỏe định kỳ.

"Nhiều người tưởng khỏe nhưng khi đó đã có bệnh nhưng chưa có triệu chứng, chẳng hạn như ung thư. Cứ tưởng nhiều tuổi mới bị ung thư nhưng có người 30, 40 tuổi đã mắc ung thư rồi. Nhiều người nhìn khỏe nhưng đi khám phổi đã có ung thư rồi. Đi khám có thể phát hiện ra viêm gan B, tăng đường máu, nếu ở giai đoạn đầu có thể sống tốt. Ung thư nếu giai đoạn sớm, chưa lây lan ra tạng khác thì có thể chữa khỏi 80-90%. Nếu phát hiện sớm, có thể sống tới 80-90 tuổi, chẳng hạn như ung thư dạ dày, đại tràng.

Chỉ khi nào có triệu chứng mới đến khám là không được, vì có nhiều triệu chứng tiềm ẩn chúng ta lãng quên. Nếu để nó nặng sẽ muộn"- GS. Dụ cảnh báo.

GS. Dụ khuyến cáo, nếu một người có sức khỏe bình thường, người dưới 30 tuổi thì 1 năm đi khám 1 lần. Nếu trên 30 tuổi nên đi khám 1-2 lần 1 năm. Người nhiều tuổi thường gặp các vấn đề từ hô hấp, tim mạch, đường máu, ... nên kiểm tra ít nhất 6 tháng 1 lần.

Nếu người đã bị đái tháo đường thì kiểm tra 3 tháng 1 lần, để biết thuốc có ổn không, ăn uống có đáp ứng điều trị bệnh không. Còn nếu kiểm tra để phát hiện bệnh thì 6 tháng-1 năm 1 lần.

Dương Hải




Ý kiến của bạn