Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên chia sẻ lý do ông quyết định viết lá thư gửi 12 công nhân kẹt hầm thủy điện Đạ Dâng vào thời khắc đặc biệt nhất.
CHUYỂN ĐỘNG 24H- DIỄN BIẾN VỤ SẬP HẦM THỦY ĐIỆN Ở LÂM ĐỒNG
Trong hàng trăm thông tin xung quanh vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, có lẽ điều khiến nhiều người quan tâm và thắc mắc chính là quyết định bất ngờ của ông Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên khi cầm bút viết thư và tìm mọi cách gửi xuống hầm cho 12 công nhân đang trong cảnh cận kề sống chết.
Phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện riêng với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm đồng xoay quanh câu chuyện khá đặc biệt này.
- Điều gì đã khiến ông nghĩ đến việc viết thư, rồi tìm mọi cách gửi xuống hầm cho các nạn nhân trong thời điểm 'nước sôi lửa bỏng' như vậy?
Trước hết, xuất phát từ tình hình thực tế, là đến ngày thứ 3 rồi hầm bị sập, 12 công nhân bị tai nạn, bị nhốt trong hầm không ra được, đang phải chịu đựng một tình thế hết sức khó khăn. Xuất phát từ tình thương con người với nhau, tôi muốn động viên anh em công nhân.
Tôi nghĩ rằng một giờ kề cận với cái chết, đợi được cứu sống nó kinh khủng hơn hàng nghìn ngày vất vả ở ngoài. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng nên viết một cái gì đó, để thể hiện tình cảm của những người đang trực tiếp làm công tác cứu hộ, đang nỗ lực hết sức để cứu các anh em.
Cái thứ 2 là tôi sợ anh em công nhân ở trong hầm tuyệt vọng, không còn niềm tin. Không còn niềm tin thì sẽ không còn cố gắng để chiến đấu với hoàn cảnh khó khăn của mình, và như vậy nó sẽ khiến sức khỏe anh em suy sụp, không còn cứu vãn được khi lực lượng cứu hộ tiếp cận đến.
Do vậy, tôi cũng muốn viết thư báo tin cho anh em công nhân đang bị kẹt trong hầm là lực lượng cứu hộ rất đông và rất nhiều máy móc hiện đại đang tốc hành làm việc 24/24 để cứu anh em. Nói cách khác là tôi muốn thắp sáng một niềm tin cho anh em đang bị nạn trong hầm, nhắc anh em kiên cường lên để chờ chúng tôi giải cứu.
Tôi nghĩ rằng một giờ kề cận với cái chết, đợi được cứu sống nó kinh khủng hơn hàng nghìn ngày vất vả ở ngoài.
Ông Nguyễn Văn Yên
Thứ 3 tôi cũng nghĩ là bao nhiêu nỗi vất vả của hơn 700 người, của 3 ngày liền và hơn 33 lực lượng cứu hộ, nó chỉ có ý nghĩa khi những người được cứu ra khỏi hầm còn sống. Nếu như những người được đưa ra khỏi hầm mà không còn sống thì công việc vất vả của bao nhiêu người, bao nhiêu tổ chức không còn ý nghĩa gì cả.
Không chỉ những người đang bị kẹt trong hầm mà còn 12 gia đình của họ và hàng triệu người Việt Nam, rồi cả nhân dân thế giới đang quan tâm, đang mong chờ việc sẽ cứu sống họ. Xuất phát từ suy nghĩ như vậy mà tôi đã quyết định viết một lá thư, tìm mọi cách đưa vào để tạo một niềm tin cho anh em ở trong hầm.
- Ông có nghĩ rằng việc viết thư trong thời điểm đó chỉ là một liệu pháp tinh thần, rất khó để có thư hồi âm từ những người đang kẹt trong hầm, hy vọng sống đang rất mong manh?
Quả thực lúc viết thư, tôi chỉ nghĩ làm sao để 12 công nhân đang kẹt trong hầm có thêm động lực, có niềm tin vào công tác cứu hộ bên ngoài. Hơn 700 người đang nỗ lực tìm cách cứu họ, mong họ vững tâm hơn, tôi cũng không nghĩ được nhiều đến việc các công nhân có viết thư ra được hay không. Tôi nói anh em cố gắng tìm mọi cách đưa được thư vào để anh em trong đó biết tình hình bên ngoài, có niềm tin đã.
Thực tình lúc đó tôi rất lo lắng, bởi vậy sau khi viết thư lúc 11h thì tôi và nhiều anh em khác cứ kiên nhẫn ngồi chờ. Chúng tôi ngồi chờ cho đến tận 1h30 sáng ngày hôm sau nhưng chờ mãi không có tin hồi đáp.
Sau này chúng tôi mới biết là anh em ở trong đó điều kiện rất khó khăn, nước ngập đến thắt lưng, tất cả 12 người thì phải thay nhau đứng, 7 người ở dưới nước, cho 5 người đứng ở cái xe trộn bê tông, thay nhau như vậy nên họ không có điều kiện để mà viết thư ra.
Đến khi cứu được họ ra ngoài rồi thì chúng tôi chúng tôi có hỏi lại, các công nhân cũng trao đổi lại là họ không có điều kiện viết thư ra, nhưng khi nhận được lá thư của tôi gửi vào thì họ rất cảm động và cùng nhau chiến đấu với những khó khăn, quyết tâm phải tồn tại để chờ đến lúc được cứu sống.
- Trong tình huống đặc biệt, khi lực lượng cứu hộ tìm thấy lỗ hổng bất ngờ, cứu sống được 12 công nhân ra khỏi hầm sớm hơn dự kiến, tâm trạng của ông và mọi người thế nào?
Theo dự tính thì mình phải đào một cái đường hầm khoảng 25 m, nhưng khi mới đào được hơn chục m chúng ta đã tiếp cận được với lỗ hổng và cứu được người ra. Đây là thời khắc đặc biệt quan trọng, không chỉ với tôi mà với hàng triệu người dân cả trong và ngoài nước đang dõi theo công tác cứu nạn.
Video: Toàn cảnh giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thuỷ điện Đạ Dâng
Nói thật, lúc đó tôi cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc. Vì trong suốt những ngày vừa qua, có rất nhiều người đã vất vả, đã chờ đợi, đã hy vọng, đã nỗ lực cứu hộ. Niềm mong chờ của tôi và mọi người đã được đền đáp. Tôi thực sự rất hạnh phúc.
Không chỉ riêng tôi, mà có rất nhiều người đã khóc vì hạnh phúc. Không chỉ người có mặt ở công trình đó khóc, mà cả những người đã từng theo dõi, đã từng vất vả, dù không có mặt ở đó, thì ở những nơi khác thì cũng đã ôm nhau nhảy lên vì sung sướng, hạnh phúc.
Có tìm được ra nguyên nhân thực sự thì chúng ta mới rút ra được kinh nghiệm về sau. Nếu bây giờ mà vội vàng nói ngay vì một nguyên nhân nào đó thì có lẽ nó chưa thỏa đáng.
Ông Nguyễn Văn Yên
Có rất nhiều người đã rơi nước mắt vì cái niềm sung sướng đó. Thực sự, đó là lúc lòng nhân ái, yêu thương giữa con người với con người được bộc phát chân thành nhất, rõ ràng nhất. Tôi rất hạnh phúc.
- Về nguyên nhân sập hầm thủy điện Đạ Dâng, đơn vị thi công nói do địa chất quá kém, trong khi đó Giám đốc công an tỉnh khẳng định có yếu tố hình sự. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh về vấn đề này?
Thực chất về vấn đề địa chất kém, thì tôi đã từng trực tiếp đi vào trong hầm, đi vào nơi cứu hộ cứu nạn, thì tôi cũng xác nhận là đúng là địa chất của khu vực này kém.
Sau đó, tôi cũng đã kiểm tra ở phía sau núi, leo lên đỉnh núi cùng với các giàn khoan đang khoan ở trong đó thì có thấy là làm hầm thông qua núi rất khó khăn, đúng là địa chất kém.
Tuy nhiên nói về nguyên nhân thì chắc chắn cũng không phải chỉ do việc ấy. Có lẽ giờ cũng chưa khẳng định được nguyên nhân cụ thể là gì. Chúng ta phải chờ các cơ quan chức năng điều tra cụ thể mới kết luận chính xác. Có tìm được ra nguyên nhân thực sự thì chúng ta mới rút ra được kinh nghiệm về sau. Nếu bây giờ mà vội vàng nói ngay vì một nguyên nhân nào đó thì có lẽ nó chưa thỏa đáng.
- Sau sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, ông có cho rằng tỉnh Lâm Đồng cần thiết phải rà soát, chấn chỉnh lại việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trong địa bàn tỉnh?
Lâm Đồng là tỉnh có tiềm năng thủy điện tốt nhất so với cả nước. Bộ Công thương cùng với tỉnh đã xây dựng một quy hoạch về thủy điện trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi đang triển khai quy hoạch đó, có nhà máy đang làm, có nhà máy sắp làm.
Mới đây, tỉnh Lâm Đồng cùng với Bộ Công Thương đã rà soát lại quy hoạch thủy điện trên địa bàn rồi. Trong năm vừa rồi, đã có một số thủy điện cảm thấy hiệu quả không cao và thấy đóng góp không nhiều thì cũng đưa ra khỏi quy hoạch. Còn những thủy điện nào tiếp tục triển khai thì đều là những dự án được đánh giá là hiệu quả, cần thiết cho đời sống.
Tất nhiên qua sự việc như vừa rồi, chúng tôi cũng rút ra bài học là phải quan tâm nhiều hơn và sẽ cùng các bộ ngành kiểm tra lại tất cả các công trình thủy điện. Kể cả các công trình đã làm xong cũng phải kiểm tra, kể cả về đập cũng như về các công trình khác, đang làm thì phải kiểm tra để chấn chỉnh lại những hạng mục nào đó mà mình thấy không an toàn.
Những dự án sắp làm thì sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa ngay từ khâu ban đầu để sau này không để xảy ra tình trạng như thế một lần nữa ở tỉnh Lâm Đồng.
Xin cảm ơn ông!
Theo VTC