Tại Hà Nội, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Y tế về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chủ yếu, tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch ngành và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh.
Về phía Bộ Y tế, tiếp và làm việc với đoàn công tác của Quốc hội có GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; các đồng chí Thứ trưởng: Đỗ Xuân Tuyên, Trương Quốc Cường, Trần Văn Thuấn và lãnh đạo các Vụ/Cục/Tổng cục/Thanh tra/Văn phòng Bộ Y tế cùng tham dự buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: Trần Minh
Tỷ lệ dân số tham gia BHYT ước thực hiện 90,7%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 85/2019/QH13 (giao 90,7%); vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 142/2016/QH13 (giao trên 80,0%);
Các chỉ tiêu khác như, tuổi thọ trung bình tăng, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.
Dự báo có thể đạt được các chỉ tiêu: Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh ước là 111,5 (giao 114,6 bé trai/100 bé gái); Số bác sỹ trên 1 vạn dân ước là 9,0 (giao: 9,0); Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống ước là 13,9 (giao: 14,0); Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống ước là 20,4 (giao: 20,4); Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) ước là 12,0 % (giao: 12,0%); Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế ước 90% (giao: 80%); Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc ước là 92,3% (giao: 92,0%).
Quyền Bộ trưởng cũng cho biết giai đoạn 2016 - 2020, NSNN chi cho y tế năm sau cao hơn năm trước, đạt tỷ trọng 7,1% tổng chi NSNN. NSNN ưu tiên cho đầu tư phát triển, các lĩnh vực, các vùng, khu vực khó thu hút được nguồn lực xã hội hóa.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng báo cáo cụ thể về kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Bộ, và số vốn đã giao cho các dự án, trong đó có 17 dự án chuyển tiếp từ trước 2016 sang và 65 dự án khởi công mới, còn 8 dự án có trong kế hoạch trung hạn nhưng chưa được cấp vốn. Đồng thời, Bộ Y tế cũng báo cáo về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, và nhu cầu toàn ngành y tế giai đoạn 2021-2025.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc Ảnh Trần Minh
Tại buổi làm việc, Bộ Y tế kiến nghị, Quốc hội tiếp tục bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN, tập trung NSNN cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...
Quan tâm, dành ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương khó khăn đầu tư cho các trạm y tế xã, nhất là các trạm ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; đầu tư cho một số trung tâm y tế, bệnh viện huyện chưa được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chi tiết định mức phân bổ ngân sách chi sự nghiệp y tế của các địa phương theo tiêu chí dân số cho giai đoạn 2021- 2025.
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành, đề nghị bố trí đủ dự toán và bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số từ năm 2021 theo nguyên tắc không thấp hơn năm 2020.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ thực hiện các giải pháp để hỗ trợ các cơ sở y tế bớt khó khăn do đại dịch COVID-19 bằng việc bù đắp số hụt thu cho các cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trích Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp năm 2019 và năm 2020; điều chỉnh giảm mức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp…
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn việc bố trí vốn cho các dự án theo số thực tế giải ngân, bảo đảm số vốn đã giải ngân không vượt kế hoạch vốn trung hạn đã được giao để có thể hoàn thành mục tiêu của dự án...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm của ngành y tế trong thời gian qua khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ, đạt kết quả tốt; đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2020 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra càng thể hiện rõ hơn vai trò quan trọng của ngành y tế.
"Đất nước chúng ta 96 triệu dân, đến nay Việt Nam ghi nhận hơn 1.000 người nhiễm COVID-19, hơn 30 ca tử vong. Với điều kiện kinh tế như đất nước chúng ta, kết quả đó là kỳ tích" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và khẳng định: Thành công to lớn đó đã làm tăng niềm tin của người dân, nâng cao giá trị của đất nước, con người Việt Nam.
Kết quả đó, có vai trò nòng cốt từ đội ngũ cán bộ y tế. Bởi nếu ngành Y tế không cố gắng, dịch bệnh tràn lan, xã hội không thể ổn định, kinh tế không tăng trưởng được, đời sống người dân khó khăn. Chúng ta không làm được gì nếu tăng nhanh số ca nhiễm, số ca tử vong. Để có được kết quả đó, nhờ vào việc chúng ta đã xây dựng được hạ tầng về y tế (gồm tổ chức, cơ sở vật chất, con người từ Trung ương đến cơ sở) suốt những năm qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao và chia sẻ với những nỗ lực của ngành y tế
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của ngành y tế trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng thẳng thắn chỉ rõ, qua thực tế, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân; tâm lý muốn khám chữa bệnh vượt tuyến vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ nhân dân…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân ngay từ khi còn khỏe mạnh, chú trọng công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến; từng bước thực hiện chăm sóc toàn diện, tăng sự hài lòng của người dân; phát triển một số trung tâm y tế chuyên sâu, dịch vụ kỹ thuật cao; kết hợp du lịch với y tế, chăm sóc sức khỏe…
Ghi nhận các kiến nghị của Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn công tác sẽ tổng hợp đầy đủ trong báo cáo để chuẩn bị phục vụ cho Kỳ họp tới của Quốc hội.