Nguyên nhân do đâu?
Theo Bộ LĐ-TB&XH, những năm gần đây, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam, chiếm tới 7,7% tổng số ca tử vong do tai nạn thương tích.
Một nghiên cứu từ Trường Đại học Y tế công cộng chỉ ra, đuối nước xảy ra ở nhóm trẻ dưới 6 tuổi thường là do người lớn không giám sát, để trẻ chơi một mình. Còn với trẻ từ 6 đến 15 tuổi có thể biết bơi và đã nhận thức được mối nguy hiểm, nhưng do ham chơi nên đuối nước thường xảy ra ở những địa điểm xa nhà, như: ao, hồ, sông, biển…
Việc phổ cập kỹ năng bơi lội cho học sinh được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích do đuối nước, nhưng sau nhiều năm triển khai, kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Nguyên nhân là do thiếu cơ sở vật chất, thiếu quỹ đất, thiếu nhân lực nên chưa thể đưa môn bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường và được chú trọng giảng dạy như các môn văn hóa khác. Và số trẻ em bị đuối nước vẫn tăng hằng năm, đặc biệt là dịp nghỉ hè, nhu cầu đi bơi, đi tắm nhiều hơn, nên các trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra nhiều hơn.
Cần đẩy mạnh phong trào dạy bơi trong trường học và có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi
Dự báo, tình trạng đuối nước ở trẻ em có nguy cơ gia tăng do học sinh trở lại trường học sau thời gian dài phải ở nhà học trực tuyến cùng với mùa hè đang tới gần cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước gia tăng.
Trước thực trạng này, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT vừa có công điện gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Giám đốc các Sở GD&ĐT tăng cường quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh.
Đặc biệt, các Sở GD&ĐT phải chú trọng các nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 1562/BGDĐT-GDTC về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với học sinh. Các Sở GD&ĐT mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
Song song với đó, triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học.
Ngoài việc mở đợt cao điểm dạy và phổ biến kỹ năng bơi lội cho học sinh, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.
Đặc biệt, các Sở GD&ĐT phải tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn, các dịch vụ liên quan cho học sinh.
Các bước cấp cứu trẻ bị đuối nước
BS. Lê Ngọc Duy, Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, BV Nhi Trung ương cho biết, trẻ đuối nước nếu được cấp cứu kịp thời có thể qua cơn nguy kịch nhưng cũng có thể dẫn tới biến chứng nặng nề như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ôxy kéo dài, thậm chí tử vong.
Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật khi trẻ bị đuối nước cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn.
BS. Lê Ngọc Duy chỉ ra các bước cấp cứu trẻ bị đuối nước:
Bước 1: Gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực...
Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh bị ngạt thở trở lại.
Bước 5: Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.
Bước 6: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi, người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của đội Cấp cứu 115.
Chú ý trong quá trình sơ cứu đuối nước cần tránh các sai lầm thường gặp như dốc ngược trẻ hoặc vác trẻ lên vai rồi chạy cho nôn nước ra, việc vác chạy sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc...
BS. Lê Ngọc Duy khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát, đậy kín các chum vại nước xung quanh nhà, không cho trẻ chơi gần ao hồ, tốt nhất nên dạy cho trẻ tập bơi để tránh tai nạn không mong muốn.
Đối với những trẻ nhỏ khi đến hồ bơi nên đi cùng người lớn, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.
Đối với trẻ lớn, cần được giáo dục tại trường học và gia đình về các nguy cơ tai nạn thương tích, cách phòng tránh.
Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp.