Phình động mạch não - Quả bom nổ chậm

21-09-2011 08:14 | Tin nóng y tế

Phình động mạch não (PĐMN) khi chưa bị vỡ hầu như không có triệu chứng gì. Khi vỡ ra thường gây “chảy máu dưới nhện” – một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.

Kỳ 2: Phương pháp điều trị

Phình động mạch não (PĐMN) khi chưa bị vỡ hầu như không có triệu chứng gì. Khi vỡ ra thường gây “chảy máu dưới nhện” – một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Nguy cơ bị vỡ có ở tất cả các bệnh nhân PĐMN, nhưng không thể biết ai sẽ bị và khi nào sẽ xảy ra. Vì vậy, PĐMN luôn được coi là quả bom nổ chậm trong não.

Phẫu thuật là phương pháp mổ mở, tìm túi phình trong não, kẹp ngang cổ túi bằng kẹp kim loại - Clips (làm tắc túi phình từ bên ngoài).

Can thiệp mạch: là phương pháp điều trị không phẫu thuật, sử dụng các ống thông đi trong lòng mạch, kỹ thuật chủ yếu là “nút PĐMN bằng lò xo kim loại”. Một ống thông dẫn đường kích thước 2mm được đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu lên động mạch chủ bụng - ngực và dừng lại ở gốc động mạch tại nền cổ. Một ống thông nhỏ được đưa qua ống dẫn đường để lên não, đầu ống được lái vào giữa túi PĐMN. Qua ống thông đó, các cuộn lò xo nhỏ và mềm (coils) được đưa lần lượt vào lòng túi phình để làm tắc hoàn toàn PĐMN. Toàn bộ quá trình thao tác được kiểm soát bằng màn hình có hiển thị bản đồ mạch máu và ống thông trong lòng mạch một cách chính xác. Sau khi chụp kiểm tra đánh giá kết quả, ống thông được rút ra khỏi động mạch đùi và băng ép vị trí chọc mạch.

 Vị trí phình động mạch não

Những điều cần làm sau điều trị nút PĐMN bằng lò xo kim loại

Nếu là PĐMN chưa vỡ: chỉ cần nằm viện 2-3 ngày. Ngược lại, nếu là PĐMN đã vỡ: cần nằm viện 7-14 ngày hoặc lâu hơn để theo dõi và điều trị tình trạng rối loạn do chảy máu dưới nhện gây ra.

Cần điều trị nội khoa và phục hồi chức năng tích cực nếu có di chứng. Bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống lao động và học tập bình thường sau khi đã hồi phục thể chất và tinh thần. Riêng lao động nặng sẽ được cân nhắc cho từng trường hợp.

Cần kiểm tra lại kết quả điều trị sau 6 tháng và 2 năm bằng chụp mạch máu não DSA hoặc cộng hưởng từ mạch máu MRA để khẳng định túi phình đã được nút kín hoàn toàn. Một vài trường hợp có thể phải nút bổ sung nếu lòng túi phình bị tái thông. 

 Quá trình đặt lò xo kim loại điều trị PĐMN.

Tại sao phải cấp cứu khẩn cấp khi bị chảy máu dưới nhện?

Chảy máu dưới nhện do vỡ PĐMN là một tình trạng lâm sàng vô cùng nặng nề, thậm chí có thể gọi là thảm họa, tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao. Túi phình có thể vỡ lại gây chảy máu tái phát bất kể lúc nào sau lần vỡ đầu tiên, nhất là trong 2 tuần đầu, khi đó khả năng cứu sống là rất thấp. Vì vậy, để giảm tối đa khả năng vỡ túi phình tái phát, bệnh nhân cần được xử trí sớm trong vòng 24-48 giờ đầu: chụp mạch não cấp cứu và can thiệp “nút túi phình bằng lò xo kim loại” hoặc phẫu thuật sọ não để “kẹp cổ túi phình”. Sau đó bệnh nhân được tập trung cứu chữa những rối loạn do lần chảy máu đầu tiên gây ra mà không sợ bị chảy máu lại. 
TS.Lê Văn Trường (Bệnh viện TW QĐ108)

Ý kiến của bạn