Khi thành động mạch chủ suy yếu do tuổi tác, bệnh tật hay chấn thương, hiện tượng phình bắt đầu xuất hiện. Tùy theo vị trí phình mà phân biệt: phình động mạch chủ ngực, phình động mạch chủ bụng...
Khi thành khối phình yếu dần sẽ đưa đến nguy cơ vỡ khối phình gây chảy máu ồ ạt. Đây là biến chứng rất nặng, tỉ lệ tử vong tới 82%.
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất cơ thể, xuất phát từ tim và đi qua giữa ngực - bụng để dẫn máu đến các tạng và toàn bộ cơ thể. Tùy theo kích thước và tốc độ lớn của phình động mạch chủ, việc điều trị thay đổi từ theo dõi thận trọng cho đến phẫu thuật cấp cứu.
Phình động mạch chủ bụng
Các yếu tố nguy cơ của phình động mạch chủ bao gồm: tuổi ≥ 60, hút hoặc nhai thuốc lá, xơ mỡ động mạch (tích tụ mỡ ở thành động mạch), nam giới, tiền sử gia đình có người mắc bệnh này, các bệnh của mô liên kết.
Túi phình động mạch chủ bụng thường to lên chậm và thường đa số không có triệu chứng gì kèm theo nên bệnh khó phát hiện cho đến lúc vô tình phát hiện được. Vì vậy, phình động mạch chủ bụng được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Trong khi thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện một khối trong bụng đập theo nhịp mạch.
Khi phình động mạch chủ bụng to lên, một số người có thể tự nhận thấy:
- Có nhịp đập gần vùng rốn.
- Đau liên tục và sâu trong bụng, hoặc đau bên cạnh bụng.
- Đau lưng.
Các nghiệm pháp chẩn đoán:
Đặt ống nghe ở bụng: nghe tiếng đập
- Siêu âm bụng.
- Chụp cắt lớp.
- Chụp cộng hưởng từ.
Điều trị:
Nếu khám thấy phình động mạch chủ bụng có nguy cơ vỡ thì cần phải điều trị. Có hai phương pháp:
- Phẫu thuật mở.
- Can thiệp nội mạch.
Phẫu thuật mở: mở bụng cắt bỏ đoạn động mạch chủ bụng bị tổn thương và thay thế bằng một ống ghép nhân tạo. Phương pháp này được thực hiện dưới gây mê và mất từ 3 - 4 giờ. Bệnh nhân cần 1 tháng trở lên để hồi phục hoàn toàn.
Can thiệp nội mạch: một phương pháp xâm nhập tối thiểu: rạch một vết nhỏ ở động mạch đùi, qua đó đưa lên đoạn phình động mạch chủ bụng một ống ghép nhân tạo. Can thiệp này sẽ loại bỏ phình động mạch chủ bụng vả làm giảm nguy cơ vỡ khối phình. Phương pháp này mất khoảng 2 giờ và thời gian nằm viện giảm còn từ 2 - 4 ngày.
Phình động mạch chủ ngực
Triệu chứng:
Đa số không có triệu chứng.
Khi phình động mạch chủ ngực to lên, một số bệnh nhân có thể bị:
- Đau ở ngực.
- Đau lưng.
- Khàn giọng.
- Ho.
- Khó thở.
Các nghiệm pháp chẩn đoán:
- Chụp X-quang ngực.
- Siêu âm tim, siêu âm tim qua thực quản để khảo sát buồng tim, các van và động mạch chủ.
- Chụp cắt lớp.
- Chụp cộng hưởng từ.
Điều trị:
Khi phình động mạch chủ ngựa có nguy cơ vỡ thì bệnh nhân cần được điều trị sớm. Có hai phương pháp:
- Phẫu thuật mở.
- Can thiệp nội mạch.
Phẫu thuật mở: mở ngực hoặc bụng, cắt bỏ đoạn phình động mạch chủ ngực và thay bằng một ống ghép nhân tạo. Phương pháp này mất từ 4 - 6 giờ, bệnh nhân cần từ 12 - 24 tuần để hồi phục hoàn toàn.
Can thiệp nội mạch: phương pháp xâm nhập tối thiểu: rạch một vết nhỏ ở động mạch đùi, qua đó đưa lên đoạn phình động mạch chủ ngực một ống ghép nhân tạo. Phương pháp này mất từ 4 - 6 giờ, bệnh nhân cần khoảng 4 - 6 tuần để hồi phục.
Tầm quan trọng của việc phát hiện bệnh sớm
Có thể bạn không biết khi phình động mạch chủ không có triệu chứng. Thường bạn chỉ biết khi bệnh đã ở vào giai đoạn trễ hoặc đã có biến chứng, tỉ lệ tử vong ở giai đoạn này rất cao.
Bằng cách tham gia sàng lọc, chúng ta có thể phát hiện sớm bệnh phình động mạch chủ để theo dõi và chữa trị đúng thời điểm. Sàng lọc sẽ làm giảm đáng kể các biến chứng của căn bệnh nguy hiểm này.
Bác sĩ sẽ khám và siêu âm bụng (để tầm soát phình động mạch chủ bụng). Biện pháp này không xâm lấn và không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM