Phim võ thuật Việt Nam bao giờ đạt thành tựu?

16-03-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau cú hích Dòng máu anh hùng, một loạt phim võ thuật với những màn đánh đấm đẹp mắt như trong Huyền thoại bất tử, Bẫy rồng, Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long, Lửa Phật và sắp tới là Hiệp sĩ Mù được đà ra mắt.

SKĐS - Năm 2004, Dòng máu anh hùng ra đời làm nức lòng khán giả yêu điện ảnh nói chung và những người yêu thích phim võ thuật nói riêng. Chưa bao giờ những màn võ thuật được thể hiện trên phim Việt “đã mắt” như thế, chưa bao giờ phim võ thuật Việt lại được so sánh đạt tầm khu vực đến như vậy.

Sau cú hích Dòng máu anh hùng, một loạt phim võ thuật với những màn đánh đấm đẹp mắt như trong Huyền thoại bất tử, Bẫy rồng, Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long, Lửa Phật và sắp tới là Hiệp sĩ Mù được đà ra mắt. Thế nhưng, dường như lịch sử những năm 90 lặp lại khi mà dòng phim võ thuật ngày càng nhạt nhòa dần với những tác phẩm thiếu sức sống...

 

Thiên mệnh Anh hùng

Thiên mệnh Anh hùng


Phim võ thuật - Những bước đi ban đầu

Đối với khán giả đại chúng, phim võ thuật là một trong những thể loại được yêu thích nhất. Nó là những màn đấu võ nhanh, mạnh và đẹp làm thỏa mãn cảm xúc và tâm lý người xem. Nó khơi dậy những khát vọng thể hiện mình trong giới trẻ.

Lớp khán giả thế hệ trước chắc còn nhớ những cảnh đánh nhau hoặc đuổi bắt trong một số phim như Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, Con ngựa bốn vó trắng... Những cảnh đó tuy không dài, song đã có dấu hiệu của thể loại phim võ thuật.

Trong những năm đổi mới thập niên 90, xu thế xã hội hóa điện ảnh đã khích lệ những nhóm làm phim tư nhân. Thể loại phim võ thuật đã chính thức xuất hiện. Khởi đầu là những bộ phim như Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La... như những thỏi nam châm có sức hút cực lớn. Tên tuổi những diễn viên võ thuật bắt đầu in trong tâm trí người xem như Lý Huỳnh, Lý Hùng... Dòng phim võ thuật ngỡ như có cơ hội lớn bởi khán giả được dịp cộng hưởng những chất xúc tác đầy năng lượng đã được tích lũy từ những trang tiểu thuyết của Kim Dung. Thế nhưng, cách làm phim dựa trên ngôi sao và những màn võ thuật ngoài đời đưa vào phim đã không còn “tươi mới” như những phim đầu, thiếu chất cinema cộng thêm việc chạy đua để kịp phục vụ khán giả đã khiến những bộ phim võ thuật đi vào nhàm chán, ngõ cụt. Phim võ thuật Việt trở nên im ắng.

 

Johnny Trí Nguyễn va Ngô Thanh Vân trong

Johnny Trí Nguyễn va Ngô Thanh Vân trong "Dòng máu Anh hùng"

 

Cú hích “Dòng máu anh hùng”

Dòng máu anh hùng của anh em nhà Charlie Nguyễn – Johnny Trí Nguyễn năm 2004 đã là quả bom của điện ảnh Việt, mở đường cho thể loại phim võ thuật chuyên nghiệp. Xin nhắc lại là “chuyên nghiệp” bởi ngoài việc được đào tạo bài bản ở Mỹ thì Johnny Trí Nguyễn là người không quá xa lạ với những màn võ thuật, chỉ đạo võ thuật khi anh vừa là võ sư vừa là cascadeur cho những phim đánh đấm ở Mỹ. Những màn võ thuật đậm chất Việt, đánh đẹp như mơ với hiệu ứng ép-phê cực tốt đã khiến khán giả mê mẩn.

Với lợi thế của mình, không chỉ tiếp tục với Bẫy rồng mà ekip Dòng máu anh hùng còn tiếp tục là cảm hứng cho hàng loạt phim lịch sử, dã sử với những màn võ thuật đẹp mắt sau đó như Johnny Trí Nguyễn chỉ đạo võ thuật cho Huyền thoại bất tử, Khát vọng Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng, Dustin Nguyễn với bộ phim Lửa Phật.

 

Dustin Nguyễn trong phim Lửa Phật

Dustin Nguyễn trong phim Lửa Phật

 

Lại bế tắc và nhạt nhòa

Hiện tại, phim võ thuật Việt, dù vẫn còn kỳ vọng nhiều nhưng vẫn cảm giác đó là sự loay hoay không thể lý giải của các nhà làm phim.

Đã qua thời võ thuật ngây ngô, phim võ thuật không chỉ đơn giản là những pha cơ bắp mà đã có sự trình diễn nghệ thuật kết hợp với âm thanh lập thể, trang phục và đạo cụ ấn tượng... Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật điện ảnh đã tác động rất mạnh đến phong cách làm phim võ thuật ở nhiều nước và chúng ta, ít nhất, đã có thể theo kịp. Nhưng cái mà chúng ta hiện đang thiếu chính là một câu chuyện hấp dẫn và một võ thuật “đúng bản sắc”. Thiên mệnh anh hùng bị chê bởi những cảnh võ thuật “bay như chim”, y chang và thua xa phim Trung Quốc. Lửa Phật bị chê tơi tả và thất bại doanh thu bởi nội dung kịch bản quá nhạt nhòa khiến những màn võ thuật trở nên phô trương, lọt thỏm. Ngoài ra, những bộ phim khác thì yếu tố võ thuật chỉ như phụ trợ. Sự thất bại kéo theo doanh thu thụt giảm, sau “sự đổ vỡ” đó, không hãng phim tư nhân nào dám bỏ tiền làm phim võ thuật, phim lịch sử. Võ thuật chìm nghỉm trong dòng chảy điện ảnh, chỉ còn xuất hiện mờ nhạt trong một vài phim gọi là điểm xuyết.

Các nhà làm phim đổ lỗi cho nhiều thứ, kể cả việc khán giả không mặn mà với thể loại phim này. Phim võ thuật của thế giới ở Việt Nam luôn cháy vé, vậy sao nói không có khán giả? Thực ra, các nhà làm phim nên nhìn lại chính mình. Chúng ta thiếu một kịch bản thực sự cho phim võ thuật mà ở đó, võ thuật là sợi chỉ đỏ thu hút người xem và ngược lại, tác động lại kịch bản khiến bộ phim vẹn tròn hơn, như Dòng máu anh hùng chẳng hạn. Một phim võ thuật hay không chỉ đơn thuần là có những pha đánh đấm hấp dẫn mà phải là một câu chuyện thu hút người xem mà ở đó, võ thuật là phần máu thịt. Có như vậy, phim võ thuật mới trụ lại trong lòng khán giả. 

Phạm Công

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn