Phim Việt tung hoành trong giờ vàng

07-10-2008 10:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

Dự báo đầy lạc quan, rằng 2008 sẽ là năm phim truyền hình phát triển thành làn sóng mạnh mẽ, đã sớm được hiện thực hóa. Nỗ lực của các đơn vị sản xuất, trong đó có phần rất lớn của những hãng phim tư nhân, đã được đền đáp xứng đáng.

Dự báo đầy lạc quan, rằng 2008 sẽ là năm phim truyền hình phát triển thành làn sóng mạnh mẽ, đã sớm được hiện thực hóa. Nỗ lực của các đơn vị sản xuất, trong đó có phần rất lớn của những hãng phim tư nhân, đã được đền đáp xứng đáng.

Nhìn vào hai đài truyền hình nằm trong nhóm có tỷ suất người xem cao nhất hiện nay - VTV và HTV – gần như kênh nào, khung giờ chiếu phim nào cũng có phim Việt Nam góp mặt. Phim Việt đang tung hoành trong khung giờ Vàng. Bên cạnh hai tên tuổi quen thuộc bao năm như VFC, TFS đã có một đội quân hùng hậu: Vifa – Gia đình Việt, Lasta, M&T Pictures, BHD, HK Films, FPT, Kiết Tường, Đông A, Sena, Sóng vàng... Gác lại những nhận định lạc quan rằng “phim Việt lên ngôi”, thử điểm lại xem phim xã hội hóa ra sao?

Sóng sau cao hơn sóng trước

Luật điện ảnh đi vào cuộc sống, với tỷ lệ phần trăm phim Việt phát sóng được quy định khe khắt, với mục đích bảo hộ cho nền điện ảnh - truyền hình nội địa. Và như một hệ quả tất yếu, khi mở kênh nào cũng gặp tác phẩm nội 100%, khán giả đã dần hình thành được thói quen xem phim Việt.

 Poster phim Cô gái xấu xí.
 
Thay vì mê đắm với phim cổ trang Trung Quốc, phim thần tượng Đài Loan, phim dã sử - tâm lý xứ Kim chi, họ đã quen chờ đợi dòng phim chính luận, đi vào những vấn đề gai góc, nóng bỏng trên giờ Vàng VTV1 (từ 20h). Tập phim này vừa kết thúc, bấm chuyển sang VTV3 (từ 21h) với những series phim làm lại từ mẫu phim nước ngoài như Những người độc thân vui vẻ, Cô gái xấu xí...

Khán giả phía Nam, bao lâu nay đã say mê với giờ Vàng trên HTV, với cả loạt những tựa phim vô cùng hấp dẫn như Ghen, Thám tử tư, Kiều nữ và đại gia, Tôi là ngôi sao, Bò cạp tím, Lọ lem thời @, Acapella... Chuyển qua hai kênh của VTV, họ sẽ có ngay những món ăn ngon, nhưng mang khẩu vị khác hẳn.

Không thể phủ nhận, với nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ làm phim hiện nay, những tác phẩm làm ra đều ít nhiều gây được những cơn sóng ngầm trong dư luận xã hội.

Những nhận xét, đánh giá nhiều chiều khen – chê dành cho Những nguời độc thân vui vẻ, Cô gái xấu xí, những cơn sốt theo dõi Dốc tình, Vòng xoáy tình yêu, Hương phù sa, Tuyết nhiệt đới, Gọi giấc mơ về, Mùi ngò gai, Chàng trai đa cảm... Những bài viết trên báo giấy, báo mạng, blog, những bình luận rôm rả, hào hứng trên các diễn đàn, tất cả cho thấy khá nhiều sản phẩm tâm huyết của người làm phim xã hội hóa đã khiến bầu không khí khán giả “tăng nhiệt”.

Đường trường... mỏi gối, chồn chân

Chủ trương sản xuất phim lẻ, phim cỡ chục tập đã lùi vào dĩ vãng. Vài ba chục tập giờ chiếm đa số, phim cả trăm tập cũng chẳng còn là của hiếm. Sau Mùi ngò gai gây xôn xao với 105 tập phim, đã có ngay Đồng hồ cát 120 tập, Cô gái xấu xí 169 tập và Những người độc thân vui vẻ dự tính 500 tập. Loại dăm bảy chục tập (đã sản xuất hay còn đang trên giấy) như Cầu vồng ngày không mưa (50), Đam mê (50), Ký túc xá (65), Cỏ đuôi gà (60), Vua cầu (70)... cũng không thiếu.

Lý do xem ra khá đơn giản, phim càng nhiều tập thì lợi ích kinh tế sẽ càng lớn. Một biên kịch khá đắt sô phía Nam cho biết, “đơn đặt hàng mà chúng tôi nhận được hiện nay tối thiểu cũng phải 30 tập. Nhà sản xuất khó chấp nhận con số nhỏ hơn vì theo họ, phim ít tập không kinh tế, khán giả vừa kịp bén hơi thì câu chuyện đã hết, quảng cáo - thấy hiệu quả cao, cuống lên đổ vào cũng không kịp nữa”.

Nhưng công nghệ sản xuất đang chập chững những bước đầu tiên tiệm cận với chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Con người vẫn là bài toán đau đầu. Đội ngũ viết kịch bản phim dài tập chuyên nghiệp mới manh nha. Phim càng dài càng dễ bộc lộ “cái đuôi” sức yếu.

Hiện các công ty đang rơi vào tình trạng lôi kéo, cạnh tranh nhân lực của nhau. Kết quả là phim nhàm chán, đơn điệu bởi nguồn nhân lực vốn cung không đủ cầu đã bị khai thác đến cạn kiệt. Giẫm chân nhau trong một số mô típ kịch bản được coi là ăn khách, nhà sản xuất chỉ thích chọn những kịch bản ít tốn kém, dễ quay để thực hiện. Phim hành động, lịch sử... chắc chắn sẽ là món ăn lạ miệng, hấp dẫn với khán giả thì không mấy ai dám mạnh dạn đầu tư.

Quá nhiều tuyến nhân vật, cốt truyện rối rắm; Diễn viên tham gia phim có cả trăm, vai chính - thứ có tên đã khó nhớ, chưa kể rất nhiều gương mặt phụ; Tình tiết, quá trình phát triển tâm lý, thắt - mở nút, đẩy lên cao trào rồi thả nổi một cách tùy tiện; Phim dài, đồng nghĩa với việc khán giả hăm hở phần đầu, lãng đãng phần giữa và ngán ngẩm (thậm chí bỏ không theo dõi) phần cuối.

Quy luật ở ta, rằng phim hấp dẫn thường không quá dài, đến thời điểm này vẫn đúng. Những tác phẩm tạo dấu ấn với dư luận vừa qua, đa phần dưới 30 tập. Tuyết nhiệt đới – 30 tập, Luật đời – 25 tập, Ma làng 19 tập, Chạy án 27 tập, Chàng trai đa cảm 20 tập... Chạy theo bài toán lỗ lãi không sai, nhưng cũng cần biết lượng sức mình để chọn đường đua cho hợp lý.

 Cảnh trong phim Chàng trai đa cảm.
Quảng cáo tràn lan

Công ty truyền thông ra đời ngày càng nhiều. Và cũng ngày càng có nhiều đơn vị không tiếc tiền, tiếc sức khi đổ tiền đầu tư cho sản xuất phim. Đó cũng là biểu hiện vừa tích cực vừa hạn chế của xã hội hóa phim truyền hình. Bênh cạnh chất lượng tác phẩm, bên cạnh việc nâng cao uy tín của nhà sản xuất thì mục đích cân bằng lợi nhuận – và có lãi đã trở thành tôn chỉ hàng đầu. đôi lúc vì đặt lên quá cao, hoặc vì muốn nhanh chóng thu hồi khoản vốn đầu tư nên nhiều doanh nghiệp đã vô cùng vất vả khi cố lách qua cánh cửa hẹp vào giờ Vàng của các đài lớn VTV, HTV. Giờ Vàng thì hiệu quả cao và như vậy mới thu hút nhiều quảng cáo. Môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt này đã đẩy không ít công ty nhỏ, không trường vốn lâm vào cảnh dở khóc dở cười, thậm chí phải giải tán.

Hiện tượng một tập phim dung lượng không lớn (45 phút cho tới 60 phút) bị cắt vụn bởi những quảng cáo giữa chừng đã khiến người xem bực bội là có thật. Theo một đạo diễn khá nổi tiếng trong giới, có phim nhiều tập ăn khách đã hút về tới xấp xỉ 30 phút quảng cáo cho một tập. Lẽ dĩ nhiên, nhà đài sẽ phải lọc bớt, lược bỏ cho phù hợp với tiêu chuẩn mà pháp lệnh quảng cáo đã quy định, nhưng việc một vài kênh TH (đa phần thuộc các đài địa phương) phá lệ, vượt rào chút đỉnh cũng đã từng xảy ra, gây bức xúc trong quá trình thưởng thức phim của đông đảo công chúng.

Việc lồng hình ảnh nhà tài trợ tràn lan trong các cảnh quay mà không cần đếm xỉa đến sự hợp lý, tính thuyết phục của nội dung phim thì lỗi hoàn toàn thuộc về những người sản xuất. Kinh phí làm phim eo hẹp, gọi thêm khoản tiền tài trợ để có điều kiện nâng cao chất lượng là nhu cầu chính đáng. Nhưng không thể vì khoản lợi trước mắt mà tạo hiệu quả ngược, gây phản cảm cho khán giả. Cho “đại gia” ăn toàn đồ hộp Hạ Long, các nhân viên văn phòng lương hai ba triệu nhưng dùng bữa trưa đều ở Highland, giới trẻ - giàu hay nghèo, quý tộc hay bình dân – đều có chung đồng phục Ninomaxx... thì không thể coi là chuyện nhỏ!

Nhà đài phải vừa lo nguồn thu lẫn tính định hướng cho chương trình. Còn các hàng phim tư nhân thì đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên nhiều khi coi nhẹ phần chất lượng. Số ít phim có nguồn thu nhưng chất lượng kém, đã và vẫn đang lọt qua khe cửa hẹp để lên sóng.

Mâu thuẫn đặc trưng giữa nhà đài và đơn vị tham gia xã hội hóa này đang được giải quyết dần từng bước, để đài vừa có những sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu xã hội mà không bị mang tiếng “bán sóng” trên truyền hình.

Đàm Bảo Ngọc


Ý kiến của bạn