Phim Việt - Môtip quá cũ mòn

06-10-2012 18:09 | Văn hóa – Giải trí

Nhìn vào lịch phát hành phim tại các rạp chiếu phim tại Hà Nội và TP.HCM chủ yếu là phim Hollywood, một vài phim của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Nhưng trong số 13 phim tung trailer và poster quảng cáo rầm rộ, tuyệt nhiên không thấy một phim Việt nào.

(SKDS) - Nhìn vào lịch phát hành phim tại các rạp chiếu phim tại Hà Nội và TP.HCM chủ yếu là phim Hollywood, một vài phim của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Nhưng trong số 13 phim tung trailer và poster quảng cáo rầm rộ, tuyệt nhiên không thấy một phim Việt nào.

Trông mình mà... tủi

Quanh đi quẩn lại, đến rạp, khán giả cũng chỉ có một vài phim lẻ mà trước đây đã được nhắc đến không ít lần. Đấy là Nàng men chàng bóng - bộ phim về đề tài đồng tính của đạo diễn Vũ Tấn Bình. Nội dung phim kể về một “chàng bóng” lại có thể tìm thấy tình yêu với một “nàng men”. Trước đấy đã có vài bộ phim về đề tài này như Hotboy nổi loạn, Chơi vơi. Hai phim này ít nhiều đã để lại được sự cảm thông, chia sẻ từ phía xã hội với cộng đồng những người đồng tính. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các nhà làm phim “cố nặn” cuộc sống cá nhân, tâm tư tình cảm của những người đồng tính nên thiếu đi những trải nghiệm đích thực khiến có những cảnh phim khá gượng gạo.

 Cảnh phim Lấy chồng người ta. Ảnh: ĐLP

Theo chia sẻ của một số người đồng tính thì Nàng men chàng bóng là một bộ phim có nội dung sai lệch và phản cảm. Phim dựa trên những tình tiết gây cười gượng gạo, phi khoa học; đưa ra cho xã hội những ảo tưởng về việc thay đổi xu hướng tính dục, thậm chí thay đổi giới trong một sớm một chiều, và tất nhiên, đây là một sai lầm lớn. Bên cạnh đó, phim đã sử dụng hình ảnh người đồng tính, chuyển giới như một yếu tố gây cười một cách dung tục, thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng xã hội nói chung và cộng đồng những người đồng tính nói riêng của nhà sản xuất.

Người đồng tính, chuyển giới tại Việt Nam tuy không nhiều, nhưng họ đang cố gắng khẳng định vai trò tích cực của mình với cộng đồng xã hội bằng lối sống cởi mở và có ích. Để có thể được là chính mình, họ đã phải trải qua rất nhiều những định kiến, kỳ thị, thậm chí là những phân biệt đối xử của mọi người. Lẽ ra mọi người cần chia sẻ và cho họ cơ hội để hòa nhập và cống hiến cho cộng đồng thì Nàng men chàng bóng lại như một gáo nước lạnh cho những cố gắng của họ, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một cộng đồng có thật. Đi ngược lại với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc bảo vệ quyền lợi của người đồng tính, chuyển giới trong xã hội ta hiện nay.

Một phim Việt khác cũng đang được giới chuyên môn, truyền thông và khán giả mong chờ là Lấy chồng người ta của đạo diễn Lưu Huỳnh. Phim đại diện cho điện ảnh Việt Nam ở hạng mục Comtemporary world cinema (điện ảnh thế giới đương đại) - Liên hoan phim Toronto (Canada) giữa tháng 9 vừa qua và tranh giải People’s Choice Award (Lựa chọn của khán giả).

Lần này, Lấy chồng người ta đánh dấu sự trở lại sau một thời gian vắng bóng hơn 3 năm của đạo diễn Lưu Huỳnh sau các phim Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử... Hai diễn viên điện ảnh quen mặt là Thái Hòa trong các phim như Để mai tính, Long ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ... và diễn viên Huy Khánh trong Cô dâu đại chiến, Cột mốc 23... đã hóa thân vào vai hai anh dân chài trong một mối quan hệ tay ba với một cô gái trẻ tên Lụa do diễn viên Đinh Y Nhung, vợ của đạo diễn Lưu Huỳnh đóng. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn xoay quanh mối tình tay ba, một môtip quá mòn cũ đến mức sáo rỗng đối với với văn chương, nghệ thuật Việt từ hàng chục năm nay, nên thật khó để chinh phục được công chúng khó tính hôm nay.

Nhìn ra biển lớn

Các phim “bom tấn cuối vụ” năm nay của Hollywood được phát hành vào tháng này phải kể đến là The Expendables 2 (tạm dịch: Biệt đội đánh thuê 2), Premium Rush (tạm dịch: Phí bảo hiểm Rush), Savages (tạm dịch: Những kẻ man rợ), Finding Nemo (tạm dịch: Đi tìm Nemo bản 3D), Resident Evil: Retribution, The Watch (tạm dịch: Vùng ven)… Trước đấy, các phim như Biệt đội tiêm kích của Hàn Quốc, Tứ đại danh bộ của Trung Quốc và những phim ăn khách vẫn còn trụ được lại rạp là Họa bì 2, Truy tìm ký ức, ParaNorman và giác quan thứ 6, The Bourne Legacy, Timothy và mảnh đời kỳ lạ... của Mỹ vẫn sống khỏe tại các rạp khu vực phía Nam.

 Cảnh phim Nàng men chàng bóng.   Ảnh: ĐLP

Đáng chú ý là các phim của Hollywood Biệt đội đánh thuê 2, Những kẻ man rợ và Đi tìm Nemo - phim hoạt hình phiên bản 3D rất được yêu thích tại Việt Nam từ cách đây hơn 10 năm trước. Còn Resident Evil: Retribution - phim kinh dị và The Watch - phim hành động thường rất kén khán giả. Hiện tại, Biệt đội đánh thuê 2 gặt hái khá bộn tiền tại thị trường Bắc Mỹ với doanh thu phòng vé sau 2 tuần công chiếu lên tới 52,3 triệu USD, đứng đầu bảng doanh thu phòng vé trong 1 tuần. Tuy nhiên, thời thế bây giờ đã đổi khác khi doanh thu quốc tế lại có thể giúp một bộ phim “chuyển thắng thành bại” chứ không phải như trước kia, độ thành công của phim chỉ cần xem bảng doanh thu tại thị trường Mỹ là đủ.

Poseidon (tạm dịch: Hải Vương thần) - bộ phim truyền hình xoay quanh cuộc sống của những người cảnh sát biển của Hàn Quốc có sự hợp tác của đạo diễn Yoo Chul Young (từng nổi tiếng với All In (tạm dịch: Trong tất cả). Theo dự tính ban đầu, Poseidon quy tụ dàn diễn viên cực hot: Eric, Yun Ho, Kim Ok Bin, Kim Kang Woo… Nhưng sau đó, do nhiều lần bị trì hoãn về lịch khởi quay nên những diễn viên chính đều lần lượt khoác áo ra đi. Tưởng chừng như bộ phim đã bị cho rơi vào quên lãng thì đùng một cái, đài KBS lại công bố một danh sách diễn viên mới cũng hot không hề kém cạnh như: Choi Si Won, Lee Si Young, Lee Seung Jae, Gil Yong Woo. Nhờ vậy nên dự án này mới được khởi động trở lại và hiện đang gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng để sớm trình làng khán giả Việt trong thời gian sớm nhất (có thể trong tháng 9 này).

Ngoài ra còn có 13 phim khác đã tung trailer và poster quảng cáo rầm rộ là: Friends With Benefits (tạm dịch: Làm bạn với lợi ích), Monte Carlo (tạm dịch: Tiểu thư lọ lem), Shark Night (tạm dịch: Đêm cá mập), Spy Kids 4: All The Time In The World (tạm dịch: Điệp viên siêu nhí mọi thời đại), Johnny English Reborn (tạm dịch: Điệp viên không thể không thấy), Đại Võ Sinh, Pain, Zookeeper (tạm dịch: Người canh sở thú), Tuyết Hoa Bí Phiến, Colombiana, The Change-Up (tạm dịch: Hoán đổi), Truyền thuyết Bạch Xà, The Lion King (Vua sư tử).

Không biết như vậy đã đủ để chúng ta có thể thấy được sự thật hiện nay là phim Việt dường như đã tự nhường hết thị phần cho phim ngoại ở các rạp. Ngoài một số phim đã từng gây được ấn tượng trong lòng người hâm mộ tại các rạp trước đây hiện đang phải “đóng thế” trên màn ảnh nhỏ trong chương trình phim cuối tuần vào các tối chủ nhật nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Có người đặt câu hỏi là số lượng phim cuối tuần không phải là vô hạn, khi hết, người hâm mộ không biết sẽ xem gì nếu không muốn xem phim nước ngoài? 

Quang Lê


Ý kiến của bạn