Hà Nội

Phim Việt lội ngược dòng với yếu tố truyền thống

03-11-2018 09:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Điện ảnh Việt gần đây xuất hiện không ít bộ phim hướng tới yếu tố truyền thống được khán giả quan tâm, yêu mến. Tuy còn một số hạn chế nhưng phải thừa nhận, dòng phim về truyền thống ở thời hiện tại là điểm sáng của điện ảnh Việt vì nhiều bộ phim ở nước ta bấy lâu nghiêng về đề tài xã hội đương đại đang đi vào lối mòn và nhàm chán.

Trong thời buổi văn hóa giải trí bùng nổ, phim Việt chịu nhiều tác động và thị phần khán giả bị cạnh tranh rõ rệt. Do đó, để tồn tại và có doanh thu, nhiều tác phẩm điện ảnh thường nghiêng về yếu tố giải trí, khai thác các đề tài xã hội hiện đại hoặc phải làm lại từ phim nước ngoài. Tuy nhiên, dòng phim giải trí làm lại từ nước ngoài có không ít tác phẩm thất bại, thậm chí nhiều phim bị đánh giá là “thảm họa”.

Chính vì thế, khi các bộ phim khai thác yếu tố truyền thống xuất hiện đem đến cảm giác mới lạ với người xem. Theo đạo diễn Mai Thế Hiệp, một bộ phim khai thác về văn hóa truyền thống sẽ thuyết phục và lôi cuốn nếu giúp khán giả tưởng nhớ, hoài niệm về những giá trị xưa cũ, ngoài yếu tố giải trí. Mỹ nhân Sài Thành - bộ phim truyền hình dài 50 tập của đạo diễn Lê Cung Bắc là một trong những số đó. Mỗi tập phim, thông qua số phận của ba người đẹp Thanh Trà, Bạch Trà và Hồng Trà, cùng những mối quan hệ xung quanh các cô, Mỹ nhân Sài Thành đã phản chiếu cuộc sống của Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước. Bộ phim đã lóe sáng những con người biết sống vì lý tưởng cao đẹp, vì quê hương đất nước.

Phim Việt lội ngược dòng với yếu tố truyền thốngSong Lang – phim Việt gần đây khai thác đề tài nghệ thuật cải lương truyền thống.

Trong khi đó, phim Song Lang (đạo diễn Leon Quang Lê) cuối tháng 10/2018 đã lọt 8 phim hay nhất Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 31 tại Nhật Bản. Song Lang là bộ phim vừa ra rạp ở nước ta, là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi khai thác chất liệu truyền thống khi lấy bối cảnh TP.HCM trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Chuyện phim bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa kép hát Linh Phụng và gã đòi nợ thuê xuất thân từ gia đình có truyền thống về cải lương Dũng Thiên Lôi. Khi ở cùng Linh Phụng, Dũng Thiên Lôi dần bị cảm hóa và tìm lại tình yêu nghệ thuật mà anh cố chôn giấu. Cả hai đã cùng trải qua một hành trình đặc biệt để trở thành tri kỷ của nhau. Song Lang tuy còn có một số hạn chế nhất định nhưng gây ấn tượng với khán giả bởi những khung hình đẹp, đặc biệt góp phần tái hiện thời kỳ vàng son của cải lương và truyền thông điệp tới khán giả cùng chung tay gìn giữ, phát triển nghệ thuật cải lương trong thời đại mới.

Ngoài ra, bộ phim Mẹ chồng (đạo diễn Lý Minh Thắng) cũng tạo được chú ý với khán giả khi ra rạp, dù một bộ phận người xem chưa thật sự ưng ý về mặt diễn xuất của một số diễn viên trong phim. Nhưng đổi lại, Mẹ chồng lại tái hiện câu chuyện về những trận chiến đầy kịch tính của những người phụ nữ trong gia đình ở mảnh đất miền Tây Nam Bộ những năm 50 thế kỷ XX. Mẹ chồng đúng như tên gọi đã khắc họa mối quan hệ chưa bao giờ hết “nóng” giữa mẹ chồng - nàng dâu. Tuy nhiên, ghi điểm nhiều nhất ở Mẹ chồng khi phim có phần âm nhạc với đa dạng từ thể loại (cải lương, thơ, vè) đến các nhạc cụ dân tộc. Cùng với đó là trang phục nhân vật trong phim, từ màu sắc đến chất liệu, kiểu dáng và họa tiết với điểm nhấn là chiếc áo bà ba, áo dài truyền thống góp phần thể hiện tính cách, nội tâm của mỗi nhân vật.

Cũng cần nhắc đến phim Cô Ba Sài Gòn của đạo diễn Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn. Đưa tà áo dài truyền thống của phụ nữ lên màn ảnh rộng, bằng một câu chuyện thú vị, trong đó có cả sự nổi loạn, nước mắt và niềm vui, phim Cô Ba Sài Gòn truyền đến khán giả thông điệp cần gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc là chiếc áo dài từ quá khứ đến hiện tại. Bộ phim còn được yêu thích khi truyền tải nhiều kiến thức thời trang cùng những gì tinh hoa nhất của chiếc áo dài như: cách làm ra một bộ áo dài đẹp ra sao, vai trò quan trọng của nó trong đời sống tinh thần người Việt, quá trình lưu giữ áo dài giữa làn sóng thời trang Âu hóa... Chính yếu tố truyền thống đã đưa Cô Ba Sài Gòn đến với giải thưởng danh giá Cánh diều vàng 2018 (phim điện ảnh) và gần đây, bộ phim này được Cục Điện ảnh chọn gửi dự sơ loại giải Oscar 2019 tại Mỹ hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”.

Thực tế trên cho thấy, phim Việt có yếu tố truyền thống ngày càng “phủ sóng” bên cạnh các tác phẩm theo trào lưu mới và “hot”. Điều này cho thấy, các nhà làm phim nói riêng, các nghệ sĩ nói chung đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành điện ảnh Việt từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đó là đưa điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc và tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Bên cạnh đó góp phần làm điện ảnh nước nhà phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, vừa phát triển nền văn hóa và nhân cách con người trong thời kỳ mới, vừa đưa điện ảnh Việt trở thành nền điện ảnh có bản sắc, uy tín ở châu Á và thế giới.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn