Thời gian gần đây, phim truyền hình lẫn phim chiếu rạp của nước ta đang cho thấy việc xuất ngoại thường xuyên hơn tới các quốc gia. Dù phim Việt xuất ngoại chưa liên tục, đều đặn song mở ra cơ hội hợp tác, quảng bá nền văn hóa, điện ảnh nước nhà với bạn bè quốc tế, đồng thời cho thấy phim “made in Việt Nam” đang ngày một có tính phổ quát.
Từ phim truyền hình
Dễ dàng nhận thấy, ở nước ta hiện nay, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và địa phương đều mua phim truyền hình nước ngoài để trình chiếu phục vụ khán giả. Nhiều bộ phim đến từ các nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đã giúp người xem hiểu thêm về văn hóa, đất nước, con người… ở quốc gia đó. Và yếu tố này trở thành chiếc cầu nối giúp con người - các quốc gia đến gần nhau hơn.
Trước thực tế phim truyền hình ngoại vẫn phủ sóng khá dày ở nước ta, không ít khán giả lo ngại phim Việt sẽ thất thế ngay trong nước, dù trung bình mỗi năm có hàng ngàn tập phim được sản xuất và phát sóng trên Đài Truyền hình. Tuy nhiên, lo ngại đó chỉ đúng một phần nào bởi một khi chúng ta có những bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng, chú trọng từ trang phục đến hình ảnh, âm thanh, thậm chí dàn diễn viên được lựa chọn cẩn thận… thì phim Việt đã có cơ hội xuất ngoại.
Âm mưu giày gót nhọn – phim Việt từng đến với nhiều rạp chiếu tại Mỹ.
Điển hình như bộ phim Người cộng sự với sự hợp tác giữa VTV và Đài Truyền hình TBS của Nhật Bản, phim nói về sự giúp đỡ của BS. Asaba Sakitaro với nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu của Việt Nam đã vượt qua nhiều trở ngại về khoảng cách thời gian, không gian để mang lại thành quả ban đầu cho phim nước nhà, đánh dấu sự hợp tác thành công giữa hai nước. Phim được chiếu cả ở Việt Nam và Nhật Bản khi hoàn thành.
Bên cạnh Người cộng sự, VTV cũng từng hợp tác với kênh CJ E&M (Hàn Quốc) sản xuất bộ phim truyền hình mang tựa đề Tuổi thanh xuân. Bộ phim liên kết giữa VTV với đơn vị sản xuất phim của Hàn Quốc đã lên sóng của VTV, sau đó được trình chiếu rộng rãi ở xứ sở kim chi kênh StoryOn với phụ đề tiếng Hàn. Thậm chí, Tuổi thanh xuân còn được phát sóng trên kênh Channel M - kênh truyền hình trả tiền hiện đang phủ sóng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Myanmar, Australia, Hồng Kông, Australia và Đài Loan. Giới trong nghề ghi nhận, Tuổi thanh xuân là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam được giới thiệu rộng rãi đến bạn bè quốc tế và đó cũng là cơ hội tốt để khán giả truyền hình thế giới có thêm những hiểu biết về Việt Nam thông qua những câu chuyện về cuộc sống giới trẻ, gia đình và cả qua những hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam được lồng ghép khá nhiều trong phim.
Gần đây, đại diện hãng phim Lasta (Việt Nam) cho biết, từ tháng 6/2016, một loạt phim Việt do hãng phim Lasta sản xuất sẽ được phát sóng trong khung giờ vàng trên MW của Myanmar. Ông Trần Minh Tiến - Tổng Giám đốc hãng phim Lasta chia sẻ, bộ phim mở đầu để phát sóng tại Myanmar là Nghiêng nghiêng dòng nước (đạo diễn Nam Quan), tiếp đến là Trả giá (Đinh Đức Liêm) và Sương khói đồng hoang (Nguyễn Dương). Để phục vụ khán giả quốc gia sở tại, các phim của Lasta đều được lồng tiếng Myamar hoặc tiếng Anh. Trong những bước tiến nhằm đưa phim truyền hình Việt vươn xa hơn nữa, đại diện Công ty Lasta cho biết thêm, những bộ phim chiếu tại Myanmar xong sẽ được chiếu tiếp ở Campuchia, Thái Lan và Lào.
Đến phim thương mại
Dòng phim truyền hình vẫn đang có dấu hiện xuất ngoại đáng mừng kể trên, bên cạnh đó, phim thương mại (chiếu rạp) của nước ta cũng đang ngày càng tiếp cận với thị trường thế giới. Bộ phim Cha và con và... của đạo diễn Phan Đăng Di mới đây đã được hãng Memento Films mua để công chiếu thương mại tại thị trường Pháp trong tháng 4. Cha và con và... cũng chính là phim Việt đầu tiên chiếu thương mại tại thị trường khó tính như ở Pháp.
Trước Cha và con và... của Phan Đăng Di, bộ phim Chung cư ma (đạo diễn Bá Vũ) cũng từng chiếu thương mại tại các rạp tại Campuchia, Malaysia, Indonesia và Singapore. Theo đạo diễn Bá Vũ, khi Chung cư ma chiếu tại các cụm rạp ở Thủ đô Phnom Pênh, phim được lồng tiếng của Campuchia và đều chật kín khán giả. Ngược dòng thời gian, phim Cánh đồng bất tận cũng từng được đem chiếu rạp tại Đài Loan hay các bộ phim hành động có tiếng trong nước như Dòng máu anh hùng, Lửa phật, Bẫy rồng cũng đã đến được một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ…, tuy khán giả chưa nhiều như mong muốn nhưng cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho các nhà làm phim Việt.
Đáng chú ý, vào cuối tháng 3/2015, bộ phim Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn Trần Hàm) chính thức được trình chiếu tại 8 rạp chiếu thuộc 6 khu vực khác nhau trên khắp nước Mỹ gồm: Orange County, San Jose, Houston, Dallas, San Diego và Seattle. Đây là phim Việt mới nhất tìm được cơ hội đến với những vùng có đông người Việt sinh sống, kể từ sau Mỹ nhân kế vào năm 2013. Theo một số nhà sản xuất dòng phim thương mại trong nước, việc phim Việt đến với quốc tế thời gian qua là tín hiệu đáng mừng, nhưng chưa thật sự hiệu quả. Phim Việt muốn tồn tại ở các thị trường lớn như Bắc Mỹ thì trước tiên phải có chỗ đứng tại các khu vực gần gũi như Đông Nam Á hoặc châu Á. Ngoài ra, các nhà sản xuất cần chọn các bộ phim có tính giải trí cao, ẩn chứa thông điệp về cuộc sống mà người dân ở các quốc gia khác vẫn có thể hiểu được.