Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều bộ phim đã xuất sắc “vượt biên”, tranh giải tại các giải thưởng lớn trên thế giới đã bước đầu gây được nhiều ấn tượng tốt. Không chỉ vượt qua chính mình, phim Việt còn đang khiến những người bạn nghề trong khu vực phải dè chừng.
Những sản phẩm đáng tự hào
Bắt đầu từ năm 1920 với những bộ phim tài liệu câm và đến tận năm 1937 thì phim có âm thanh mới được trình chiếu. Nhiều năm sau đó, điện ảnh Việt mới thực sự được biết đến bởi những khán giả nước ngoài. Có thể nói, điện ảnh Việt luôn đi sau những nền điện ảnh trong khu vực do điều kiện khó khăn, nhưng chúng ta luôn biết cách vượt khó. Giai đoạn đầu thập kỷ 90, những nhà làm phim Việt đã rất hãnh diện với những thành quả họ gặt hái được trên đất khách. Có lẽ khán giả vẫn nhớ Mùi đu đủ xanh (The Scent of green Papaya) - bộ phim nói tiếng Việt nổi tiếng của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Đây là một trong số ít các bộ phim thực sự nổi bật của Việt Nam. Bộ phim đã xuất sắc lọt vào bảng đề cử top 5 phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar và giải Máy quay vàng tại Cannes 1993. Mùi đu đủ xanh kể về cuộc đời nhân vật Mùi, từ khi còn là một cô bé mười tuổi (Man San Lu) đến khi trưởng thành (Trần Nữ Yên Khê).
Dù Việt Nam có một nền điện ảnh phát triển chậm hơn các nước khác, nhưng đất nước giàu truyền thống văn hóa vẫn có những đạo diễn tài năng được biết đến qua các tác phẩm nổi tiếng.
Bộ phim là nỗ lực của đạo diễn Trần Anh Hùng tái hiện lại một phần tuổi thơ đã mất (anh di cư qua Pháp lúc còn nhỏ), nhằm khắc họa con người và không gian văn hóa Việt Nam. Bộ phim trong trẻo, mộc mạc, nhịp phim chậm với những cú máy dài, diễn viên đi đứng, ăn nói từ tốn, khoan thai lịch sự, hòa quyện với những hình ảnh đẹp như một bài thơ. Sau hào quang của Mùi đu đủ xanh, đạo diễn Trần Anh Hùng tiếp tục ghi dấu ấn với Xích lô. Chuyện phim Xích lô kể về một gã đạp xích lô trên răng dưới khố ở Sài Gòn. Là người thuộc tầng lớp dân đen dưới đáy xã hội, một ngày xích lô mất phương tiện kiếm sống nên đi đầu quân cho băng xã hội đen do một bà trùm cầm đầu. Mặc dù bộ phim có những phân đoạn miêu tả bạo lực một cách trần trụi nhưng Trần Anh Hùng đã khai thác thành công mảng đề tài những số phận thời kỳ hậu chiến. Với những góc máy rất chân thực, Xích lô đã được lựa chọn là phim mở đầu cho tại LHP Venice đã khiến khán giả thực sự sửng sốt với một góc nhìn mới mẻ về hiện thực Sài Gòn thập niên 1990.
Có lẽ không thể liệt kê hết những phim Việt từng gây sửng sốt tại đấu trường quốc tế. Và ngay lúc này, điện ảnh Việt cũng đã hoàn thiện ước mơ phủ sóng toàn cầu với bộ phim mang tên Người vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair). Phim sẽ ra mắt khán giả toàn cầu tại LHP Toronto 2018 diễn ra từ ngày 6 đến 16/9 này tại thành phố Toronto (Canada). Là dự án từng giành giải thưởng lớn năm 2016 cho Dự án Nghệ thuật tốt nhất của chương trình Gặp gỡ Mùa thu - một chương trình đào tạo điện ảnh trẻ của Việt Nam.
Người vợ ba (The third wife) được công chiếu trong hạng mục Khám phá (Discovery) dành cho các tài năng mới. Phim lấy bối cảnh Việt Nam thế kỷ 19, cô gái nhỏ 14 tuổi tên là Mây được gả làm vợ ba cho một tay địa chủ. Cô không hề biết rằng những khát vọng thầm ẩn giấu sâu bên trong tâm hồn mình sẽ có ngày buộc cô phải lựa chọn giữa một cuộc sống an phận và sự tự do. Phim từng được lựa chọn để hỗ trợ vốn sản xuất ở Diễn đàn Nghệ thuật Hồng Kông năm 2016. Sau khi ra mắt tại Toronto, phim sẽ ra mắt toàn châu Âu khi tham gia tranh giải chính thức tại LHP quốc tế Saint Sebastien (Tây Ban Nha) vào cuối tháng 9.
Điện ảnh Việt không thiếu tài năng
Dù Việt Nam có một nền điện ảnh phát triển chậm hơn các nước khác, nhưng đất nước giàu truyền thống văn hóa vẫn có những đạo diễn tài năng được biết đến qua các tác phẩm nổi tiếng. Ở vài thập kỷ trước, điện ảnh Việt không thể thiếu vắng những cái tên như Tony Bùi hay Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Tony Bùi sinh ra ở Việt Nam vào năm 1973, gia đình ông chuyển ra nước ngoài vào năm 1975 khi miền Nam giải phóng. Sống tại California nhưng đạo diễn thường xuyên về Việt Nam để thực hiện nhiều bộ phim ngắn, trong đó có Yellow Lotus (1995) thắng giải tại các liên hoan phim ngắn quốc tế. Bộ phim Ba mùa (1999) của Tony Bùi là phim Mỹ đầu tiên được quay hoàn toàn tại Việt Nam, thắng hai giải thưởng quan trọng là Audience Award và Grand Jury Prize tại Liên hoan phim Sundance. Bộ phim thể hiện quan điểm của người đạo diễn về những thay đổi đang diễn ra tại đất nước quê hương mình và xu hướng Tây hóa của một bộ phân người Việt.
Trong giai đoạn ấy, một cái tên khác cũng rất nổi tiếng trong làng phim Việt, đó là Nguyễn Võ Minh Nghiêm. Không như nhiều đạo diễn khác, Nguyễn Võ Nghiêm Minh từ chối tập trung vào những cuộc chiến trong phim của mình. Từ khi còn là một đứa trẻ, ông xem điện ảnh như một cuộc trốn chạy những mất mát của chiến tranh. Sinh năm 1956, ông dành nhiều năm học vật lý tại University of California trước khi học về phim ảnh. Chịu sự ảnh hưởng từ truyền thống samurai của Nhật Bản, Mỹ và nhiều bộ phim Ấn Độ, ông có xu hướng luôn dùng những hình ảnh đẹp để khắc họa những khía cạnh dữ dội của đời sống. Và Mùa len trâu (2004) ra đời như thế.
Tiếp nối thế hệ trước, gần đây, điện ảnh Việt liên tục chào đón những đạo diễn tài năng cùng loạt tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm trên đấu trường quốc tế, điển hình là Bi, Đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di. Tác phẩm này thành công vang dội ở liên hoan phim quốc tế: LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển, hai giải), LHP Quốc tế Cannes (Pháp), Giải Special Mention của LHP Quốc tế Vancouver và giải phim hay nhất tại LHP châu Á - Hồng Kông, Phim hay nhất dành cho các đạo diễn có phim đầu tay lại LHP châu Á 2010. Tương tự, bộ phim Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã giành giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice 2014, giải Đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP 3 Lục địa (Festival des 3 Continents) lần thứ 36 Pháp, LHP Quốc tế Fribourg tại Thụy Sĩ, LHP quốc tế Bratislava.
Bật cao và bay xa
Tháng 5/2017, một cột mốc vô cùng quan trọng trong tiến trình hội nhập với điện ảnh quốc tế là việc Việt Nam xuất hiện chính thức và bài bản tại LHP quốc tế Cannes lần thứ 70. Lần đầu tiên, văn hóa Việt cũng như một phần diện mạo của điện ảnh Việt được giới thiệu tại một trong những LHP có quy mô và uy tín hàng đầu thế giới. Tại đây, đoàn Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá cũng như thúc đẩy nền điện ảnh Việt như mở gian hàng tại Hội chợ phim, triển lãm “Việt Nam, điểm đến mới cho các bộ phim bom tấn”, giới thiệu các phim Việt đặc sắc, ký nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng với các nền điện ảnh khác. Tại LHP Việt Nam lần thứ 20 diễn ra tại TP. Đà Nẵng vào tháng 11/2017, lần đầu có Giải thưởng Phim ASEAN do Việt Nam sáng lập và đăng cai với chủ đề “Điện ảnh kết nối cộng đồng ASEAN”, được cộng đồng quốc tế ấn tượng và đánh giá cao về ý tưởng cũng như việc tổ chức trang trọng, chất lượng.
Các nhà làm phim cũng sẽ đón nhận nhiều tin vui trong những ngày tới đây, khi mà Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ V sẽ được tổ chức từ ngày 27-31/10/2018, tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề Điện ảnh - Hội nhập và Phát triển bền vững. Có bước đệm và chạy đà tốt, hy vọng trong tương lai gần, điện ảnh Việt sẽ bay xa.