Thiếu số lượng lẫn chất lượng
Thực tế, trên sóng truyền hình hoặc ngoài rạp chiếu từng có một số bộ phim dành cho các em nhỏ nhưng đã ra đời cách đây khá lâu. Hơn một thập kỷ trước, các em nhỏ từng được xem bộ phim Kính vạn hoa được chuyển thể từ bộ truyện nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trên sóng truyền hình. Bộ phim được cả khán giả nhỏ tuổi và cả các bậc phụ huynh yêu thích bởi những câu chuyện buồn vui của tuổi học trò, sự nghịch ngợm, quậy phá nhưng chất chứa những giá trị của tình bạn, tình yêu thương rất đỗi ngọt ngào. Mỗi tập phim là một câu chuyện khác nhau với những trò chơi thú vị, tràn ngập tiếng cười nhưng cũng là những bài học cuộc sống sâu sắc và ý nghĩa. Bên cạnh đó, các em nhỏ cũng từng được xem bộ phim truyền hình Đội đặc nhiệm nhà C21 (đạo diễn Vũ Hồng Sơn), phim đưa khán giả theo chân những chuyến phiêu lưu của nhóm bạn ở khu tập thể nhà C21, hài hước, thông minh nhưng vẫn ngây ngô, khờ dại đúng với tuổi nhỏ. Khán giả nhí được cười thả ga với những tình huống dở khóc dở cười của nhóm bạn nhỏ tên Minh, Tùng, Quang, Sáng, Sơn, Tuyết, Hạnh, Sinh.
Ngoài ra cũng cần kể tới Đồng hồ cát - phim dài 120 tập do đạo diễn Xuân Phước thực hiện, từng lên sóng truyền hình cách đây... 11 năm được các em nhỏ đón nhận. Phim có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng Thanh Thủy, Minh Nhí, Như Phúc, Công Ninh... cung cấp cho các em những kiến thức về phong tục tập quán của người Việt, đồng thời tuyên truyền, giáo dục đạo đức cho các em bằng những tình huống bi hài khác nhau.
Anh em siêu quậy - phim điện ảnh Việt duy nhất cho thiếu nhi ra rạp trong năm qua.
Những năm gần đây, phim cho khán giả nhí trên sóng truyền hình cũng như ngoài rạp rất khan hiếm hoặc sản xuất mới cũng rất nhỏ giọt. 3 năm trước, rạp chiếu ở nước ta phát hành bộ phim Bảo mẫu siêu quậy (đạo diễn Lê Bảo Trung) về đề tài gia đình và trẻ em. Bộ phim phản ánh cuộc sống hiện đại, khi bố mẹ vì mải mê công việc nên không còn thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Bên cạnh đó, phim còn đề cập đến nhiều vấn nạn xã hội nổi cộm như bắt cóc trẻ, bạo hành xảy ra ở các cơ sở giữ trẻ tư nhân... được diễn tả dưới góc nhìn hài hước, nhẹ nhàng. Dù Bảo mẫu siêu quậy chưa thật sự tạo ra cơn “sốt” phòng vé, nhưng ngay sau đó đạo diễn Lê Bảo Trung tiếp tục mạnh dạn thực hiện Bảo mẫu siêu quậy 2 và ra mắt năm 2016. Tiếp đến, năm 2017, Lê Bảo Trung tung ra bộ phim thứ ba dành cho trẻ em có tên gọi Anh em siêu quậy với câu chuyện kể về hai anh em Ku Tin và Ku Ton không muốn cha mẹ san sẻ tình thương cho bé khác. Tuy nhiên, các bộ phim của Lê Bảo Trung dành cho các em nhỏ đều được đánh giá nặng hài hước, thiếu logic nên chưa thật sự ấn tượng và các khán giả nhí, vì thế mau quên.
Vì sao gặp khó?
Có thể nói, phim Việt dành cho thiếu nhi Việt vẫn còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được về cả mặt số lượng cũng như chất lượng. Theo thống kê của các rạp chiếu lớn ở nước ta, năm 2016, Việt Nam có khoảng 40 bộ phim điện ảnh, nhưng chỉ có 1 phim cho thiếu nhi. Đến năm 2017, phim điện ảnh gần 60 tác phẩm nhưng chỉ có duy nhất bộ phim Anh em siêu quậy kể trên hướng tới đối tượng trẻ nhỏ.
Đề cập đến việc làm phim cho các em nhỏ, đa số nhà làm phim Việt đều cho rằng làm phim thiếu nhi rất khó. Trước hết là khâu kịch bản. Kịch bản phim thiếu nhi vốn đã hiếm, muốn hay lại càng khó khăn. Viết kịch bản phim cho trẻ em không đơn giản như các đối tượng khán giả khác vì viết kịch bản phim thiếu nhi đòi hỏi tác giả phải hiểu tâm lý và tìm được tiếng nói chung với trẻ, đề tài phải gần gũi, ngôn ngữ phải được chắt lọc, trong sáng. Trong khi đó, kịch bản phim cho thiếu nhi do người lớn viết thường bị cường điệu, nhân vật trong phim “già trước tuổi” và vì thế không phù hợp tâm lý, sự tiếp nhận của khán giả nhí. Tại Việt Nam, nhắc tới phim thiếu nhi người ta lại nghĩ ngay đến câu chuyện trường lớp, bài học giáo dục nặng tính giáo điều.
Một số nghệ sĩ thừa nhận, ngoài khó khăn về kịch bản thì làm phim thiếu nhi tốn kém chi phí nhưng còn kén người xem, khó kêu gọi quảng cáo nên nhà sản xuất không dám mạo hiểm vì sợ thua lỗ. Ngoài ra, diễn viên nhí để tham gia các bộ phim cũng là vấn đề đau đầu. Việc tuyển diễn viên nhí của các nhà làm phim Việt thời gian qua thường mang tính tự phát, nhờ người quen giới thiệu hoặc tận dụng những gương mặt đã quá quen thuộc với người xem là chính chứ chưa có trường lớp đào tạo bài bản. Chưa kể, khi tìm được diễn viên nhí thì đạo diễn phải hướng dẫn các em diễn xuất như thế nào để nhập tâm hoặc đảm bảo thời gian học ở trường, thời gian giải trí và ở bên gia đình của diễn viên nhí.