Phim Việt chiếu rạp: Những gam màu sáng tối

04-01-2021 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, phim chiếu rạp Việt năm 2020 gặp khó trong phát hành để giữ chân khán giả. Số lượng và doanh thu đều sụt giảm nhưng rạp chiếu 2020 cũng có những tác phẩm ăn khách, nội dung hấp dẫn dù còn đó một số phim có chất lượng nghệ thuật chưa cao.

Gam màu buồn

2020 là năm để lại nhiều lo âu đối với các nhà làm phim điện ảnh nước ta. Năm nay, số lượng phim Việt ra rạp giảm mạnh, chỉ khoảng 25 phim so với 45 phim đã công chiếu vào năm 2019. Trong đó, hơn nửa là phim có chất lượng “thường thường bậc trung” hoặc doanh thu thấp kỷ lục, thậm chí một số tác phẩm bị đánh giá là... thảm họa.

Theo thống kê từ trang Box Office Vietnam (trang thống kê doanh thu phim độc lập uy tín của Việt Nam), phim Tôi là não cá vàng (đạo diễn Lê Hướng Nam) ra rạp có doanh thu 1,6 tỷ đồng và là “phim thảm họa” của điện ảnh Việt 2020 bởi nội dung nhạt nhẽo, nhiều tình tiết phi lý. 2 tác phẩm Bằng chứng vô hình Đỉnh mù sương thể loại hình sự pha chút kinh dị, được quảng bá rầm rộ nhưng vẫn thất bại về mặt doanh thu. Sau đợt công chiếu, Bằng chứng vô hình thu về 7,5 tỷ đồng còn Đỉnh mù sương chỉ thu được gần 900 triệu đồng.

Trong năm 2020,  khán giả cũng chứng kiến không ít tác phẩm “dở tệ” như Sắc đẹp dối trá (đạo diễn Kay Nguyễn), mắc điểm yếu cố hữu là kịch bản lỏng lẻo, không trọng tâm, ôm đồm quá nhiều chủ đề (chuyển giới, thi hoa hậu, truy sát). Khán giả xem phim như bị lạc vào một mớ hỗn độn về câu chuyện và cách truyền tải nội dung, ý nghĩa. Bí mật đảo Linh Xà của cặp đôi đạo diễn Diệp Thiên Hành và Nguyễn Duy khiến người xem lắc đầu ngao ngán bởi phần kỹ xảo quá tệ, kỹ thuật lồng tiếng cẩu thả, nội dung kém hấp dẫn, chủ yếu tập trung vào màn khoe thân.Trong khi đó, Tiền nhiều để làm gì? (đạo diễn Lưu Huỳnh) là sự tổng hợp của một chuỗi tiểu phẩm hài ồn ào, kém duyên được chắp vá vụng về cho đủ thời lượng chiếu rạp.

Những tác phẩm trên  không hút người xem một phần do khán giả còn e ngại khi đến rạp xem phim vì dịch COVID-19. Nhưng quan trọng hơn là các phim kể trên đều bị đánh giá chất lượng không tốt, thiếu logic và làm hời hợt. Theo nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh, phim ra rạp mà doanh thu vẫn rất thấp không phải lỗi của dịch COVID-19 hoặc khán giả. Những tác phẩm trên cho thấy sự khiên cưỡng, chắp vá và vụng về trong xử lý kịch bản, chưa kể lối diễn của nhiều diễn viên bị ăn theo một lối mòn quen thuộc...

Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử ra rạp cuối 2020 gây sốt với khán giả.

Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử ra rạp cuối 2020 gây sốt với khán giả.

Những điểm sáng

Mặc dù phần lớn thời gian dài rơi vào cảnh ảm đạm nhưng năm 2020 vẫn xuất hiện nhiều phim chiếu rạp có nội dung tốt, doanh thu cao. Bộ phim Gái già lắm chiêu 3 của đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân cán mốc hơn 100 tỷ đồng, được nhiều khán giả yêu thích. Phim xoay quanh cuộc sống tại chốn hào môn của nữ hoàng thị phi Ms Q (Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai) với hành trình “chiến đấu” cùng mẹ chồng tương lai giàu có là Thái Tuyết Mai (NSND Lê Khanh) để giành lấy tình yêu lớn của cuộc đời mình. Phim chủ đề mẹ chồng - nàng dâu vốn không phải mới lạ, nhưng cách tiếp cận của Gái già lắm chiêu 3 có phần khác biệt khi lồng ghép những tranh giành của những phụ nữ giàu có, thượng lưu chốn hào môn xứ Huế. Sự xen lẫn lối sống hiện đại và văn hóa cung đình xưa cùng tồn tại song song khiến bộ phim trở thành một “món ăn” mới lạ cho người xem. Phim này mang đậm chất giải trí, được đầu tư lớn về hình ảnh và phục trang.

Đặc biệt phải kể đến sự bùng nổ của Tiệc trăng máu (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh). Bộ phim ra rạp vào cuối tháng 10/2020, chỉ sau một thời gian ngắn đã có doanh thu hơn 167 tỷ đồng với 2 lượt triệu khán giả đón xem, trở thành phim Việt ăn khách nhất năm 2020. Tiệc trăng máu làm lại từ tác phẩm của nước ngoài nhưng đã được các nghệ sĩ nước ta biến hóa thông minh. Khả năng dàn cảnh theo nhóm trong một bối cảnh chiếm tới 80% thời lượng phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được thể hiện khá tinh tế, giúp cho dàn diễn viên thực lực phát huy hết thế mạnh diễn xuất của họ, trong đó có những điểm sáng về khả năng phối hợp, tung hứng hay biến hóa như Thái Hòa, Thu Trang, Đức Thịnh hay Kaity Nguyễn.

Kết phim Tiệc trăng máu được xử lý thông minh, giúp cho bộ phim phá vỡ những ước lệ mang tính sân khấu trước đó để tiếp cận với một thứ ngôn ngữ điện ảnh giễu nhại mang màu sắc hậu hiện đại. Đằng sau những tiếng cười châm biếm là sự ngầm đả kích những thói hư tật xấu của con người bị lột trần trong trò chơi xoay quanh chiếc điện thoại, hay xa hơn nữa là những vấn đề xã hội hiện đại gây nên những mối đứt gãy trong quan hệ gia đình, bạn bè. Như chuyện những người bạn ngoài đời có thể vẫn cười nói giả lả, nhưng chặn nhau trên mạng xã hội, hay thái độ của mọi người trước vấn đề giới tính...

Một trong những điểm sáng nữa của phim chiếu rạp Việt năm qua, đó là thành công của phim nghệ thuật Ròm (đạo diễn Trần Thanh Huy). Là thể loại kén khán giả, tuy nhiên Ròm trở thành phim nghệ thuật ở nước ta chiếu rạp đạt doanh thu hơn 60 tỷ đồng. Ròm đã khuấy động thị trường rạp Việt vốn ảm đạm sau đợt bùng dịch COVID-19 lần thứ 2. Phim khai thác chủ đề về nạn đánh đề, vay nặng lãi của người lao động nghèo ở đô thị; cuộc sống của những đứa trẻ đường phố trong thế giới “cò đề”. Một lượng khán giả lớn vượt qua tâm lý e ngại dịch bệnh để đến rạp thưởng thức bộ phim với chủ đề xã hội, vốn được đánh giá khó xem, không thuộc dạng thương mại, giải trí thông thường. Phim đã được phủ sóng ở khắp các cụm rạp cả nước với suất chiếu dày, khung giờ vàng, được đẩy mạnh quảng bá, tạo được hiệu ứng truyền thông. Ca sĩ Hồng Nhung đánh giá Ròm là một bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ từ cách quay phim, màu sắc, âm nhạc. “Bộ phim là một cuộc cách mạng về ngôn ngữ điện ảnh và không phải vô cớ mà Ròm đã đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Busan” - ca sĩ Hồng Nhung chia sẻ. Còn đạo diễn Charlie Nguyễn tin tưởng, Ròm sẽ là động lực để những người trẻ không còn cảm thấy rụt rè hay chùn bước khi thực hiện tâm huyết của mình.

Cuối 2020, phim chiếu rạp Việt sôi động hơn với bộ phim Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử của vợ chồng nghệ sĩ Thu Trang - Tiến Luật, tác phẩm chiếu “vắt” từ năm nay sang gần Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trên trang web thống kê doanh thu phim Boxoffice gần đây, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử đang đứng vị trí nhất bảng trong danh sách doanh thu theo ngày và tổng doanh thu, vượt qua bom tấn hành động Wonder Woman - Nữ thần chiến binh của Hollywood. Chỉ sau 2 ngày ra mắt, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử đã thu về hơn 17 tỷ đồng, hứa hẹn hết đợt công chiếu sẽ xô đổ kỷ lục của Tiệc trăng máu trước đó. Tiếp tục khai thác đề tài giang hồ nhưng chứa đựng nội dung hấp dẫn và gai góc hơn phần 1 nhờ cốt truyện chặt chẽ, nhiều bất ngờ với những pha rượt đuổi, đánh đấm chân thật, được đầu tư hoành tráng, nhân vật chính Chị Mười Ba trải qua hành trình khó khăn và thử thách để vượt qua 3 ngày sinh tử, bảo vệ những người thân yêu.

Cùng thời điểm ra mắt với Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử Người cần quên phải nhớ của đạo diễn Đức Thịnh, nhà sản xuất Charlie Nguyễn thuộc thể loại tình cảm, hài, trinh thám, hành động. Phim kể về chuyện tình trớ trêu nhưng lãng mạn giữa cô phóng viên Loan (Hoàng Yến Chibi đóng) và chàng giang hồ tập sự Bình (Trần Ngọc Vàng), gắn liền với vụ án bí ẩn tại một bệnh viện tâm thần. Bộ phim này được chú ý vì khai thác một ý tưởng lạ so với thị trường phim Việt Nam. Trong Người cần quên phải nhớ, tiếng cười trải dài trong 90 phút phim nhưng không bị lạm dụng, mà được tung ra đúng lúc, đúng chỗ, duyên dáng, đạt hiệu quả trong việc đưa đẩy câu chuyện phim thành cao trào.

Tiệc trăng máu là phim Việt chiếu rạp ăn khách nhất năm qua với 2 lượt triệu khán giả đón xem.

Tiệc trăng máu là phim Việt chiếu rạp ăn khách nhất năm qua với 2 lượt triệu khán giả đón xem.

Vĩ thanh

Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 lên đời sống điện ảnh là không thể phủ nhận, đây cũng chính là thời điểm để các đoàn làm phim có thời gian trau chuốt kịch bản, hậu kỳ, nâng cao chất lượng cho tác phẩm, phải thật sự nghiêm túc, đam mê thì mới khẳng định được vị trí của mình trong ngành điện ảnh. Thực tế phản ánh, dịch bệnh COVID-19 khiến các dự án làm phim gián đoạn, doanh thu giảm mạnh nhưng không thể phủ nhận chất lượng phim Việt chưa cao. Để thích nghi với tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số đơn vị đã lên kế hoạch chuyển sang sản xuất phim chiếu online. Đây là hướng đi chung của cả nền điện ảnh thế giới.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn