Làm phim truyền hình về nông thôn khó trăm bề
Giới làm nghề cho rằng, nông thôn là mảnh đất màu mỡ đối với nghệ thuật thứ bảy, nhất là mảng phim truyền hình. Chất liệu nông thôn ở ta có nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn và bối cảnh để làm phim, nhất là nước ta trước đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các tác phẩm văn học về đề tài nông thôn ở Việt Nam không ít, đây chính là "kho tàng" để các biên kịch khai thác, chuyển thể đưa lên màn ảnh nhỏ.
Mặc dù vậy, đề tài nông thôn cũng đem đến cho các nhà làm phim những khó khăn. Nhà biên kịch Châu Thổ cho biết, trở ngại lớn nhất của phim về nông thôn chính là kịch bản. Thường thì kịch bản về đề tài này vừa phải giữ được đặc trưng của làng quê vừa phải cập nhật xu hướng hiện đại cùng cách xây dựng câu chuyện sao cho gần gũi với cuộc sống nông thôn mới ngày nay. Song lâu nay, số đông nhà biên kịch đã quen với việc viết kịch bản mang tính giải trí thiên về chuyện tình yêu, gia đình, vừa dễ viết và viết nhanh.
Khó khăn nữa mà các nhà làm phim phải đối mặt khi làm phim về nông thôn chính là xây dựng bối cảnh. Nhắc đến nông thôn khán giả nhớ đến ngay hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Nhưng thời gian trôi qua, đời sống xã hội ngày một phát triển, nhiều làng quê đã "phố hóa" và "bê tông hóa". Vì vậy, theo biên kịch Châu Thổ, dựng lại bối cảnh xưa rất tốn kém, nếu sử dụng kỹ xảo thì khó đạt được sự sinh động và chân thật. Điều này khiến các đạo diễn bị hạn chế sức sáng tạo, thêm nhiều kinh phí và mất nhiều thời gian để tìm bối cảnh phù hợp.
"Làm phim về đề tài nông thôn khó khăn nhất chính là điều kiện sản xuất. Chúng tôi phải chọn bối cảnh rất nhiều nơi khác nhau để thành một làng, diễn viên phải đi xa để làm vai, thời gian đi lại rất mất công, di chuyển tốn kém", đạo diễn trẻ Trịnh Lê Phong chia sẻ. Đặc biệt, phim về đề tài nông thôn gặp khó về thu hồi vốn. Dòng phim này thường không hút được tài trợ, quảng cáo so với phim về đề tài khác tình yêu, hình sự, gia đình, hôn nhân... Nỗi lo thua lỗ vì thế trở thành vật cản đối với các nhà sản xuất.
Nói vậy không có nghĩa các nhà làm phim bỏ quên nông thôn. Theo đánh giá của NSND Nguyễn Hữu Phần, đạo diễn nhiều phim về nông thôn nổi tiếng như Ma làng, Gió làng Kình, Đất và người, những đề tài về nông thôn vẫn có thể thành phim bom tấn nếu chúng ta quan tâm đến việc làm cho nó hay và làm cho người ta thấy được số phận người nông dân bởi vì tất cả mọi người xem phim đều muốn xem mình, muốn xem những người xung quanh mình ở trong đó. Thực tế, đã có rất nhiều tác phẩm truyền hình về nông thôn ăn khách, tạo được tiếng vang và phim sắp lên sóng đầy hứa hẹn.
Mạch phim truyền hình nông thôn vẫn chảy, không thiếu tác phẩm hay
Nếu là tín đồ của phim truyền hình, khán giả không thể quên những bộ phim có chất lượng về nội dung và nghệ thuật về đề tài này. Đó là Gió làng kình, Đất và người, Ma làng, Mặn hơn muối, Thương nhớ ở ai, Bão qua làng, Vịt kêu đồng, Hương phù sa, Đất mặn, Về quê cưới vợ, Chuyện tình làng hoa, Qua ngày giông bão, Bìm bịp kêu chiều, Hương bưởi, Cỏ biếc, Cá lên bờ, Sông trôi muôn hướng, Dòng sông định mệnh…
Năm 2020, khán giả ngất ngây với bộ phim Cô gái nhà người ta của đạo diễn Trịnh Lê Phong. Bộ phim phản ánh thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết, khát vọng khởi nghiệp ở nông thôn với cách tiếp cận hóm hỉnh. Phim chạm tới những vấn đề thời sự ở nông thôn hiện nay, như xu hướng xây dựng homestay (lưu trú tại nhà người dân địa phương), ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ, đồng thời đề cao trách nhiệm của giới trẻ với quê hương.
Mùa xuân ở lại do NSƯT Nguyễn Danh Dũng đạo diễn, vẽ bức tranh nông thôn miền núi phía Bắc hoang sơ, đặc sắc. Ở đó, có đồng bào dân tộc khao khát đổi mới, có những người miền xuôi lên miền ngược xây dựng cuộc sống. Thương con cá rô đồng (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) đề cao sự lạc quan, nghị lực tìm ra hướng đi tốt đẹp trong cuộc sống trước khó khăn, nghịch cảnh ở miền quê.
Hồi giữa năm nay, Mùa hoa tìm lại của đạo diễn Vũ Minh Trí cũng tạo nên cơn sốt với người xem khi khai thác câu chuyện về nông thôn thời hiện đại. Phim cho thấy rõ dẫu nhiều đổi thay của một nông thôn thời hội nhập nhưng cái tình, cái nghĩa, lối sống dung dị, hiền hòa bao đời vẫn được giữ, cao trào và bi kịch từ đó không quá gay gắt, đấu đá như các phim đề tài khác. Xem phim này nhiều người thấy mình trong các nhân vật.
Hoặc Thương nhớ ở ai của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng, phim xoay quanh cuộc đời đầy bất hạnh của những người phụ nữ nông thôn Bắc bộ thời hậu chiến. Xem phim khán giả sẽ không ít lần phải rùng mình ám ảnh bởi những định kiến hà khắc một thời đối với người phụ nữ.
Mạch phim về đề tài nông thôn, nhất là thời hiện đại tiếp tục được các nhà làm phim khai thác. Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC), Đài truyền hình Việt Nam cho biết, từ 8/11/2021 trên khung giờ vàng buổi tối trên VTV1, bộ phim về đề tài nông thôn Phố trong làng (đạo diễn NSƯT Mai Hiền) sẽ đến với khán giả.
Theo nhà sản xuất Phố trong làng, phim kể về cuộc sống của những người dân ở xã Tân Xuân bị ảnh hưởng nhiều bởi sự phát triển, hiện đại hoá. Làng quê yên bình ngày nào bỗng trở nên "có giá" nhờ đất, nhiều gia đình bỏ bê công việc, lao vào cờ bạc, đàn đúm… tệ nạn cũng từ đó nhiều lên, tỷ lệ thuận với số hộ dân đang mắc chứng "ngộ độc tiền". Giữa lúc Tân Xuân đang gặp phải vô vàn vấn đề, rối ren như vậy thì Nam, một công an chính quy được cử về giữ vị trí trưởng công an xã, khiến anh gặp nhiều bỡ ngỡ.
Ngoài những "con sâu làm rầu nồi canh" khiến cho mảnh đất Tân Xuân có phần xấu xí, thì vẫn còn những con người chất phác, chân thành, chính nghĩa, luôn ủng hộ Nam và những điều tốt đẹp. Ở vùng quê, Nam có thêm những người bạn, những người đồng nghiệp cùng chí hướng, chung lý tưởng và cũng đã tìm được cho mình tình yêu, hạnh phúc…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dàn nghệ sĩ Việt - Hàn góp mặt trong MV Way back home - Về nhà thôi cổ vũ đội ngũ chống dịch trên tuyến đầu.