Hà Nội

Phim về giới đồng tính: Gai góc và ngày càng chất

12-10-2018 13:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không chỉ đem đến cho khán giả những hình ảnh giàu cảm xúc và đậm giá trị nghệ thuật, nhiều bộ phim về giới LGBT (người đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới) ở Việt Nam đã chia sẻ, giúp những người “hồn bướm thân sâu” tự tin, hòa nhập cộng đồng. Gần đây, một số bộ phim khai thác đề tài LGBT chất lượng ra đời đã nhận được sự quan tâm, yêu mến của khán giả.

Có thể nói, LGBT là một trong những đề tài khó, gai góc đối với các nhà làm phim Việt vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực tế cho thấy, một số bộ phim ở nước ta về đề tài LGBT từng được thực hiện, trong đó có Nàng men chàng bóng, Để mai tính 1, Để mai tính 2, Cảm hứng hoàn hảo... Tuy nhiên, các bộ phim này khiến người xem nói chung, cộng đồng LGBT nói riêng thất vọng lẫn bức xúc vì cách thể hiện hời hợt, nội dung nhạt nhẽo, lấy những chi tiết, tình huống về giới tính của người khác để chọc cười khán giả.

Trải qua thời gian, các nhà làm phim Việt về sau đã cẩn trọng, tỉ mỉ hơn khi thể hiện đề tài LGBT trên màn ảnh để không đi vào “vết xe đổ” kể trên. Mới đây, phim tài liệu Đi tìm Phong (Finding Phong) của đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus đã ra mắt khán giả. Đây là bộ phim về đề tài người chuyển giới, chứa đựng nhiều cảm xúc. Gói gọn trong 92 phút, Đi tìm Phong là hành trình đi chuyển giới của nhân vật chính Lê Quốc Phong (sau này là Lê Ánh Phong). Từ những đau đáu khi phải sống trong cảnh “thân sâu hồn bướm”, những đau khổ khi không được là chính mình, những đấu tranh nội tâm đầy khắc khoải, sự ngăn trở từ phía gia đình... tất cả đều được ghi lại chân thực dưới dạng nhật ký mà nhân vật chính cũng đồng thời là người ghi lại từng thước phim.

Phim về giới đồng tínhCảnh trong phim Đi tìm Phong - tác phẩm kể về hành trình đi chuyển giới của nhân vật chính Lê Quốc Phong thành Lê Ánh Phong hiện tại.

 

Đi tìm Phong qua đó truyền đi thông điệp về sự chia sẻ, thừa nhận dành cho người chuyển giới, từ những người sống quanh Phong như cha mẹ, anh chị đến bạn bè, bác sĩ, chuyên gia tâm lý... Ngoài những đấu tranh nội tâm và những tình huống xúc động, những câu chuyện và các chi tiết rất đời từ tuyến nhân vật phụ đã giúp thêm nhiều tình huống vui, những nét duyên nhẹ nhàng cho Đi tìm Phong, từ đó giúp xóa mờ đi thành kiến cố hữu về sự nặng nề của một bộ phim thuộc thể loại tài liệu. Do đó, trước khi công chiếu từ đầu tháng 10/2018, Đi tìm Phong đã chu du tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời phim được trao giải thưởng ở liên hoan phim quốc tế của Pháp, Mỹ, Hy Lạp...

Cách đây không lâu, tập 4 trong series phim Ai chết giơ tay do diễn viên Huỳnh Lập viết kịch bản kiêm đạo diễn, chiếu miễn phí trên kênh Youtube cũng thu hút được chục triệu lượt xem. Tại tập 4 dự án phim của Huỳnh Lập, anh đã đưa chủ đề LGBT vào trong tác phẩm. Tuyết Tùng - nhân vật chuyển giới nữ trong phim là một người bị mắc kẹt giữa hai nhân dạng. Ban ngày, cô sống dưới thân phận con trai và làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Khi đêm xuống, cô hóa thân thành một người phụ nữ xinh đẹp và đi hát ở những quán nhậu lề đường. Công việc này không chỉ giúp cô kiếm thêm tiền mà còn là một cách để cho cô có thể sống với con người thật của mình. Tuy nhiên, sự kỳ thị từ xã hội và gia đình đã đẩy Tuyết Tùng đến bờ vực tuyệt vọng. Cuối cùng, cô quyết định tự tử. Đây cũng là lúc nhóm nhân vật chính xuất hiện giúp cô nàng chuyển giới xấu số tránh sa vào con đường không có lối thoát. Tập 4 trong dự án phim Ai chết giơ tay mang đến cho khán giả thấy góc nhìn nhân văn về cuộc sống của cộng đồng LGBT. Đó là những con người hết sức bình thường, họ cũng có những hoài bão và ước mơ được cống hiến cho xã hội.

Trước đó, tháng 5/2018, đạo diễn trẻ Nguyễn Thành Sang cũng tạo bất ngờ và được công chúng chú ý với phim Em trai bất trị phát miễn phí trên kênh youtube. Em trai bất trị dài 52 phút kể về những người trẻ thời hiện đại chấp nhận sống thật với bản thân và giới tính của mình nhưng rồi chính những khát khao về tình cảm lại đẩy họ rơi vào vòng xoáy tình yêu không lối thoát. Nhằm lột tả và giúp khán giả hiểu hơn về đời sống tình cảm của người đồng tính, Em trai bất trị có một số cảnh nóng nhưng được quay với góc máy nghệ thuật song không khiến người xem cảm thấy bị “phô” hoặc thô thiển. Trong khi đó, phần âm nhạc, Nguyễn Thành Sang đã chọn lọc và trau chuốt với các sáng tác mang tính tự sự của nhạc sĩ Hamlet Trương để tôn lên mảng màu về những con người luôn khát khao đi tìm cho mình một tình yêu trọn vẹn.

Các bộ phim kể trên cùng với những tác phẩm gần đây về đề tài LGBT được yêu mến, thậm chí có phim giành giải thưởng lớn trên trường quốc tế như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lô Tô... đã giúp khán giả hiểu và cảm thông, chia sẻ với những người sinh ra đã mang hình hài khác với giới tính thật của mình. Không ít phim trong số đó lấy được nước mắt khán giả, đem đến hình ảnh chân thực, không bi kịch hóa để biến giới LGBT thành những người đáng thương hại trong con mắt xã hội. Điều này ít nhiều phản ánh giới làm nghề đã không ngừng đổi mới tư duy khi khai thác sâu hơn ở khía cạnh tâm lý, về thân phận những con người “lạc giới” để tìm tới đích nhân văn.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn