Hà Nội

Phim truyền hình Việt vẫn “khát” kịch bản

20-01-2019 10:50 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử,… khán giả đã có thêm nhiều “món ăn” mới trên sóng truyền hình.

Tuy nhiên, phần lớn những phim hot nhất hiện nay đều là phim chuyển thể. Nhiều khán giả tự hỏi, sẽ mất bao lâu để một kịch bản thuần Việt tạo nên được sự hài lòng cho người theo dõi như những gì các bộ phim chuyển thể đang làm?

Phim làm lại chưa bị “soán ngôi”

Một sự kiện gây chú ý gần đây là Lễ bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc diễn ra tối 22/12. Liên hoan đã trao giải cho nhiều hạng mục ở các chương trình truyền hình trên sóng VTV, các đài địa phương, kênh truyền hình của các cơ quan thông tấn - báo chí. Ở hạng mục phim truyện, Gạo nếp gạo tẻNgày ấy mình đã yêu cùng được trao giải Vàng. Kết quả gây bất ngờ vì năm ngoái chỉ có một tác phẩm giành được giải cao nhất. Điều đáng nói, cả hai phim đều là dự án “remake”. Gạo nếp gạo tẻ là bộ phim truyền hình làm lại từ Wang’s Family của Hàn Quốc. Nhưng nhờ Việt hóa thành công, phim đã trở thành phiên bản khá độc lập, thậm chí còn được người Việt khen hay hơn bản gốc. Ngày ấy mình đã yêu được mua bản quyền từ bộ phim Hàn Quốc Discovery of Love của Đài KBS. Phim gồm 24 tập và do Khải Anh đạo diễn.

Được Việt hóa từ kịch bản nổi tiếng của Hàn Quốc, nhưng có thể nói, Gạo nếp gạo tẻ giống như phiên bản độc lập. Bản phim của Việt Nam đã được khéo léo thay đổi nhiều chi tiết, đặc biệt là về văn hóa và lời thoại, khiến người xem không còn thấy rõ dáng dấp của bộ phim gốc.

Khán giả đã có thể vui mừng khi phim truyền hình đã vượt qua thời kỳ gây ngán ngẩm với hàng loạt phim truyền hình “mỳ ăn liền”. Tuy nhiên, phần lớn những phim gây sốt gần đây đều là phim làm lại.  Không chỉ 2018, những năm trước đây, phim làm lại vẫn lấn lướt phim thuần Việt trên màn ảnh nhỏ. Cụ thể, năm 2017 được xem là năm “đại thắng” của những phim truyền hình có kịch bản được Việt hóa từ những bộ phim của nước ngoài. Người phán xử - bộ phim có lượng rating “ngất ngưởng” trên sóng truyền hình được Việt hóa từ kịch bản của Israel, Sống chung với mẹ chồng cũng là phim khai thác kịch bản từ tiểu thuyết Phù thủy dưới đáy biển của Trung Quốc và bộ phim Cả một đời ân oán cũng được chuyển thể từ bộ phim từng “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ châu Á Cô dâu triệu phú (2006) và Cô dâu bạc triệu (2014).

Dù được đầu tư kỹ lưỡng thế nào, dàn diễn viên lung linh ra sao, các tân bản vẫn không thể thoát khỏi số phận bị “ném đá”. Nguyên nhân lớn nhất có lẽ chính là do cái bóng quá lớn của phiên bản cũ đã in đậm vào tâm trí khán giả khiến họ không thể tiếp nhận phiên bản mới.

Xét một cách khách quan, trào lưu làm lại phim cũ mang đến sự phong phú hơn cho màn ảnh nhỏ Việt Nam. Những tác phẩm kinh điển khi xưa có nguy cơ bị “lỗi mốt” bởi kỹ thuật làm phim kém và tạo hình quê mùa hoàn toàn có thể trở nên hiện đại và phù hợp với thế hệ trẻ hơn bởi các tân bản. Bên cạnh đó, các fan ruột của phim cũng có cơ hội được gặp lại những nhân vật mình yêu thích trong diện mạo mới và những chi tiết khác lạ.

Phim làm lại bùng nổ quá mạnh mẽ dễ gây nhàm chán cho khán giả.

Phim làm lại bùng nổ quá mạnh mẽ dễ gây nhàm chán cho khán giả.

Lượng chưa tương xứng với chất?

Trước đây, phim “remake” được hiểu theo nghĩa mua bản quyền phim nước ngoài và làm lại dựa trên kịch bản phim đó. Tại Việt Nam, những bộ phim remake chủ yếu dựa trên kịch bản phim Hàn Quốc bởi lý do người Việt Nam rất yêu thích phim Hàn. Không phải cứ lấy kịch bản hay từ nước ngoài về làm lại sẽ thành phim hay, phim Việt cần có đặc trưng riêng của phim Việt chứ không thể để khán giả xem phim Việt lại liên tưởng đến phim Hàn hay phim Mỹ. Nếu quá yêu thích bản gốc và muốn làm lại, các nhà sản xuất, đạo diễn phải thật nghiêm túc để tạo ra những bộ phim làm lại nhưng chất lượng không thua kém bản gốc.

Tuy nhiên, trào lưu này khi bùng nổ quá mạnh mẽ lại dễ gây nhàm chán cho khán giả, khiến nền phim ảnh Việt quanh đi quẩn lại chỉ có mấy tác phẩm hết xào đi lại nấu lại. Giờ đây, dường như khán giả chẳng còn mấy hứng thú hay ngạc nhiên khi nghe tin một tác phẩm nổi tiếng nào đó sắp được làm lại, thậm chí nhiều fan tiêu cực còn tỏ rõ thái độ nghi ngờ, liệu có phải một “thảm họa” mới lại sắp ra đời. Phải chăng, các nhà làm phim nên bước chậm lại hoặc tạm nghỉ trong trào lưu này để tránh đưa nền phim ảnh Việt đi vào một ngã rẽ xáo mòn?

Mơ về... thời xa vắng

Dù số lượng phát sóng lên tới vài chục hay vài trăm phim trong một năm, phim có chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trên các diễn đàn phim ảnh, phần lớn thành viên tập trung chê bai những bộ phim phát sóng gần đây và tỏ ra luyến tiếc những tác phẩm được coi là “vang bóng một thời” như Hoa cỏ may, Những ngọn nến trong đêm, Đồng tiền xương máu... Có thể nói, đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp thiếu nhiều so với nhu cầu sản xuất. Mỗi năm, hai trường Sân khấu Điện ảnh lớn nhất cả nước chỉ “cho ra lò” vài chục cử nhân biên kịch, trong số đó, không phải ai cũng theo dòng phim truyện. Theo chia sẻ của một biên kịch gạo cội, trong số cử nhân theo đuổi phim truyện, giỏi lắm chỉ lấy được một đến hai người viết giỏi. Mỗi năm, các nhà sản xuất vẫn “đốt đuốc” đi tìm người viết kịch bản có nghề nhưng vô cùng khó. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để “mua chuộc” các nhà biên kịch danh tiếng nhưng số lượng kịch bản có thể làm phim thu hút khán giả không nhiều.

Một bộ phim có thể thu hút khán giả trước hết phải có một kịch bản tốt với câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ, xử lý tình huống văn minh... Để làm được điều này, đội ngũ viết kịch bản phải là những người thực sự tâm huyết, có tài năng thực sự, luôn tạo ra sự mới mẻ trong sáng tạo và bắt kịp với xu thế thời đại. Chỉ có điều, đội ngũ này vẫn rất hiếm!


Việt Sơn
Ý kiến của bạn