Phim truyền hình Việt tìm lại vị thế

27-05-2017 07:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Gần đây, sự hưởng ứng tích cực của khán giả dành cho một số bộ phim như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử,...

Gần đây, sự hưởng ứng tích cực của khán giả dành cho một số bộ phim như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử,... đang thắp lên một tia hy vọng cho các nhà làm phim Việt: Những sản phẩm made in Vietnam sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Cơn sốt phim “Việt hóa”

Xoay quanh “cuộc chiến” giữa bà mẹ chồng khó tính, cay nghiệt và cô con dâu cá tính, hiện đại, Sống chung với mẹ chồng chỉ mới tung trailer mà fanpage của phim đã có hàng trăm ngàn lượt “like” cùng nhiều diễn đàn được lập ra để thảo luận và phỏng đoán về các tình tiết của phim. Đây là điều rất ít phim truyền hình Việt Nam làm được trước đó. Và VTV đã quyết định tăng thời lượng phát sóng Sống chung với mẹ chồng từ 2 buổi lên 3 buổi (thứ tư đến thứ sáu hằng tuần) trên kênh VTV1.Cảnh trong phim Người phán xử.

Cảnh trong phim Người phán xử.

Phim truyền hình Việt hiện nay đang được chia thành 4 loại. Loại thứ nhất theo lối mòn cũ kiểu “thiện - ác” rõ ràng, chỉ cần xem tập 1 là đoán được kết thúc phim, những phim này thường nhạt nhẽo, đều đều, kịch bản cũ, diễn xuất lẫn cảnh quay cẩu thả. Loại thứ 2 là dạng phim nửa Tây nửa ta, những phim này là sản phẩm của sự bắt chước các phim nước ngoài. Loại thứ 3 là phim chuyển thể kịch bản nước ngoài. Còn lại một số ít bộ phim ở loại thứ 4 là phim thuần Việt nhưng đạt chất lượng về mọi mặt. Nếu xét về lượng rating hiện tại thì loại phim thứ 3 đang “hot” hơn cả. Chọn cách Việt hóa phim ăn khách có sẵn đồng nghĩa với việc nhà sản xuất đặt mục tiêu doanh thu cao hơn những sáng tạo trong nghề. Nhưng trên thực tế, không dễ dàng cứ bê nguyên xi kịch bản gốc đưa vào làm phim. Ví dụ, Người phán xử ở phiên bản gốc, các cảnh sex, bạo lực, hành động xuất hiện khá nhiều vì văn hóa Israel tương đối cởi mở. Khi về Việt Nam, để phù hợp với văn hóa của người Việt, các nhà biên kịch đã phải cắt giảm tối đa các cảnh này.

Tuy vẫn còn có những “hạt sạn” nhưng phải công bằng mà nói, chính nhờ sự dám nghĩ, dám thay đổi dù là bắt chước hay chuyển thể cũng đã và đang kéo thêm một lượng khán giả về cho phim truyền hình Việt. Lớp trẻ - những đối tượng sau giờ cơm tối thường rủ nhau đi chơi thì nay nhờ những bộ phim truyền hình đang được làm mới bởi dàn viễn viên trẻ, hóa trang, trang phục đẹp, thời thượng... đã chịu khó ở nhà xem phim. Những khán giả trung tuổi - đối tượng xem phim truyền hình nhiều nhất cũng tỏ ra hào hứng hơn khi được xem những bộ phim truyền hình với hình ảnh được chăm chút đẹp mắt và những tình tiết hồi hộp thay vì lối mòn cũ đều đều trước kia...

Không phải ngẫu nhiên mà những nhà làm phim truyền hình Hàn Quốc đã đặc biệt chú trọng tới đối tượng khán giả là những người vợ, người mẹ, người nội trợ trong gia đình. Đây là đối tượng khán giả chiếm số lượng đông đảo của dòng phim truyền hình và thực sự những nhà sản xuất phim Hàn Quốc đã rất thành công. Các nhà làm phim truyền hình Việt cũng đang tập trung nhắm vào đối tượng khán giả này.

Tránh “tụt dốc không phanh”

Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình kỹ thuật số, internet giúp khán giả dễ dàng tiếp cận nhiều kênh giải trí nước ngoài. Điều này phần nào tạo nên sự cạnh

tranh khốc liệt cho phim truyền hình Việt Nam khi đi tìm phân khúc khán giả riêng của mình. Đặc biệt, gameshow tài năng, hài hước nở rộ trên sóng truyền hình và tập trung hầu hết các nghệ sĩ “hot” nhất showbiz Việt đã khiến cho khung giờ vàng của phim Việt trên kênh HTV, VTV... bị đẩy sang một bên nhường chỗ cho “cuộc chiến rating” của truyền hình thực tế. Dù một số ít nhà sản xuất phim truyền hình vẫn cố gắng duy trì nguồn thu quảng cáo ít ỏi thông qua rating để níu chân khán giả, nhưng họ lại phải đối mặt với một khó khăn lớn hơn chính là cuộc đổ bộ của phim truyền hình nước ngoài trên mạng xã hội khiến cho phim Việt đã bị ép này còn lép vế hơn.

Để tìm lại vị trí đã mất của phim truyền hình Việt và mang đến cho khán giả những bộ phim đậm hồn Việt, Đài Truyền hình TP.HCM đã quyết định dành riêng 1 khung giờ cho phim Việt. Theo đó, từ ngày 11/2/2017, bắt đầu từ lúc 22 giờ trên kênh HTV9, 3 bộ phim Việt đầu tiên được chọn làm “phát pháo mở đầu” khung giờ phim Việt chính là Mật danh Rocket của đạo diễn Trần Huy Cường, Chung cư cảnh sát của đạo diễn Đặng Minh Quốc và Nhà có hai cửa chính của đạo diễn Nguyễn Minh Cao.

Không thể phủ nhận phim truyền hình Việt đã và đang tiến bộ nhiều, thời lượng phát sóng cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi khán giả sẽ ấn tượng gì sau đó thì câu trả lời vẫn còn nhiều điều phải bàn. Suy cho cùng, để tìm được một hướng đi hiệu quả cho phim truyền hình Việt phát triển thì trước tiên cần phải có những thử nghiệm. Dù có mới mẻ, lạ lẫm, dù đúng, sai hay chưa phù hợp thì cũng là những thử nghiệm đáng quý và thực tế để từ đó chọn lựa được một hướng đi đúng cho sự phát triển phim truyền hình Việt Nam. Bên cạnh đó, phim Việt đang ở thế cạnh tranh gay gắt với phim nước ngoài, nếu không chịu đầu tư cho những thể nghiệm mới, các nhà sản xuất sẽ khiến khán giả quay lưng và ảnh hưởng tới uy tín, doanh thu của đơn vị mình.


Nam Phương
Ý kiến của bạn