Phim truyền hình Việt: “Nóng” thế nào mới đủ?

17-11-2018 08:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những năm gần đây, phim truyền hình Việt nhận được sự quan tâm lớn của khán giả, đặc biệt là những phim tập trung khai thác đề tài gai góc, mới mẻ. Nhưng cùng với đó là một màn ảnh tràn ngập cảnh nóng, bạo lực, gây ra không ít sự lo ngại. Câu hỏi được công chúng đặt ra lúc này chính là: Nhà làm phim chưa đủ khéo hay do khán giả quá khó tính?

Số phận của phim do khán giả định đoạt?

“Nóng” nhất ở thời điểm hiện tại chính là Quỳnh búp bê - bộ phim truyện truyền hình dài 30 tập của đạo diễn Mai Hồng Phong. Phim đề cập trực diện đến đề tài hiếm khi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ là mại dâm và buôn bán phụ nữ. Qua đó phim khắc họa số phận, góc khuất của những cô gái “làng chơi”. Trước đó, phim đã phát sóng 6 tập trong khung giờ vàng phim Việt trên kênh VTV1. Ngoài khen ngợi nội dung chân thực, phim gây tranh cãi vì lời thoại táo bạo và nhiều cảnh bạo lực dã man đối với phụ nữ. Đó cũng là lý do phim phải dừng phát sóng. Tuy nhiên, một bộ phim đã nhận được quá nhiều sự quan tâm của khán giả không thể chấp nhận số phận hẩm hiu như vậy. Nhiều khán giả tiếc nuối khi phim bị ngừng phát sóng. Nhưng không ít người đồng tình phim nên được phát sóng ở một khung giờ phù hợp hơn thay vì 20h30 - 21h30 trên kênh VTV1.

Sau thời gian “đóng băng”, Quỳnh búp bê đã trở lại trong khung giờ vàng phim Việt của Đài truyền hình Việt Nam trên kênh VTV3. Sự trở lại của Quỳnh búp bê đã phần nào thỏa mãn sự mong đợi của số đông khán giả. Tuy nhiên, giai đoạn “đóng băng” đã khiến bộ phim này nhận về nhiều thiệt hại. Công sức mà đoàn làm phim bỏ ra cho một bộ phim như Quỳnh búp bê là không thể phủ nhận. Do vậy, việc phim bị tạm dừng phát sóng, phần nào đó cũng đã ảnh hưởng đến uy tín của những người thực hiện và nảy sinh sự hoài nghi về chất lượng của bộ phim. Ngoài ra, việc quảng cáo trong khung giờ phát sóng phim cũng sẽ bị ảnh hưởng. Được biết, hầu như các nhãn hàng, doanh nghiệp đều có hợp đồng quảng cáo rất chặt chẽ với nhà đài từ trước.

Xét ở góc độ nào đó, Quỳnh búp bê không may mắn khi ra mắt ở hoàn cảnh khán giả đã có quá nhiều định kiến về phim Việt, đặc biệt là những phim tập trung khai thác đề tài gai góc.

Xét ở góc độ nào đó, Quỳnh búp bê không may mắn khi ra mắt ở hoàn cảnh khán giả đã có quá nhiều định kiến về phim Việt, đặc biệt là những phim tập trung khai thác đề tài gai góc.

Không phải cứ “hot” là được chào đón

Đây không phải là lần đầu tiên một phim dán nhãn 18 bị “tuýt còi”. Trước Quỳnh búp bê, phim Chuyện ấy là chuyện nhỏ (Sex and the City) cũng bị ngưng phát sóng sau 6 tập đầu tiên, mặc dù giờ lên sóng của phim này là 23 giờ, do có những yếu tố không phù hợp với khán giả Việt.

Chuyện ấy là chuyện nhỏ là series ăn khách của HBO khi ra mắt khán giả trong 6 năm, từ năm 1998 đến 2004. Với chiều dài 94 tập, bối cảnh chính diễn ra tại New York, phim là câu chuyện về cuộc sống, tình yêu và tình dục của 4 người phụ nữ - Carrie Bradshaw (Sarah Jessica Parker), Samantha Jones (Kim Cattral đóng, Charlotte York (Kristin Davis), Miranda Hobbes (Cynthia Nixon). Chân thực, không giả tạo, Chuyện ấy là chuyện nhỏ không ngại có những cảnh nóng để thể hiện cái tôi của từng nhân vật. Đây cũng là điều khiến bộ phim bị giới hạn khán giả và không phải đài truyền hình nào cũng sẵn sàng bỏ tiền mua bản quyền phát sóng.

Các nhân vật nữ trong phim có vô số trải nghiệm tình ái trước khi họ nhận ra đâu là điều mình cần. 4 cô gái nhưng có đến hơn 100 nam diễn viên tham gia đủ cho thấy sức mạnh nữ quyền và sự tranh cãi giữa các “mọt phim”. Như cảnh tình cảm giữa nhân vật Carrie và Mr. Big trong lần đầu họ gặp gỡ bị cắt bỏ đáng kể. Những cảnh “nóng bỏng” khác cũng có “số phận” tương tự. Rõ ràng một bộ phim được chiếu trên sóng truyền hình quốc gia đã ít nhiều không nhận được đồng tình của công chúng. Nhiều người xem cho rằng, VTV2 cắt bỏ quá nhiều để hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nhưng lần đầu tiên VTV2 “dám” công chiếu để giáo dục giới tính nhận dư luận trái chiều và phải ngưng phát sóng cũng là điều dễ hiểu.

Khán giả ngày càng khó tính?

Trở lại với Quỳnh búp bê, xét ở góc độ nào đó, bộ phim này không may mắn khi ra mắt ở hoàn cảnh khán giả đã có quá nhiều định kiến về phim Việt, đặc biệt là những phim tập trung khai thác đề tài gai góc. Song hành với cảnh bạo lực là những cảnh nóng. Gần như phim nào trên sóng truyền hình hiện nay cũng có cảnh nóng dù có từng mức độ khác nhau. Mộng phù hoa, bộ phim về gái làng chơi phát trên sóng VTV cách đây không lâu cũng đầy rẫy cảnh nóng. Đáng nói, Mộng phù hoa dù lên sóng giờ vàng nhưng lại là một bộ phim tương đối dở về diễn xuất, nội dung, chỉ gây chú ý vì có nhiều cảnh nhạy cảm.

Ngoài những bộ phim có những cảnh “nóng” như trong Người phán xử hay Mộng phù hoa, trường hợp khác cũng cần đề cập là phim không có cảnh nóng nhưng vẫn gây tranh cãi vì trang phục phản cảm như phim Thương nhớ ở ai. Được đánh giá là một bộ phim hay, Thương nhớ ở ai khai thác số phận của những người phụ nữ nông thôn trong chiến tranh và sau chiến tranh. Nhưng việc các diễn viên nữ mặc áo yếm và không nội y, trong phân cảnh trên sóng truyền hình đã bị cho là có phần “quá đà” và “không cần thiết”.

Trước những tranh cãi không hồi kết, một bộ phận khán giả trung lập cho rằng với bộ phim gai góc về thế giới ngầm hay gái mại dâm, cảnh nóng và bạo lực là khó tránh. Quỳnh búp bê là một trường hợp điển hình ở thời điểm này, càng xem, khán giả càng khó tưởng tượng nổi đâu sẽ là giới hạn cho những cảnh quay bỏng mắt trong phim. Có lẽ với êkíp Quỳnh búp bê, nội y và những đường cong thân thể lồ lộ vẫn chưa đủ khiến người xem che mặt khi xem. Các yếu tố nhạy cảm khác như đồ chơi tình dục, bao cao su, đồ dùng riêng tư của chị em phụ nữ tiếp tục được tung ra để khiến bộ phim thêm phần gây tranh cãi.

Thực tế, khán giả Việt có lẽ cũng đã nhẵn mặt với các tình tiết như vậy trong phim Mỹ hay Hồng Kông nên có ý kiến cho rằng chẳng cớ gì lại phải quá khắt khe với một xuất phẩm bản địa. Tuy nhiên, lượng cảnh nóng nhiều hay ít không quan trọng bằng cách thể hiện và thông điệp được cài cắm sau đó.

Nhiều khán giả mới theo dõi được vài tập phim đã thấy hụt hẫng vì không hiểu bộ phim truyền tải thông điệp gì, hướng tới điều gì, khi cứ liên tiếp gia giảm các tình tiết phản cảm, thể hiện lối sống hoang tàng và không từ thủ đoạn của các cô gái làng chơi. Suy cho cùng, nếu câu chuyện không đủ hấp dẫn, không đủ mạch lạc, không đủ hợp lý, logic và thậm chí là không đủ để người xem nhìn thấy bản chất của vấn đề thì dù chiêu trò đến đâu cũng không thể làm nên một bộ phim đáng xem.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn