Hà Nội

Phim truyền hình Việt “hụt hơi” trước bão hàng ngoại: Trông người mà ngẫm đến ta...

17-04-2016 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thông tin mới được các “fan cuồng” của bộ phim Hậu duệ của mặt trời (do Đài KBS - Hàn Quốc sản xuất) bàn tán rôm rả trên các diễn đàn...

Thông tin mới được các “fan cuồng” của bộ phim Hậu duệ của mặt trời (do Đài KBS - Hàn Quốc sản xuất) bàn tán rôm rả trên các diễn đàn những ngày gần đây là Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã quyết định mua bản quyền phát sóng bộ phim đang “gây bão” trên khắp châu Á này. Nhiều người nhận định, cùng với Hậu duệ của mặt trời, làn sóng Hàn Quốc “Hallyu” sẽ quay trở lại Việt Nam. Trong khi đó, phim truyền hình Việt dường như “hụt hơi”, loay hoay tìm chỗ đứng cho mình?

Trông người...

Một điều không thể phủ nhận là các nhà sản xuất phim Hàn Quốc luôn nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới, khai thác những mảng đề tài mới cho phim truyền hình. Làn sóng Hàn Quốc thời kỳ đầu được “dệt” nên bằng những câu chuyện tình đẹp, lãng mạn, đầy ngang trái, éo le, sau đó được thay thế bằng dòng phim khai thác mảng đề tài gia đình với những tình huống gần gũi, hài hước... Khi mảng đề tài về tình yêu đôi lứa, gia đình trở nên bão hòa thì loạt phim khai thác mảng đề tài mới như các lĩnh vực nghề nghiệp (đầu bếp, luật sư, thiết kế thời trang, mỹ phẩm, diễn viên, người mẫu, ca sĩ, bác sĩ, quản lý nhà hàng, khách sạn, cảnh sát...), trinh thám, điều tra hình sự... xuất hiện trên màn ảnh. Bộ phim Hậu duệ của mặt trời lên sóng thời gian gần đây một lần nữa chứng minh khả năng tìm tòi của các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc khi khai thác đề tài chiến tranh, cuộc sống của những quân nhân - mảng đề tài vốn được coi là khô khan, “khó nhằn”.

“Tuổi thanh xuân”, bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc được khán giả yêu thích trong năm 2015.

Sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, tâm huyết của dàn diễn viên qua loạt ảnh hậu trường khiến khán giả xúc động. Không chỉ làm việc chăm chỉ, các diễn viên còn phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, những vết thương trên cơ thể để có được khoảnh khắc ấn tượng trên phim. Diễn viên Soong Joong Ki từng bị thương nghiêm trọng ở đầu gối vì chấp nhận rủi ro, không sử dụng diễn viên đóng thế trong cảnh quay mạo hiểm để có được cảm xúc chân thực nhất. Ngoài ra, nhạc phim (OST) trong Hậu duệ của mặt trời cũng được chăm chút tỉ mỉ.

Trên các kênh sóng hiện nay, làn sóng phim châu Á đang chiếm thị phần lớn. Nếu như một vài năm trước, phim Hàn Quốc, Trung Quốc “làm mưa, làm gió” thì giờ đây, phim Philippines, Thái Lan đặc biệt là Ấn Độ đang mang đến những khẩu vị mới trong thực đơn giải trí ngày càng đa dạng. Một số bộ phim truyền hình “ngoại” khác đang gây được sự chú ý trên các kênh sóng thời gian gần đây như Mối tình kỳ lạ, Mưu đồ ẩn giấu, Vợ tôi là cảnh sát, Bí mật trà hoa viên, Đừng gọi tên em, Hoa lưỡng sinh...

Ngậm ngùi nhìn phim truyền hình Việt “tụt dốc”

Phim truyền hình Việt số lượng giảm, chất lượng thiếu đột phá, khả năng cạnh tranh kém, hụt hơi trước hàng ngoại... là những thuật ngữ được nhiều nhà phê bình nói về thực trạng phim truyền hình Việt Nam hiện nay. Thực sự mà nói, trong 2, 3 năm trở lại đây, rất khó điểm danh bộ phim truyền hình Việt nào thực sự chất lượng và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Trào lưu Việt hóa kịch bản phim nước ngoài, hợp tác sản xuất phim với nước ngoài mở ra hướng đi mới nhưng đó không thể là hướng đi chiến lược cho sự phát triển của truyền hình Việt.

Trào lưu nối dài những bộ phim truyền hình ăn khách đang được các nhà sản xuất phim truyền hình Việt khai thác trong năm 2016. Có thể kể đến một số phim nằm trong trào lưu này như Những ngọn nến trong đêm, Hoa cỏ may, Tuổi thanh xuân... Những ngọn nến trong đêm phần 2 đã lên sóng nhưng không nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Nhiều người nhận xét rằng, phần 2 của bộ phim kém cả về chất lượng lẫn khả năng tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng so với phần 1 ra đời cách đây hơn chục năm. Đạo diễn Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn nhận định rằng: “Phim truyền hình Việt đã đi qua thời kỳ đỉnh cao và đang trong giai đoạn khó khăn, tụt dốc mạnh: số lượng ngày càng khiêm tốn, chất lượng không đột phá”.

Một câu hỏi đặt ra là, khán giả có quay lưng với phim truyền hình Việt hay không? Có thể khẳng định, khán giả luôn giành sự ưu ái, ủng hộ cho phim Việt. Tuy nhiên, trong thời kỳ bùng nổ thông tin, thực đơn giải trí ngày càng đa dạng thì khán giả có quyền lựa chọn “món ăn” phù hợp với thị hiếu của mình. Không thể bắt khán giả thưởng thức những món ăn không đặc sắc trong khi thực đơn còn rất nhiều món ăn ngon khác. Nếu chất lượng phim không được nâng lên, vẫn còn kiểu sản xuất phim “chụp giật”, “mì ăn liền”, “lợi làm, khó bỏ” thì về lâu dài, khán giả khó có thể “chung thủy”, giữ trọn tình yêu với phim Việt.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho phim truyền hình Việt Nam phát triển. Việc giữ 30% thời lượng phát sóng phim Việt trên truyền hình, ưu tiên sóng giờ vàng trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương thời gian vừa qua cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Dù ưu tiên sóng giờ vàng nhưng nếu chất lượng phim kém thì sớm hay muộn, khán giả cũng sẽ chuyển sang kênh sóng khác. Phim truyền hình Việt đang thiếu chiến lược, chính sách dài hơi để phát triển toàn diện. Phim truyền hình phải được đầu tư phát triển như một lĩnh vực văn hóa và mỗi bộ phim là “sứ giả văn hóa” để truyền tải thông điệp về cuộc sống, con người và nhân cách Việt với bạn bè trong khu vực và trên thế giới. Phim truyền hình Việt cần lấy lại lòng tin ở khán giả và lòng tin đó chỉ có thể được minh chứng bằng những tác phẩm nghệ thuật đích thực...


Tường Phạm
Ý kiến của bạn