Phim truyền hình Việt đang hồi sinh?

05-08-2016 14:28 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Một số bộ phim lên sóng giờ vàng thời gian gần đây như Zippo, mù tạt và em, Nguyệt thực, Ðồng tiền quỷ ám, Lựa chọn cuối cùng...

Một số bộ phim lên sóng giờ vàng thời gian gần đây như Zippo, mù tạt và em, Nguyệt thực, Ðồng tiền quỷ ám, Lựa chọn cuối cùng... đang nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Nhiều khán giả hy vọng, phim Việt giờ vàng sẽ “hồi sinh” bằng những bộ phim đủ sức cạnh tranh với làn sóng phim ngoại đang “đổ bộ” trên các cánh sóng.

Phim giờ vàng trở lại, liệu có lợi hại hơn xưa?

Vào thời điểm này, Zippo, mù tạt và em (Đạo diễn NSƯT Trọng Trinh, Bùi Tiến Huy) đã lên sóng những tập đầu tiên vào thứ 4, thứ 5 hàng tuần trên VTV3. Bộ phim đang nhận được cảm tình rất lớn của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Đã lâu rồi, phim giờ vàng mới có được một bộ phim gây được chú ý như Zippo, mù tạt và em. Quy tụ dàn diễn viên trẻ, đẹp, tài năng, “hot” hàng đầu showbiz Việt hiện nay như Nhã Phương (vai Lam), Lã Thanh Huyền (vai Lam khi trưởng thành), An Bình (vai Sơn), Mạnh Trường (vai Sơn khi trưởng thành), Phạm Anh Tuấn (vai Huy), Hồng Đăng (vai Huy khi trưởng thành), Minh Hương (vai Hoài)... cùng câu chuyện thú vị về tình yêu, hoài bão, lý tưởng của tuổi trẻ là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút của phim. Theo đạo diễn Trọng Trinh thì đây là lần đầu tiên, Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC) sử dụng hai dàn diễn viên cho các nhân vật ở hai giai đoạn đôi mươi và 6 năm sau.

Poster phim Zippo, mù tạt và em - một trong những bộ phim được khán giả trẻ yêu thích đang lên sóng giờ vàng VTV3 hiện nay.

Nguyệt thực (Đạo diễn Nguyễn Trọng Hải, kịch bản nhà báo, nhà biên kịch Chu Thu Hằng) lên sóng VTV3 bắt đầu từ ngày 13/6 vừa qua. Bộ phim hy vọng sẽ mang đến cho khán giả những góc nhìn mới, chân thật hơn về nghề báo, tác động của báo chí đối với xã hội. Nguyệt thực xoay quanh hai quan điểm làm báo chính thống và lá cải tại báo Hiện đại với nhiều diễn biến bất ngờ. Những câu chuyện “thâm cung, bí sử” trong giới showbiz như người đẹp - đại gia, scandals người nổi tiếng được khắc họa một cách đa chiều. Trước đó, bộ phim Những ngọn nến trong đêm phần 2 (Đạo diễn Khải Anh) lên sóng VTV3 vào các tối thứ tư, thứ năm hàng tuần cũng được đánh giá là phim “đáng chú ý” trong năm nay. Mặc dù nhận được không ít phản ứng trái chiều nhưng có thời điểm, Những ngọn nến trong đêm đạt tỷ suất người xem cao “ngất ngưởng”, đứng đầu các bộ phim lên sóng cùng thời điểm của VTV.

Dòng phim chính luận trên VTV1 cũng có những điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian gần đây. Đồng tiền quỷ ám, bộ phim dài 46 tập (Đạo diễn Trần Chí Thành), xoay quanh mối quan hệ trong công việc, gia đình của Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đồng (diễn viên Đức Sơn đóng). Bộ phim có sự pha trộn giữa cái thiện - cái ác, cái tốt - cái xấu trong từng nhân vật. Chính điều này đã tạo nên nhiều tình tiết gay cấn, hấp dẫn. Cũng trong dòng thể loại chính luận, Lựa chọn cuối cùng (đạo diễn Vũ Hồng Sơn) được khán giả đón nhận vì đã đề cập trực diện đến vấn đề nóng trong xã hội hiện nay. Phim xoay quanh câu chuyện của Khắc Đức (diễn viên Chí Nhân đóng), con trai ông Khắc Chính (NSƯT Mạnh Cường đóng) sau khi đi du học trở về, làm việc ở Sở Công Thương nhưng đã “dính” ngay vào vụ án hối lộ, chạy dự án. Ông Khắc Chính vốn là người liêm khiết, quyết đoán phải đau đầu để giải quyết vấn đề.

Một dự án phim “khủng” khác, kỳ vọng sẽ tạo nên cơn sốt trong năm nay là phần hai của bộ phim truyền hình được yêu thích nhất trên VTV năm 2015 - Tuổi thanh xuân. Bộ phim dự kiến lên sóng vào tháng 10 tới đây. Sự xuất hiện trở lại của dàn diễn viên trẻ, đẹp như Nhã Phương, Hồng Đăng, Kang Tae Oh... cùng những tình tiết mới, cảnh quay tuyệt đẹp ở Hàn Quốc và Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục tạo được hiệu ứng tích cực như khi Tuổi thanh xuân phần 1 lên sóng.

Cần khẳng định lại thương hiệu phim Việt

Nhìn lại lịch sử phát triển của phim truyền hình có thể thấy, đã có thời kỳ, phim truyền hình Việt phát triển rầm rộ với những bộ phim mà đến giờ nhắc lại vẫn gây xúc động mạnh trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Những bộ phim như Đồng tiền xương máu (đạo diễn Đinh Đức Liêm), Gió qua miền tối sáng (đạo diễn Phạm Thanh Phong), Người đẹp Tây Đô (Đạo diễn Lê Cung Bắc), Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời (đạo diễn Đỗ Thanh Hải), Hoa cỏ may (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Đội đặc nhiệm nhà C21 (đạo diễn Vũ Hồng Sơn)... đã góp phần tạo nên dấu ấn cho phim truyền hình Việt trong lòng người hâm mộ. Một điều đáng chú ý là, những bộ phim hấp dẫn kể trên phần lớn được sản xuất vào những năm cuối thập niên 90, đầu những năm 2000 khi công nghệ làm phim của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Một vài năm trở lại đây, dù số lượng phim tăng nhưng chỉ lác đác phim gây được sự chú ý của cộng đồng như Bỗng dưng muốn khóc Vừa đi vừa khóc (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), Tuổi thanh xuân (bộ phim hợp tác giữa VTV và Tập đoàn giải trí và truyền thông CJ E&M (Hàn Quốc), Hôn nhân trong ngõ hẹp (Đạo diễn Vũ Trường Khoa), Mưa bóng mây (Đạo diễn Trọng Trinh)...

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao những bộ phim truyền hình ra đời trong thời kỳ công nghệ làm phim còn nhiều hạn chế lại được yêu thích hơn so với những bộ phim được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, quy tụ dàn diễn viên, cảnh quay đẹp? Có nhiều cách để lý giải vấn đề này. Không thể phủ nhận rằng, những bộ phim truyền hình trước đây được yêu thích vì khai thác những mảng đề tài “nóng” trong xã hội, kịch bản phim chặt chẽ với nhiều tình tiết hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, vào thời điểm đó, truyền hình là món ăn mới, hấp dẫn và khán giả cũng không có nhiều sự lựa chọn trong thực đơn giải trí.

Thị hiếu của khán giả hôm nay khác nhiều so với trước đây. Sự bùng nổ internet và các chương trình giải trí trên truyền hình đã mang đến cho khán giả nhiều cơ hội để lựa chọn “món ăn” mà mình yêu thích. Sự “độc quyền” phim truyền hình trên các cánh sóng đã bị phá vỡ bởi hàng trăm kênh truyền hình cùng rất nhiều chương trình truyền hình thực tế mới lạ và có sức hút. Ngoài ra, sự “đổ bộ” của hàng loạt phim bom tấn đến từ các quốc gia có nền điện ảnh, truyền hình phát triển trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... đã khiến phim truyền hình Việt “lép vế”. Bên cạnh đó, đã có thời điểm, phim truyền hình Việt phát triển ồ ạt, thiếu chọn lọc dẫn đến xuất hiện phim “thảm họa”. Chất lượng phim yếu khiến phim Việt mất thương hiệu, tất yếu sẽ đánh mất niềm tin của khán giả.

Quay trở lại những bộ phim đã được đề cập ở phần trước. Có thể thấy rằng, mỗi phim có cách tiếp cận, khai thác vấn đề riêng nhưng được khán giả yêu thích nhờ mang hơi thở mới, bám sát cuộc sống, phản ánh trực diện những vấn đề mà công chúng đang quan tâm. Mặc dù chưa thể tạo ra bước đột phá và ấn tượng mạnh mẽ nhưng đó là tín hiệu vui cho sự hồi sinh của phim Việt sau một thời gian thiếu vắng những tác phẩm chất lượng. Tôi cho rằng, phim truyền hình Việt cần phải khẳng định lại thương hiệu mà trước tiên phải lấy lại lòng tin ở khán giả thông qua chính chất lượng tác phẩm. Khán giả Việt không bao giờ quay lưng lại với phim Việt nhưng niềm tin, tình yêu, sự kỳ vọng đó phải được đền đáp bằng những tác phẩm nghệ thuật đích thực.


Phạm Thiên Giang
Ý kiến của bạn