Nhiều phim hay…
Không khó để nhận thấy, trong vài năm trở lại đây, sóng truyền hình nước ta đã phủ nhiều hơn phim Việt và tại bức tranh chung ấy có không ít phim về đề tài nông thôn tạo ấn tượng, dấu ấn đối với người xem.
Gia phả của đất đang chiếu trên VTV1 thu hút khán giả, đem đến cho người xem một bức tranh đầy màu sắc về nông thôn Bắc Bộ thời kỳ đổi mới với cái nhìn chân thực về cuộc sống người nông dân trải dài từ cuối những năm 70. Một mảnh đất, một vùng quê cũng có số phận như một đời người. Theo thời gian, vùng quê đó đã viết nên những trang gia phả cho riêng mình. Và cái gia phả ấy huy hoàng hay u tối, vinh quang hay tủi nhục là do chính những người sống cùng nó viết nên.
Trước Gia phả của đất, phim truyền hình Việt về đề tài nông thôn có Đất và người kể về mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh - Vũ ở làng Giếng Chùa và đời sống ở nông thôn những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và ảnh hưởng đến hạnh phúc đôi lứa của các thế hệ sau. Bên cạnh đó, tới nay, khán giả vẫn còn nhắc nhớ đến phim Ma làng và Làng ma - Mười năm sau làm tiếp từ Ma làng đã bao quát những vấn đề rộng lớn hơn của nông thôn, nông dân trong thời kỳ đổi mới, đi sâu phân tích đời sống tâm lý xã hội của nông thôn với khát vọng làm giàu bằng mọi giá trong khi còn thiếu các điều kiện tri thức, cơ sở vật chất, trình độ nghề nghiệp…
Gia phả của đất – phim truyền hình về đề tài nông thôn Việt Nam đang thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của khán giả.
Không chỉ có những bộ phim trên, khán giả cả nước từng say đắm với 25 tập phim Gió làng Kình mang đến cho người xem thông điệp: Người nông dân cần có sự tỉnh táo khi sống trong thời điểm có quá nhiều thay đổi đến với cuộc sống, làng quê của họ. Những quyết định sai lầm vì quyền lợi trước mắt sẽ mang tới những hậu quả vô cùng tai hại cho bản thân, gia đình và làng xóm. Hoặc phim Bí thư Tỉnh ủy (50 tập) lấy cảm hứng từ cuộc đời ông Kim Ngọc – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – với câu chuyện khoán 10 giúp nâng năng suất lúa lên gấp đôi đã làm thay đổi cuộc sống của người dân. Phim này đã miêu tả sinh động, chân thực một con người tài năng nhưng không khoa trương mà rất đỗi bình dị. Và không thể không nhắc tới một trong những bộ phim truyền hình đầu tiên về đề tài nông thôn gây được ấn tượng mạnh với khán giả là phim Chuyện làng Nhô. Bộ phim đã đánh vào những hủ tục còn tồn tại ở làng quê, những lề thói cũ gây cản trở sự phát triển của nông thôn Việt Nam.
...Nhưng thiếu kịch bản
Thực tế trên cho thấy, phim truyền hình nước nhà đã không ngừng cho ra đời nhiều tác phẩm về đề tài nông thôn, tạo được tiếng vang và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Nhưng đó chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” vì hầu hết các bộ phim trên, kịch bản lại được chuyển thể từ văn học.
Không khó để nhận ra, nhiều bộ phim về đề tài nông thôn đã lên sóng truyền hình được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Đó là phim Đất và người chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường; Ma làng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong. Bên cạnh đó còn có Chuyện làng Nhô được dựa trên tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Và ngay cả Gia phả của đất đang chiếu hiện nay cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Hoàng Minh Tường. Điều này chứng minh rằng, chúng ta thiếu hẳn những kịch bản phim được sáng tác mới về đề tài nông thôn.
Giới trong nghề không giấu khỏi sự lo lắng về việc thiếu kịch bản phim về đề tài nông thôn, về người nông dân vốn chiếm số đông trong xã hội hiện nay. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC, chỉ có kịch bản nào về đề tài nông thôn thực sự đặc biệt, có chất lượng nội dung xứng tầm mới được VFC lựa chọn để sản xuất. “Hiện số kịch bản đề tài nông thôn hàng năm chiếm khoảng 1/3 số lượng kịch bản gửi về Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, nhưng lựa chọn được rất ít”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết.
Đáng lưu tâm, đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần cho hay, hiện nay, chúng ta không thiếu những bộ phim đề tài tình yêu, giới trẻ...vì đó là những đề tài dễ thu hút khán giả, hơn nữa kịch bản dễ viết. Riêng với kịch bản về đề tài nông thôn hiếm vì đòi hỏi người viết cần sự hiểu biết, vốn sống cũng như sự chính xác trong các lĩnh vực. Mặt khác, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, số đạo diễn làm phim về nông thôn ngày càng ít đi: “Tôi hơi lo, tương lai sẽ không có đội ngũ làm phim nông thôn nữa”.