Một dự án trị giá hơn 100 tỷ đồng đang được gấp rút thực hiện nhằm biến 15ha đất ngay cạnh Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) thành một phim trường lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam (VN). Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành “kinh đô” của điện ảnh VN với công suất đạt khoảng 30 phim truyện nhựa/năm và được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước tiến dài cho nền điện ảnh nước nhà.
Phim trường hiện đại từ một trường quay cũ
Có lẽ ít ai biết rằng, 50 năm trước, trường quay Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) - trường quay đầu tiên tại VN đã được xây dựng. Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, nó được coi là thành kinh đô của điện ảnh nước nhà, nơi cho ra đời nhiều tác phẩm “kinh điển” như: Chung một dòng sông; Chị Tư Hậu; Nghêu, sò, ốc, hến... Nơi đây từng gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ, công nhân viên và có đóng góp rất lớn đối với Điện ảnh VN trong chiến tranh chống Mỹ. Đến những năm 80, cùng với khó khăn, thăng trầm của đất nước, trường quay Cổ Loa bị quên lãng và trở nên tan hoang.
![]() Phim Trần Thủ Độ được quay tại trường quay Cổ Loa. |
Năm 2008, Bộ VHTT&DL đã quyết định đầu tư 5 triệu USD (tương đương 108 tỷ đồng) từ nguồn kinh phí của Nhà nước để phục hồi và nâng cấp trường quay Cổ Loa. Sau gần 3 năm tiến hành cải tạo giai đoạn I, đến nay, trường quay Cổ Loa đã có hình hài của một phim trường quy mô, hoành tráng. Trường quay nội cảnh (rộng 400m2 do Đức xây trước đây) đã được nâng cấp trở thành trường quay hiện đại với hệ thống ánh sáng và thiết bị ghi hình, ghi âm đồng bộ, tối tân. Được biết, riêng chi phí cho thiết bị của trường quay nội này cũng đã lên đến 1,5 triệu USD. Bên cạnh đó còn có một tòa nhà phụ trợ với các phòng hoá trang, phòng phục trang, nhà công vụ và nhà nghỉ 3 sao với nhiều phòng VIP dành cho các đoàn làm phim đến nghỉ ngơi. Các hạng mục khác như trường quay phim dưới nước, trường quay ngoại cảnh (thành cổ, phố cổ Hà Nội), khu kỹ thuật, khu hậu kỳ và sắp tới là một cụm rạp chiếu phim riêng cũng đang được gấp rút hoàn thiện.
Hiện tại khoảng 80 tỷ đồng đã được rót cho trường quay Cổ Loa. Các chuyên gia của Hàn Quốc cũng đang giúp phía VN quy hoạch và khai thác trường quay này trong giai đoạn 2. Ngay trong năm 2011 đã có hàng loạt dự án phim cả điện ảnh lẫn truyền hình được thực hiện tại đây. Theo kế hoạch dự án, đến cuối năm 2015, khu trường quay đa năng đầu tiên của VN này sẽ đạt công suất khoảng 30 phim truyện nhựa/năm và năm 2020 sẽ đạt 35 phim truyện nhựa, đến 2030 sẽ đưa nước ta đứng trong 30 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực điện ảnh.
Cơn khát trường quay sẽ được giải tỏa?
Ai cũng biết vai trò của một phim trường đối với nền công nghiệp sản xuất phim ảnh. Thế nhưng, điện ảnh VN, đặc biệt là điện ảnh miền Bắc lâu nay luôn trong cảnh đói trường quay. Nhu cầu về một trường quay đã thực sự lên đến đỉnh điểm khi một số dự án phim sản xuất chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như Đường tới thành Thăng Long, Khát vọng Thăng Long, Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ được triển khai. Vì không có trường quay chuyên nghiệp nên một số đoàn làm phim đã phải kéo nhau lặn lội sang tận phim trường Hoành Điếm, Trung Quốc để thuê bối cảnh. Và cũng chính vì phải thuê mượn trường quay của nước ngoài nên một số bộ phim đã phải chỉnh sửa, cắt gọt, đã bị lên án gay gắt bởi quá nhiều yếu tố… Trung Hoa, cuối cùng là không còn kịp ra mắt nhân dịp Đại lễ. Đó là chưa kể nguồn kinh phí bỏ ra để thuê phim trường nước ngoài vô cùng lớn mà không phải đoàn làm phim nào cũng kham nổi.
![]() Một góc trường quay Cổ Loa. |