Hà Nội

Phim trên truyền hình xuyên biên giới: Nỗi lo thường trực

14-09-2020 20:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trên nền tảng số, dịch vụ truyền hình xuyên biên giới gần đây có nhiều bộ phim thể hiện sai trái về chủ quyền Việt Nam, có hình ảnh, chi tiết bạo lực khiến nhiều khán giả không khỏi bức xúc.

Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có văn bản yêu cầu kênh xem phim trực tuyến Netflix gỡ bỏ bộ phim Gửi thanh xuân ấm áp (Trung Quốc sản xuất) khỏi kênh này. Cụ thể, hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện tại phút 34:44 trong bộ phim, khi đang diễn ra bữa tiệc sinh nhật của nhân vật nữ, bất chợt cô gái này nhìn lên tivi đang chiếu bản tin thời tiết có hình ảnh “đường lưỡi bò”. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc và yêu cầu gỡ bỏ, đến nay trên Netflix không còn tồn tại tác phẩm điện ảnh này.

Netflix gần đây chiếu phim có nội dung phản cảm, sai lệch về chủ quyền Việt Nam khiến khán giả rất bức xúc.

Netflix gần đây chiếu phim có nội dung phản cảm, sai lệch về chủ quyền Việt Nam khiến khán giả rất bức xúc.

Thời gian gần đây, không ít phim công chiếu trên kênh Netflix gây phẫn nộ với người xem Việt Nam. Cuối tháng 5/2020, bộ phim truyền hình Madam Secretary do đài CSB sản xuất được chiếu trên Netflix, thu hút nhiều người xem ở nước ta. Nhưng bộ phim ăn khách này, ở phút 17:04 (tập 4), mùa 1, các nhà làm phim Madam Secretary đã sử dụng thước phim quay tại Hội An nhưng lại chú thích là Phù Lăng, Trung Quốc. Sự nhầm lẫn tai hại này đã gây bức xúc và phẫn nộ với rất nhiều khán giả nước ta, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu Netflix gỡ phim này khỏi hệ thống. Trong khi đó, bộ phim 365 Days (365 ngày yêu) lọt top 10 phim ăn khách của Netflix trên nhiều vùng lãnh thổ, xuất hiện ở Việt Nam có nội dung được cho là trá hình cổ súy tội ác bắt cóc và buôn bán tình dục dưới lớp vỏ khiêu dâm giải trí.

Cuối tháng 8/2020, khán giả nước ta cũng rất bức xúc khi bộ phim Trung Quốc có tên gọi Lấy danh nghĩa người nhà chiếu trên hệ thống FPT Play có những chi tiết, hình ảnh sai trái về chủ quyền. Đó là cảnh trong tập 18, một nhân vật bước vào thang máy, biển quảng cáo trong thang máy in hình bản đồ Trung Quốc được cho là có “đường lưỡi bò”. Nhiều người đánh giá, bộ phim này đã được “cài cắm” thông điệp quảng bá cho bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Không chỉ có nội dung và hình ảnh sai trái này, khán giả còn tẩy chay Lấy danh nghĩa người nhà vì có 3 diễn viên chính (Tống Uy Long, Trương Tân Thành và Đàm Tùng Vận) từng đăng hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò và thông điệp không đúng mực về chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam.

Cùng có nội dung bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, một số tác phẩm điện ảnh như Polar, After Porn End được chiếu trên các kênh truyền hình không biên giới và xuất hiện ở nước ta. Polar là một bộ phim đậm chất sát thủ, máu me bê bết và nặng về yếu tố tình dục nên chỉ phát hành trên kênh riêng chứ không chiếu rạp. After Po Ends lại là phim tài liệu khám phá cuộc sống của các ngôi sao phim khiêu dâm sau khi họ rời bỏ ngành công nghiệp này và cố gắng sống một cuộc sống bình thường. Sau khi rời bỏ ngành công nghiệp khiêu dâm, họ trở thành các TV stars, thợ săn tiền thưởng và nhà hoạt động xã hội. Những bộ phim này gây ảnh hưởng không tốt đến thẩm mỹ người xem, đặc biệt là các em nhỏ vì đối tượng này dễ bị tiêm nhiễm hành động bạo lực, tình dục từ những gì các em đã thấy trên màn ảnh.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, điểm chung của nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới là đều đang được cung cấp trên quan điểm, nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài, không được biên tập phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam; chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trước tình hình này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đang hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn hiệu quả các nội dung trái pháp luật tại các kênh truyền hình như trên.

Đối với Bộ VH-TT&DL, theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL), những phim chiếu trên mạng không thuộc sự quản lý của Cục Điện ảnh, đơn vị này không thẩm định cấp phép và duyệt nội dung phim. Hiện nay, Luật Điện ảnh mới chỉ điều chỉnh phim chiếu rạp và trên sóng các đài truyền hình của nhà nước, còn trên các nền tảng mạng, nền tảng mạng xuyên biên giới, phục vụ khán giả Việt Nam gần như luật này chưa động đến. Bộ VH-TT&DL sẽ sớm sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn việc phổ biến phim có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn