Phim “thần tượng” Việt: Đường còn xa ngái…

17-10-2011 08:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Phim “thần tượng” (Idol drama) không còn xa lạ với khán giả VN qua các phim nước ngoài như Vườn sao băng, Khu vườn táo đỏ, Hoàng tử ếch, Được làm hoàng hậu... Cùng với việc nở rộ phim truyền hình trong nước, khá nhiều kịch bản phim thần tượng nước ngoài được mua bản quyền,

Phim “thần tượng” (Idol drama) không còn xa lạ với khán giả VN qua các phim nước ngoài như Vườn sao băng, Khu vườn táo đỏ, Hoàng tử ếch, Được làm hoàng hậu... Cùng với việc nở rộ phim truyền hình trong nước, khá nhiều kịch bản phim thần tượng nước ngoài được mua bản quyền, cách đây chưa lâu là Ngôi nhà hạnh phúc và bộ phim đang phát sóng trên VTV3 Người mẫu cũng có nguồn gốc từ phim thần tượng của Hàn Quốc từng làm say mê trái tim nhiều khán giả cách đây 14 năm. Nhưng so sánh với phim gốc thì cả phim lẫn thần tượng vẫn… “một trời một vực”!

Xem người, ngẫm ta…

Kể từ bộ phim Sao băng lăng xê thành công, tên tuổi của nhóm nhạc F4, trào lưu phim “thần tượng” bùng nổ ở Đài Loan và lan sang nhiều nước khác. Câu chuyện cổ tích thời hiện đại đan xen những chi tiết hài hước không chỉ khiến tuổi “teen” đắm đuối với các nhân vật mà khán giả ở nhiều lứa tuổi có thể tìm thấy những thú vị riêng khi dõi theo các bộ phim này. Làn sóng phim Hàn Quốc cũng đem đến khá nhiều phim thần tượng cùng với các diễn viên ngôi sao trở thành thần tượng của khán giả ngoài đời. Các nhân vật Jang Dong Gun, Kim Nam Joo… đã từ phim ảnh bước ra và “hớp hồn” bao người trẻ, không chỉ ở VN mà dường như ở bất kỳ nơi nào bộ phim phát sóng.

 Bình Minh và Thanh Hằng trong phim Người mẫu.
“Mẫu số chung” của các phim “thần tượng” gắn với mô-típ: Nhân vật nam chính thuộc hàng “danh gia vọng tộc” bỗng dưng yêu cô gái thường dân. Cô gái giàu khát vọng, nghị lực và trái tim nhân hậu cảm hóa được chàng trai… Chàng và nàng vượt qua sóng gió để đến với nhau, nhưng dù hoàn cảnh nào chàng cũng không “biến chất” và không xuất hiện với bộ dạng lem nhem. Cao lớn, đẹp trai (tất nhiên) lại thêm trái tim đa cảm nên chàng trai trong phim càng trở nên gần gũi và thân thương hơn trong mắt của biết bao cô gái tuổi mới lớn. Họ thầm yêu trộm nhớ, mộng ước có ngày được gặp “hoàng tử” như vậy trong đời. Nhân vật trên phim đi vào con tim của hàng triệu thiếu nữ và trở thành thần tượng của một bộ phận giới trẻ…

Ở ta, vài bài báo ưu ái xếp những Dốc tình, Hương phù sa, 39 độ yêu, Đam mê, Chỗ chỉ có một người… là phim “thần tượng”, nhưng tiếc thay, chúng chẳng mang những “mẫu số” nói trên. Mà nếu có trùng với “mẫu số” thì cũng không theo con đường của phim thần tượng. “Bằng chứng” là hầu như chẳng diễn viên nào trở thành thần tượng của số đông giới trẻ sau những vai diễn trong phim đó, chưa kể một số diễn viên đóng phim thần tượng còn bị khán giả… ghét. Như Thanh Hằng và Bình Minh đều ít nhiều gây dấu ấn trong các phim trước đây, đặc biệt Thanh Hằng được đạo diễn Quang Dũng “đo ni đóng giày” cho Nụ hôn thần chết nhưng đến Người mẫu thì để lộ những non nớt về diễn xuất. Bình Minh cũng vậy, diễn xuất nội tâm có chiều sâu trở thành thách thức với anh. Lo lắng về các “thần tượng phim Việt” này không phải không có cơ sở, khi mà tốc độ làm phim truyền hình chóng mặt, đạo diễn không “chăm sóc” diễn viên như điều kiện làm phim nhựa… Nên những cái dở của diễn viên từ người mẫu chuyển sang dễ dàng bị bộc lộ.

Công bằng mà nói, một vài diễn viên được khán giả yêu thích qua các bộ phim kể trên. Rồi phim hết, khán giả chỉ biết chờ họ ở một bộ phim khác… Những bộ phim theo mô-típ “chàng trai giàu có yêu cô gái nhà nghèo” hoặc ngược lại không hiếm trong phim Việt. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó... Đạo diễn Ngô Quang Hải từng làm tổng đạo diễn và giám đốc sản xuất Chít và Pi (24 tập) với nhân vật trung tâm là những bạn trẻ tuổi “teen” cho rằng: “Các nhà sản xuất ở ta chưa làm phim “thần tượng” nên chưa có “chuẩn” để đối chiếu”.

Phải gắn với “công nghệ chế tác” sao!

Trong khi bên ca nhạc đã tạo được vài ba thần tượng của một lớp công chúng nhất định thì với hàng trăm tập phim về giới trẻ và “cầu viện” không ít “sao” ở ca nhạc, thời trang… vào phim, nhưng diễn viên vẫn chưa trở thành thần tượng. Cũng có fan club, có những forum để các fan lên mạng tranh luận với nhau về “thần tượng”, có khán giả yêu thích hay hâm mộ một vài diễn viên nhưng vẫn chưa phải phim thần tượng.

Trào lưu phim “thần tượng” của nước ngoài ra đời là kết quả của “công nghệ chế tác” sao. Những anh chàng cao lớn hay những gương mặt ca sĩ triển vọng (khuôn mặt “baby” càng tốt) và có chút năng khiếu ca hát được tuyển chọn kỹ lưỡng. Nhà sản xuất đặt hàng kịch bản “đo ni đóng giày” cho diễn viên với những tình huống diễn xuất không quá phức tạp để họ chỉ cần đứng trong khuôn hình là ra nhân vật. Dàn diễn viên phụ trợ là những người vững tay nghề. Cùng với chiến lược PR và kế hoạch “chăm sóc” hình ảnh cho “sao” của những “bầu” có kinh nghiệm đầy mình để đẩy những người “vô danh tiểu tốt” thành thần tượng!

 Một cảnh trong phim Hương phù sa.
“Phong trào” ca sĩ hay người mẫu đóng phim với những gương mặt được giới trẻ yêu thích nhưng rốt cục, ca sĩ được mời đóng phim chỉ là… ca sĩ đóng phim chứ không nằm trong chiêu thức lăng xê hay tạo “thần tượng” của một công ty hay ông bầu nào! Người mẫu lấn sân sang điện ảnh cũng coi đó như công việc hay bước rẽ nghề nghiệp. Bởi các nhà sản xuất ở ta chưa ai chủ tâm và quyết tâm cho ra đời những phim “thần tượng”.

“Nhìn nhận từ góc độ xã hội, có thể thấy sự phân tầng xã hội ở VN không sâu sắc như ở Mỹ và một số nước phát triển. “Sao” quá gần với công chúng nên họ không còn là thần tượng nữa. Người hâm mộ ra đường là gặp được “sao”. Vào quán ăn, đi mua hàng cũng có thể “đụng” sao, thậm chí người bình thường ngồi xổm ăn uống cùng “sao” ở các quán cóc vỉa hè…”. Đạo diễn trẻ Nguyễn Minh Tiến (tốt nghiệp Trường NewYork Film Accademy – Mỹ) lý giải khá thuyết phục về việc lĩnh vực ca nhạc cũng hiếm hoi mới có một vài người được coi là “thần tượng”, chưa nói đến những bộ phim thần tượng tạo ra được các thần tượng.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng không ít nhà sản xuất ở ta đã… thử làm phim thần tượng nhưng vẫn chưa “ra” được... thần tượng. “Phim thần tượng có lẽ sẽ xuất hiện trong tương lai. Khi nào bản thân người viết kịch bản tin rằng nhân vật mình tạo ra là thần tượng thì mới hy vọng có phim thần tượng. Hiện tại, chúng ta chưa đủ sức làm ra phim thần tượng. Việc xây dựng nhân vật thần tượng còn đòi hỏi nhiều sự vận động khác nữa ngoài bản thân người viết, để khi lên phim, diễn viên đủ sức tích hợp thành thần tượng. Đó là lao động lớn chứ không đơn giản như với các nhân vật bình thường khác”, bà Nhã nhận định.

Các nhà làm phim Việt có lẽ chỉ mong giữ chân được khán giả trước màn ảnh nhỏ hàng đêm. Trong tình cảnh không ít nhà sản xuất non trẻ đã phải đua chen nhau có được sóng truyền hình, tìm được ê-kíp phù hợp và toát mồ hôi tìm nhà quảng cáo thì việc tiếp cận được với giới trẻ bằng những bộ phim sạch sẽ đã là mừng. Chắc còn lâu lắm phim “thần tượng made in Việt Nam” mới ra đời!

Hoàng Đăng


Ý kiến của bạn