Phim Tết Việt kéo dài giấc ngủ đông?

05-01-2016 22:11 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nhắc đến phim Tết, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới những cái tên như Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng, Lê Bảo Trung cùng những bộ phim giải trí hài hước, quy tụ dàn diễn viên ngôi sao.

Nhắc đến phim Tết, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới những cái tên như Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng, Lê Bảo Trung cùng những bộ phim giải trí hài hước, quy tụ dàn diễn viên ngôi sao. Vài năm gần đây còn có sự góp mặt của những đạo diễn Việt kiều trẻ tuổi như Victor Vũ, Charlie Nguyễn,... Cứ ngỡ phim Tết năm nay sẽ thừa thắng xông lên nhờ sức bật mạnh mẽ của năm ngoái, nhưng có lẽ thực tế khác xa với dự đoán.

Những dự án bị... di dời

Thời điểm này năm ngoái, thị trường phim Tết Việt khá sôi động khi điểm sơ qua, có đến khoảng xấp xỉ chục bộ phim đang chực chờ ra rạp. Phần nhiều đều là những bộ phim mang tính giải trí cao để phù hợp với không khí vui tươi dịp Tết. Điểm danh các bộ phim đình đám trong thị trường phim Tết Việt 2015 có thể kể qua những tên tuổi quen thuộc của những đạo diễn lừng danh như: Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Trần Ngọc Giàu, Cường Ngô...

Cứ ngỡ phim Tết năm nay sẽ thừa thắng xông lên nhờ sức bật mạnh mẽ của năm ngoái, nhưng có lẽ thực tế khác xa với dự đoán.

Để mai tính 2, Siêu nhân X, Quý tử bất đắc dĩ, Trúng số, Ngày nảy ngày nay, Mỹ Nam Kế, Chuyện 3 cô nàng,... là những bộ phim hốt bạc tại các phòng chiếu trong dịp Tết năm ngoái. Năm nay, chào đón 2016, dường như các nhà làm phim Việt đồng loạt im hơi lặng tiếng mà chẳng ai biết vì lý do gì.  Không khí phim Tết năm nay buồn hơn hẳn khi chỉ có lác đác vài ba dự án bấm máy.

Đáng lẽ lúc này thị trường phim Tết đã bắt đầu được hâm nóng, thì trên thực tế, mới chỉ có 2 phim Tết lộ diện là Lộc phát (đạo diễn: Lê Bảo Trung), Tía tui là cao thủ (đạo diễn: Trần Ngọc Giàu). Như thường lệ, Hãng phim Hoàng Thần Tài của nghệ sĩ Hoàng Mập sẽ sản xuất một phim và Lotte sẽ phát hành một phim nhưng hầu như chưa dự án nào rục rịch khởi quay. Những dự án phim khiến khán giả hẫng hụt nhất phải kể đến Tấm Cám, Tèo Em 2. Theo kế hoạch trước đó, mùa phim Tết 2016 sẽ xôm tụ hơn với sự góp mặt của Tấm Cám (Ngô Thanh Vân sản xuất và đạo diễn) và Tèo Em 2 (đạo diễn: Charlie Nguyễn) nhưng cả 2 phim này đều phải dời ngày phát hành sang 30/4/2016 thay vì dự kiến chiếu Tết. Lý do, đây là 2 dự án được đầu tư kinh phí khủng và thời gian làm hậu kỳ lâu nên đã không kịp ra mắt đúng mùa Tết như dự định?! Sự thiếu vắng của 2 phim này khiến cuộc tranh đua phim dịp Tết 2016 đã "lèo tèo" lại càng trở nên thảm hại hơn bao giờ hết.

Phim Tết 2016 được khởi động sớm nhất là dự án Lộc phát (do Galaxy M&E - LBT Entertainment sản xuất và phát hành) với thể loại hài - hành động. Theo đạo diễn Lê Bảo Trung, Lộc phát bên cạnh tiếng cười quen thuộc sẽ xen kẽ những pha hành động gay cấn ngay từ những phút đầu tiên. Nhưng có lẽ một mình Lộc phát sẽ không đủ sức vực dậy cả một thị trường phim Tết vốn rất cần yếu tố đông vui.

Cái kết buồn của một năm "thất thu"

Dù trong năm 2015, phim Việt cũng để lại một vài dấu ấn sâu đậm, nhưng đánh giá tổng thể, đây lại là một năm vô cùng ảm đạm đối với thị trường điện ảnh Việt nói chung. Thậm chí, 80 tỷ đồng doanh thu kỷ lục của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng không thể cứu vãn một năm buồn tẻ của ngành phim ảnh nước nhà, khi phòng vé trong nước bị thống trị bởi các tác phẩm nước ngoài.

Giới chuyên môn nhận xét, hầu hết phim Việt Nam chiếu rạp trong năm kém về chất lượng và lạm dụng yếu tố câu khách rẻ tiền. Có ý kiến cho rằng, phim Việt đang quay về thời "mì ăn liền" - thời kỳ mà ai cũng trở thành nhà sản xuất, ai cũng có thể thành đạo diễn miễn là có tiền. Những bộ phim được sản xuất vội vàng chạy theo nhu cầu, thị hiếu giải trí phi nghệ thuật của một bộ phận khán giả, những người đến rạp không để thưởng thức tác phẩm điện ảnh mà để được xem nghệ sĩ mình yêu thích đóng phim như thế nào. Phim Việt liên tục tăng về số lượng, doanh thu tiền tỷ của nhiều phim khiến nhà sản xuất hào hứng bắt tay vào làm phim mới bất chấp việc thiếu kinh nghiệm, kịch bản chưa hấp dẫn, diễn viên chưa xuất sắc... Tất nhiên, những bộ phim như thế sẽ không có cửa để "mang chuông đi đánh xứ người". Những khán giả "không dễ dãi" trong nước cũng quay lưng, nói chi khán giả quốc tế.

Suy cho cùng, điện ảnh Việt vẫn cần lắm một giải thưởng quốc tế, có như thế mới mong tạo nên một hiệu ứng tốt, một trào lưu làm phim nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó. Hy vọng, không khí u ám của phim rạp dịp Tết sẽ không kéo dài đến hết năm, và các nhà làm phim sẽ sớm tỉnh giấc để nhận ra "mì ăn liền" không phải là con đường dẫn đến đỉnh cao vinh quang.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn